Chúng ta

Phát triển sản phẩm theo chiến lược 'mobile-first'

Thứ tư, 3/6/2015 | 10:59 GMT+7

Tính chất quan trọng của nền tảng mobile đã làm xuất hiện một chiến lược phát triển sản phẩm mới, trong đó, người ta đảo lộn quy trình sản xuất hiện tại và bắt đầu thiết kế, phát triển phiên bản mobile đầu tiên, trước khi tiếp tục phát triển cho các nền tảng khác.

Trong thời đại mobile, smartphone là phương tiện đầu tiên khi mọi người muốn tìm hiểu một thông tin gì đó. Ví dụ: Thời tiết ngày mai mưa hay nắng? Món hàng này mua ở đâu thì rẻ nhất? Tình trạng dự án ra sao rồi? Smartphone đã trở thành vật bất ly thân với rất nhiều người, và người ta dù ở vai trò là người tiêu dùng, hay là nhân viên của một công ty, đều kỳ vọng tìm được thông tin họ muốn qua chiếc điện thoại của mình. Tuy vậy, với rất nhiều sản phẩm/dịch vụ online (digital products/services) thì phiên bản mobile lại luôn được thiết kế và thực hiện sau khi phiên bản web đã hoàn thành. 

Chính vì tính chất quan trọng của nền tảng mobile, gần đây xuất hiện một chiến lược phát triển sản phẩm mới gọi là "mobile-first". Tức là, chúng ta đảo lộn lại quy trình sản xuất hiện tại và bắt đầu thiết kế và phát triển phiên bản mobile đầu tiên, sau đó mới tiếp tục phát triển cho các nền tảng khác như desktop. 

Các công ty nên phát triển những ứng dụng/dịch vụ của mình theo chiến lược "mobile-first" này vì mấy lý do. Thứ nhất là nền tảng mobile đang phát triển rất bùng nổ. Nếu một doanh nghiệp không có chiến lược cho nền tảng này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó không có chiến lược tăng trưởng. Thứ hai là, áp dụng quy trình "mobile-first" khi phát triển sản phẩm/dịch vụ sẽ cho ra sản phẩm chất lượng tốt hơn. Cuối cùng, mobile là nền tảng ưu việt hơn hẳn nền tảng web.

Mobile đã trở thành nền tảng công nghệ lớn nhất mọi thời đại

Công nghệ phát triển rất nhanh và liên tục thay đổi, cứ 10 năm một chúng ta lại chuyển đổi sang một nền tảng mới. Ở thập niên 60 của thế kỷ trước, chúng ta dùng nền tảng công nghệ máy chủ (mainframe), sang thập niên 70 là thời đại của minicomputers, thập niên 90 là thời đại của máy tính cá nhân (PC), thập niên 2000 là thời đại Internet (trên desktop), và hiện nay là thời của mobile (hay nói chính xác hơn là mobile Internet).

Với mỗi chu kỳ công nghệ mới, trung bình sẽ tạo ra số lượng thiết bị gấp 10 lần nền tảng cũ. Ước tính, chúng ta sẽ có hơn 10 tỷ (10B+) thiết bị (mobile) được kết nối Internet. Mobile đã trở thành nền tảng công nghệ lớn nhất trong lịch sử loài người.

1-4799-1433296400.jpg

Điều này được phản ánh qua thực tế, doanh thu (revenue) đến từ kênh di động (mobile channel) đã trở thành nguồn thu chính của các hãng công nghệ hàng đầu. Facebook trong báo cáo tài chính quý 1/2015 thông báo rằng, 70% của doanh thu 3,54 tỷ USD đến từ mobile. Google cũng thông báo số lượng tìm kiếm trên mobile giờ đã vượt qua web. Việc không đầu tư đúng mức cho nền tảng mobile sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp bị tụt hậu. Ví dụ điển hình nhất là Microsoft, theo dữ liệu của International Data Corporation (IDC), Windows Phone giờ chỉ chiếm 2,8% trong tổng số đơn vị sản xuất của quý 4/2014.

Phát triển phiên bản mobile trước tiên sẽ giúp tạo ra sản phẩm tốt hơn

Thiết bị di động với hạn chế là kích thước màn hình nhỏ tạo ra động lực cho đội ngũ phát triển sản phẩm tập trung vào nhưng dữ liệu (data) và chức năng (functions/actions) quan trọng nhất. Khi diện tích bề mặt nhỏ, thì lượng thông tin có thể trình bày trên màn hình cùng một thời điểm sẽ bị giới hạn. Bởi vậy, thông tin (trên thiết bị di động) phải được trình bày tuần tự (sequentially). Điều này khác với giao diện desktop thông thường, khi các lựa chọn khác nhau thường được bày ra hết trên diện tích màn hình rộng rãi.

Với công nghệ màn hình hiện tại, mật độ điểm ảnh được tăng lên đáng kể, điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng hiển thị hình ảnh là chính. Về diện tích vật lý của màn hình tuy có tăng nhưng sẽ không đáng kể; và đối với thiết bị di động chúng ta luôn gặp giới hạn về số lượng thông tin có thể trình bày vào cùng một màn hình.

Lấy ví dụ từ trang nghe nhạc trực tuyến ở Việt Nam để minh họa, dưới đây là sự khác biệt giữa giao diện mobile và giao diện desktop web của Zing MP3.

Giao diện trên desktop

Giao diện trên desktop web.

Giao diện trên mobile.

Giao diện trên mobile.

Phiên bản di động tâp trung vào một tác vụ chính (chơi nhạc), trong khi đó phiên bản web có rất nhiều tính năng khác nhau được hiện ra cùng một màn hình. Điều đó không có hàm ý là phiên bản web được thiết kế tồi, mà bài học ở đây là thiết kế trên di động ép ta phải tập trung vào những nội dung và tác vụ cơ bản nhất. Khi chúng ta xây dựng và thiết kế một ứng dụng hoặc dịch vụ trên nền di động trước, điều đó sẽ giúp ta cho ra sản phẩm tốt hơn.

Smartphone là nền tảng Internet ưu việt

Mọi người thường hay nghĩ phiên bản di động có giới hạn so với phiên bảng desktop web, và trên desktop web mới có đầy đủ tính năng. Tuy vậy, nhìn nhận một cách khác thì dùng Internet trên di động ưu việt hơn hẳn trên nền desktop web. Trên PC, Internet đồng nghĩa với trình duyệt (browser), chuột và bàn phím; trên mobile, mô hình tương tác phong phú hơn nhiều: iBeacons, push notifications, Touch ID, cameras, customer keyboards.... Smartphone cũng có nhiều thông tin dữ liệu về bạn hơn hẳn nền tảng web: Smartphone biết được bạn của người dùng là ai (contacts), người dùng đang đi bộ hay chạy, ảnh của người dùng, vị trí của người dùng (GPS)...

Chính vì những sự ưu việt đó, nên tảng mobile tạo ra những ứng dụng mà web không thể có. Ví dụ, Yelp, dịch vụ review online, đưa ra ứng dụng Yelp Monocle: "Ứng dụng sử dụng thông tin từ smartphone GPS và la bàn (compass) để hiển thị thông tin Augmented Reality về các quán ăn, nhà hàng rất trực quan".

Chính vì nền tảng di động đã trở thành điện toán lớn nhất trong lịch sử loài người, smartphone đã trở thành vật bất ly thân gắn liền với đại đa số mọi người, ngoài ra việc phát triển ứng dụng trên mobile trước cũng giúp cho ra sản phẩm tốt hơn, thậm chí nền tảng mobile còn giúp đưa ra những ứng dụng mà nền tảng web không thể có; do vậy các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy về mobile và áp dụng chiến lược phát triển "mobile first". Điều này không chỉ còn là lý thuyết mà đã được các tập đoàn lớn áp dụng thành công cho cả các sản phẩm đại chúng (consumer-facing products) và cả các ứng dụng cho doanh nghiệp (business applications).  

Trần Tuấn Anh (FSB, FPT Software)

Ý kiến

()