Chúng ta

Chiến lược kinh doanh là gì?

Thứ tư, 21/9/2016 | 08:17 GMT+7

Chiến lược (strategy) hay chiến lược kinh doanh (business strategy) là từ được các lãnh đạo nhắc đến rất nhiều ở các diễn đàn kinh doanh. Đưa ra những chiến lược kinh doanh sáng suốt là kỹ năng mặc nhiên các lãnh đạo của doanh nghiệp phải có để đưa doanh nghiệp của mình đến với thành công.

Một số chiến lược hay được nhắc đến là “Lấy nông thôn vây thành thị” của Viettel. Chiến lược đúng đắn này đã giúp Viettel phát triển vượt qua các đối thủ để thành nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Đối với FPT thì có ví dụ chiến lược “Đông Du” vào thị trường Nhật Bản của FPT Software đầu những năm 2000; đây là mốc có tính bản lề giúp FPT Software tăng trưởng vượt bậc. Thị trường Nhật Bản đến bây giờ vẫn là thị trường lớn nhất của FPT Software.

Chiến lược có tính chất quan trọng sống còn với các doanh nghiệp như vậy, nhưng khi nói đến chiến lược thì mỗi người lại hiểu từ đó với nghĩa khác nhau tùy vào văn cảnh. Chính vì sự quan trọng của chiến lược trong kinh doanh, trong bài này chúng ta cùng nhau tìm hiều một số định nghĩa thông dụng của từ “chiến lược kinh doanh” và cung cấp một số ví dụ minh họa cho các ý nghĩa đó.

DSCF1407-JPG_1474353012.jpg

Kế hoạch

Chiến lược kinh doanh có thể hiểu như là một kế hoạch (plan) của doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình theo ý nghĩa này là chiến lược “Embrace, Extend, and Extinguish” của Microsoft; tạm dịch là “Tham gia, Mở rộng, và Loại trừ”. Đây là chiến lược Microsoft dùng để thâm nhập thị trường mà sản phẩm dùng các chuẩn mở (public standards), mở rộng những chuẩn này bằng cách đưa ra các tính năng dựa trên công nghệ đóng (proprietary capabilities), sau đó dùng những khác biệt này với lợi thế tập khách hàng lớn để giảm sức mạnh của đối thủ. Microsoft đã rất thành công với kế hoạch 3 bước này khi cạnh tranh với Netscape trong cuộc chiến dành quyền kiểm soát thị trường trình duyệt (browsers).

Chiến thuật

Chiến lược có thể được hiểu theo nghĩa là một “chiến thuật” (ploy) để đánh lừa (outwit) đối thủ trên thương trường. Một ví dụ nổi tiếng là việc Boeing tuyên bố về dự án Sonic Cruiser năm 2001 ngay sau khi đối thủ Airbus tuyên bố phát triển A380. Tuy vậy, chỉ ngay năm sau đó, vào tháng 12 năm 2002, Boeing hủy kế hoạch sản xuất Sonic Cruiser và tập trung vào mẫu 787 Dreamliner, là một mẫu máy bay nhỏ và kinh tế hơn để vận hành. Mẫu Dreamliner của Boeing bán chạy hơn hẳn mẫu A380 của Airbus với tỷ lệ 4:1. Rất nhiều người nghĩ rằng Boeing tuyên bố về việc phát triển mẫu máy bay hạng lớn Sonic Cruiser là một chiến thuật để lừa Airbus đầu tư vào dự án A380, trong khi ngầm chuẩn bị cho việc phát triển Dreamliner. Sự thật thế nào thì chúng ta cũng không thể biết được, tuy vậy, đây vẫn là một ví dụ hay được đưa ra khi nói về chiến lược kinh doanh hiểu theo nghĩa là một chiến thuật trên thương trường.

Định vị

Chiến lược kinh doanh cũng thường hay được hiểu theo nghĩa định vị (position) của doanh nghiệp trên thị trường. Định vị đúng đắn, doanh nghiệp sẽ khai thác được thế mạnh của mình, tránh phải cạnh tranh ở mặt yếu, tạo ra giá trị cho khách hàng và tạo khách biệt với các đối thủ. Một ví dụ ở ngay trong FPT có thể liệt vào dạng này là chiến lược định vị FPT Software như là đối tác làm dịch vụ cho các công ty Nhật Bản. FPT Software là một công ty Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này: Giá nhân công rẻ, nhân lực trẻ và chịu khó học hỏi, không quá chênh lệch về múi giờ địa lý, tương đồng về văn hóa. Tổng hợp những yếu tố này giúp FPT Software có rất nhiều lợi thế trong thị trường dịch vụ công nghệ tại Nhật Bản.

FPT Software gần đây rất thành công trong việc định vị mình là đối tác cho các công ty (phần nhiều là Nhật Bản) khi họ thực hiện chính sách China + 1 (Trung Quốc cộng một). Rất nhiều công ty Nhật Bản muốn mở rộng và chuyển bớt hoạt động kinh doanh của họ ra khỏi Trung Quốc sang một nước khác để giảm rủi ro. Việt Nam nói chung và FPT Software nói riêng là lựa chọn rất tốt do những lợi thế đặc thù.

Tư duy/Văn hóa

Chiến lược cũng có thể là tư duy kinh doanh đặc trưng của doanh nghiệp đó. Những quyết định về chiến lược kinh doanh được hình thành và phụ thuộc rất nhiều bởi văn hóa của công ty đó. Có thể kể đến chiến lược dùng Thiền trong kinh doanh của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. Tại Công ty Vo Trong Nghia Architects, mỗi người phải qua một khóa thiền 10 ngày, sau đó nếu ở công ty, mọi người đều dành 2 giờ trong ngày để thiền (7h30-8h30 sáng và từ 5h-6h chiều) và không có ngoại lệ. Ông Nghĩa cho rằng việc thiền định sẽ giúp cho mọi người làm việc tốt hơn. Ông đã cho nghỉ việc những người không thể đi thiền kể cả họ có chuyên môn giỏi. Ông Nghĩa có chia sẻ ở hội thảo “TGB Seminar” tại FPT là hiện tại ông không bỏ tiền thuê kiến trúc sư giỏi có tiếng ở nước ngoài (tuy có rất nhiều người xin vào công ty ông) mà tuyển những sinh viên Việt Nam tại những trường bình thường, cho họ học và thực hành Thiền hằng ngày, bởi ông tin chắc rằng Thiền sẽ giúp họ thiết kế ra những sản phẩm tầm cỡ quốc tế.

Như trên có thể thấy danh từ “chiến lược kinh doanh” có rất nhiều nghĩa khác nhau, là thành tố quan trọng trong kinh doanh, chúng ta không thể bỏ qua bất kỳ ý nghĩa nào của từ này. 

Trần Tuấn Anh

Ý kiến

()