Chúng ta

‘Số hóa’ là từ khóa quan trọng trong kỷ nguyên mới

Thứ hai, 23/5/2016 | 09:54 GMT+7

Câu chuyện về nền tảng marketing số hóa trong kỷ nguyên mới được diễn giả Đinh Lê Đạt, CEO ANTS, trình bày sống động tại Tech Day 2016 mang lại cái nhìn toàn diện về sự thay đổi của thế giới với “số hóa” trở thành từ khóa đặc biệt quan trọng. 

Hiện nay, khi thế giới đang dịch chuyển, sale và marketing là hai khái niệm không thể tách rời mà hòa hợp với nhau. “Chúng ta không thể nói việc marketing tốt thì sale sẽ tốt hay sale tốt thì marketing tốt mà giờ đây hầu như không tách biệt nữa”. CEO ANTS chia sẻ lý do là tất cả ngành nghề hôm nay được gọi là kinh doanh truyền thống hoặc công việc mọi người đang làm đều cần phải số hóa.

Anh Đạt đặt câu hỏi liệu một người bán phở rất ngon có cần quan tâm đến số hóa không? Câu trả lời là có. “Nếu như một bạn ở trong ngõ hiểu về kinh doanh số (digital business), bạn ấy có thể sẽ đạt doanh thu gấp 4 lần cô bán phở ngoài ngõ mà không cần có một quán phở nào cả”. CEO nhấn mạnh, người đó chỉ cần một cái laptop là có thể bán được số lượng phở của chính cô kia nhưng gấp 4 lần. Điều này chứng minh không quan trọng bạn làm cái gì, đang kinh doanh trong lĩnh vực nào và với hình thức ra sao, mọi người đang đến với một kỷ nguyên số với Internet, mobile và mạng xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng.

“Câu trả lời là khách hàng của tất cả ngành nghề hôm nay đều đã được kết nối”, anh khẳng định. Hiện nay, không còn khái niệm khách hàng nữa mà chỉ có khái niệm khách hàng được kết nối, thuật ngữ tiếng Anh là connected consumer.  Đó chính là 1,6 tỷ người trên toàn thế giới trong tất cả ngành nghề. “Có nghĩa bạn có thể bán phở cho một khách hàng hằng ngày đến đưa cho bạn 50.000 đồng hoặc cũng có thể bán cho 1.000 khách hàng kết nối với giá có thể cao hơn. Đó là thực tế đang xảy ra trên toàn cầu”.

dat-5330-1463846953.jpg

Anh Đinh Lê Đạt là CEO của ANTS, một startup trong lòng FPT. Ảnh: Hà Dương.

Theo kết quả khảo sát toàn cầu với câu hỏi rằng công ty của bạn đã bắt đầu số hóa chưa và có kế hoạch nào cho hướng đi này thì ở những đất nước phát triển cũng chỉ khoảng 20% chủ doanh nghiệp nhận thức được. “Họ hiểu rằng ngày hôm nay khách hàng, sản phẩm, vận hành kinh doanh và đặc biệt là đối thủ của họ đã và đang số hóa, có nghĩa đang tham gia kinh doanh trên nền tảng số”, anh chia sẻ. Các con số cho thấy chỉ dưới 15% doanh nghiệp được khảo sát hiểu mình phải làm gì.

Tất cả mọi thứ đều phải thay đổi khi khách hàng đang dịch chuyển từ truyền thống sang khách hàng kết nối. “Khi kết nối thì thế giới đang đi tới kỷ nguyên của cơn sóng thần công nghệ có thể thổi bạt đi tất cả doanh nghiệp có thể ngày hôm nay đang là một tòa nhà rất lớn bởi vì những tòa nhà tương lai có cánh để bay”, CEO ví von.

Số hóa, mobile và mạng xã hội đang tạo ra một số lượng khổng lồ dữ liệu xung quanh một khách hàng được kết nối. “Bắt đầu từ hôm nay bạn phải tự hỏi mình đã thu thập và tích lũy dữ liệu của khách hàng như thế nào. Thứ hai là có phân tích được dữ liệu đó hay không và cuối cùng là hiểu khách hàng của mình như thế nào trên dữ liệu đó. Ngay cả ở Đông Nam Á chúng ta cũng nhận thức được rất rõ về khái niệm nền kinh tế dữ liệu theo định hướng dữ liệu”, anh Đạt chia sẻ.

Marketing giờ đây không còn là marketing truyền thống hay online mà khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi một tổ hợp các kênh truyền thông khác nhau từ online đến offline. Để tiếp cận khách hàng thì doanh nghiệp không thể bỏ kênh nào vì nếu chỉ thiếu đi một cũng có thể ảnh hưởng đến tất cả những gì đã làm trong nhiều năm, bởi dữ liệu ngày hôm nay có rất nhiều và việc khai thác nó là công việc mà bất cứ ai cũng không thể bỏ qua.

Khái niệm về hai màn hình, ba màn hình, bốn màn hình đang thay đổi cách doanh nghiệp thu thập dữ liệu. Khi tiếp cận khách hàng trên kênh số hóa, họ có thể hiểu sâu sắc và cụ thể từng mong muốn của khách hàng, ngay cả việc thích hay không thích cái gì, từ nhân khẩu học, tâm lý, hành vi hằng ngày đến rất nhiều cái khác. “Tức là thế giới đang đứng trước thách thức cũng như cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nào biết thu thập dữ liệu, phân tích và số hóa”, diễn giả nói.

Theo CEO ANTS, từ khóa “dữ liệu lớn” (Big Data) sẽ thay đổi các mô hình kinh doanh hiện nay, không chỉ ở mô hình đặc thù kinh doanh trên Internet. Anh Đạt đưa ra ví dụ trong ngành bảo hiểm. Trong các hợp đồng được bán, chỉ 2% khách hàng là không qua online trong khi 98% đều tính đến kênh online. Cụ thể, trung bình khách hàng kết nối Internet 45 phút trong vòng 35 ngày, xem 5 trang web, nhấp nội dung 5 lần và cuối cùng quyết định mua bảo hiểm. “Bất kỳ doanh nghiệp nào không tham gia vào chuỗi này chỉ tiếp cận 2% khách hàng và ngược lại 98% chắc chắn kết nối với khách hàng của mình qua nội dung số”, anh diễn giải.

dat-2-5211-1463846953.jpg

"Số hóa hoặc là chết" là tương lai rất gần của ngành marketing. Ảnh: Hà Dương.

Uber - cái tên “nóng” trên thị trường công nghệ được diễn giả lý giải không phải là ứng dụng bắt taxi mà tạo ra một trí tuệ thông minh trong giải pháp của mình (data driven logistic platform). Uber có dữ liệu về nhu cầu đi từ điểm này đến điểm kia và nhu cầu chuyên chở từ điểm này đến điểm kia. Khi có 1.000 mong muốn tại một thời điểm thì hệ thống đủ thông minh để tính ra được việc ai sẽ đón ai và ai đi với ai. “Đó là việc rất phức tạp và khi máy càng ngày càng hiểu nhiều hơn nhu cầu đi của bạn thì việc trải nghiệm dịch vụ sẽ ngày càng tăng hơn”, anh Đạt cho hay.

Ở Indonesia, ứng dụng Uber đã được một startup có tên Go-Jet phát triển bổ sung nhiều dịch vụ thú vị khác. Ví dụ như khách hàng đặt thức ăn qua ứng dụng, sẽ có đội ngũ đến lấy thức ăn giao cho họ. Trên 60% bà nội trợ hiện nay tại đất nước 250 triệu dân mua đồ ăn qua Go-Jet từ bánh mì đến mớ rau. Nền tảng này có 12 dịch vụ với nguồn dữ liệu lớn từ dịch xe ôm đưa đón đến massage tại nhà. CEO ANTS cũng nhắc đến việc Uber có thể trở thành đơn vị bán vé máy bay trong tương lai khi ngành hàng không đang đối mặt với vấn đề vô cùng lớn là số lượng ghế ngồi trên máy bay luôn luôn có số ghế trống chiếm 15%. “Sẽ có những người ngồi vào 15% số ghế đó với giá tiền khác nhau và máy bay luôn luôn đầy. Đó là sứ mệnh của Uber. Đây cũng chính là lý do tại sao startup này là đơn vị hàng chục tỷ USD”.

Bên cạnh đó, anh Đạt cũng dẫn chứng số hóa ảnh hưởng như thế nào đến ngành mỹ phẩm. Makeup Genius là ứng dụng giải quyết được bài toán chọn lựa mỹ phẩm cho chị em phụ nữ. Những người tạo nên ứng dụng này hiểu mỗi người phụ nữ luôn có một gu mỹ phẩm. Khi sử dụng tốt, họ theo dài hạn và ứng dụng chào bán những thứ hợp với gu đó. “Có nghĩa là thay vì bạn tuyển một cô gái xinh đẹp đứng và tư vấn mỹ phẩm, một ngày chỉ tư vấn được cho 20 người. Trong khi đó, với ứng dụng này, một ngày bạn có thể tư vấn cho 20 triệu phụ nữ. Đó là sự khác biệt”.

Với Netflix, công ty này đang thay đổi cách đưa nội dung video đến mọi người. Người dùng có thể tương tác trực tiếp với nhau thông qua chiếc TV, cùng bình luận và tương tác khắp mọi nơi. Hiện nay, 45% nội dung thời gian xem trên Netflix được gợi ý bởi máy tính. Có nghĩa là máy tính chọn nội dung cho người dùng với 2 nội dung được xem thì có một là do máy tính chọn. Ở lĩnh vực bất động sản, kỷ nguyên số sẽ giải những bài toán chi tiết về khách hàng để đưa ra sản phẩm mà họ mong muốn nhất từ thiết kế đến màu sơn.

Sự xuất hiện của Google Glass gần đây cũng tạo một bước đột phá mới khi con người có thể nhìn thấy vô vàn dữ liệu xung quanh mình. CEO ANTS chia sẻ anh ấn tượng với một startup ở Nhật khi nó giúp cho một em bé không tay tưởng như không thể chơi piano cũng có thể đánh đàn thông qua cử động mắt. “Thế giới đang ngày một xoay chuyển và ANTS tập trung xử lý tất cả dữ liệu liên quan đến hành vi và nhu cầu của khách hàng như thế để giúp cho các doanh nghiệp khai phá tối đa tiềm năng kinh doanh của mình”, diễn giả kết thúc phần trình bày bằng việc nhấn mạnh sứ mệnh của ANTS.

Ngày Công nghệ FPT 2016 lần thứ tư được tổ chức ngày 18/5 tại khách sạn New World (TP HCM) với chủ đề "Kết nối để bứt phá" với nhiều hội thảo chuyên sâu.

Tham dự sự kiện có một số tên tuổi như ông Rajan Anandan - Phó Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Kirsten Gilbertson - Giám đốc giải pháp Microsoft Azure khu vực châu Á - Thái Bình Dương; cùng các đại diện start-up Việt Nam đã tạo được tiếng vang như MoMo, ELSA, YouNet Media, Haravan, Umbala, Gremsy, CyRadar, ANTS...; các quầy giới thiệu giải pháp công nghệ nhà thông minh, giải trí số hay phòng thí nghiệm số từ FPT Telecom, FPT Software...

>> Ra mắt Open FPT

Yến Nhi

Ý kiến

()