Chúng ta

Các mô hình kinh doanh cho API

Thứ hai, 20/6/2016 | 17:43 GMT+7

Với những lợi ích đem lại cho doanh nghiệp, API (Application Programming Interface - giao diện lập trình ứng dụng) được xem là thành tố không thể thiếu trong nền kinh tế số (digital economy).

Trong loạt bài trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu thế nào là API, nó được khai thác sử dụng như thế nào, và các đối tượng người dùng API là ai; API đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp... Bài viết này, chúng ta sẽ nhìn API từ khía cạnh kinh doanh và tìm hiểu các mô hình kinh doanh (business model) có thể áp dụng khi triển khai API.

Về mặt kỹ thuật, API là cách mà các ứng dụng/dịch vụ tương tác với nhau, nó giúp tạo ra những ứng dụng mới sáng tạo và giá trị mới cho người dùng. Đối với nhiều công ty, API là một phần quan trọng của nền tảng kinh doanh. Tuy vậy, nhiều công ty xây dựng toàn bộ mô hình kinh doanh của họ xoay quanh API. Ví dụ, Công ty Twilio đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán New York, mô hình kinh doanh của Twilio xoay quanh việc cung cấp các API cho dịch vụ tin nhắn, thoại, và các dịch vụ viễn thông khác.

1_1466141692.png

Có thể phân loại ra bốn kiểu kinh doanh API thông dụng. Một là cung cấp API miễn phí, hai là người dùng trả tiền để sử dụng API, ba là nhà cung cấp API trả tiền cho người dùng, bốn là các hình thức kinh doanh API với giá trị nhận lại gián tiếp. Chúng ta sẽ tìm hiểu từng thể loại một và xem xét một vài ví dụ điển hình, đồng thời liên hệ với các dịch vụ sản phẩm của chính FPT.

API dùng miễn phí

Một doanh nghiệp (hoặc tổ chức) có thể mở API ra cho dùng miễn phí. Bất cứ nhà phát triển (lập trình viên) nào cũng có thể đăng ký để khai thác sử dụng. Ví dụ, Facebook cung cấp miễn phí API để mọi người nhúng nút Like vào trang web của mình. Việc này giúp nút Like của Facebook xuất hiện khắp mọi nơi trên web, khẳng định là nền tảng social networking số một của Facebook. Có một số thống kê tính rằng, cứ 5 trang web thì có một trang sử dụng nút Like của Facebook. Ước tình có 125 triệu trang web như vậy.

API phải trả tiền để dùng

Trong trường hợp này, người dùng sẽ trả tiền cho nhà cung cấp để được sử dụng API. Điều này ban đầu nghe có vẻ giống với các loại hình kinh doanh truyền thống ta vẫn thấy. Tuy vậy, API là một hình thức kinh doanh số nên có nhiều mô hình kinh doanh mới rất thú vị.

Pay As You Go -Trả tiền theo thực tế sử dụng. Điển hình cho mô hình này là dịch vụ Cloud của Amazon, đó là Amazon Web Services (AWS). AWS cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng như máy chủ, cơ sở dữ liệu, lưu trữ, hạ tầng mạng... với chính sách giá Pay-As-You-Go. Người dùng có thể mua dịch vụ của AWS theo nhu cầu (không phải báo trước) và dùng trong khoảng thời gian nhất định. Chính sách giá của AWS không đòi hỏi khách hàng phải trả một mức phí tối thiểu, hay đặt cọc, hoặc hợp đồng dài hạn. Việc này giúp người dùng của AWS chỉ phải chi trả cho đúng nhu cầu thực tế của hệ thống. Vì đối với các hệ thống cũ, việc mua và lắp đặt hệ thống mất rất nhiều thời gian, dẫn đến việc các tài nguyên phải được mua trước theo dự báo nhu cầu, việc đó dẫn đến tổ chức phải bỏ ra một số vốn lớn ban đầu (capex), và gây lãng phí hoặc nếu không thì lại không đáp ứng được nhu cầu thật.

2d_1466141725.png

Chính vì những lợi điểm của phương pháp tính giá như vậy, rất nhiều công ty lớn đã sử dụng AWS thay vì phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của mình hoặc thuê các loại hình trung tâm dữ liệu truyền thống. Netflix là công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới, Netflix sử dụng AWS cho gần như toàn bộ hệ thống streaming của họ, Netflix sử dụng hàng chục nghìn máy chủ và lưu trữ hàng chục petabytes dữ liệu trên dịch vụ AWS một phần vì tính linh động của phương pháp tính giá theo nhu cầu sử dụng.

Freemium - Miễn phí tính năng cơ bản, trả tiền cho tính năng cao cấp. Với mô hình này, người dùng được dùng miễn phí sản phẩm và dịch vụ, nhà cung cấp chỉ tính phí khi người dùng chọn các tính năng đặc biệt. Đây cũng là một mô hình thông dụng các nhà cung cấp API thương mại hay sử dụng. Lợi điểm của mô hình này là khuyến khích người dùng thử dịch vụ, giúp việc phát triển tập người dùng rất nhanh và hiệu quả. Sau khi đã có tập người dùng lớn thì nhà cung cấp có thể bán các dịch vụ cao cấp cho một số nhỏ người dùng trả tiền. Ví dụ, dịch vụ Google Cloud Vision API cho phép người dùng sử dụng miễn phí 1.000 unit/tháng; hoặc dịch vụ Google Maps API cũng dùng chính sách freemium.

Ngoài ra còn rất nhiều mô hình khác như transaction fee, unit-based...

API được trả tiền khi dùng

Trong trường hợp này, việc dùng API thường đem lợi ích đến cho nhà cung cấp API. Vì vậy, nhà cung cấp muốn khuyến khích và tạo động lực cho việc sử dụng API bằng cách trả tiền cho người dùng. Các hình thức trả tiền cho nhà phát triển rất đa dạng tùy thuộc vào ngành nghề và phương pháp kinh doanh của từng nhà cung cấp.

Một trong những API trả tiền nổi tiếng là Amazon Advertising API, API này cho phép nhà phát triển truy cập và lấy thông tin về hàng triệu sản phẩm mà Amazon đang bán trên hệ thống của họ trên toàn cầu như: Sách báo, âm nhạc, đồ điện tử, đồ gia dụng... Từ đó, nhà phát triển có thể dùng thông tin này để quảng cáo các sản phẩm trên trang web của mình. Nếu người dùng mua một sản phẩm mà do nhà phát triển giới thiệu đến, thì Amazon sẽ trả cho người giới thiệu một tỷ lệ hoa hồng quảng cáo nhất định tùy theo mặt hàng.

Untitled_1466141866.png

Những hình thức này người ta gọi là tiếp thị Liên kết (affiliate marketing). Đây là phương thức tiếp thị dựa trên nền tảng công nghệ Internet; phương thức này có lợi điểm hơn các phương thức truyền thống là việc thanh toán chỉ dựa trên hiệu quả của quảng cáo mà không dựa vào các chỉ số gián tiếp như thời gian và tần suất quảng cáo. Việc thực hiện những hình thức tiếp thị liên kết này đều dựa vào nền tảng API để liên kết các bên.

API không trực tiếp tạo ra doanh số

Ngoài những phương thức kinh doanh API kể trên thì một tổ chức có thể triển khai hệ thống API vì nhiều lợi ích và lý do khác, tuy không trực tiếp tạo ra doanh số. Một những lợi ích đó là khai thác được trí tuệ của cộng đồng. Ví dụ, Fitbit là công ty chuyên sản xuất các thiết bị theo dõi thông số sức khỏe cá nhân (fitness tracker). Lúc đầu, chỉ có một ứng dụng tương thích với phần cứng của công ty được chính công ty phát triển.

Điều này không đáp ứng được với nhu cầu đa dạng của người dùng. Vì thế năm 2011, Công ty Fitbit mở API về dữ liệu (thu thập được từ thiết bị) ra cho các nhà phát triển khai thác. Đến giờ đã có hơn 30 ứng dụng được phát triển từ các bên thứ ba khai thác API của Fitbit. Việc có nhiều ứng dụng phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng giúp tăng giá trị của thiết bị Fitbit, đồng thời kích thích nhu cầu sử dụng của người dùng. Fitbit có được nhưng ưu thế này mà không mất chi phí đang kể nào (ngoài việc duy trì vận hành API).

Hoặc như các công ty có thể phát triển API để dùng nội bộ giúp việc tích hợp các hệ thống nội bộ nhanh chóng hơn. Khi phát triển một ứng dụng nội bộ cho doanh nghiệp, thường thì hệ thống mới phải truy xuất và lấy thông tin, dự liệu từ nhiều nguồn khác nhau (từ các phòng ban khác nhau). Công việc này (nếu không dùng hệ thống API chung) thì rất tốn thời gian vì các hệ thống khác nhau lưu trữ thông tin với các format khác nhau (data format), và dữ kiệu được trao đổi với các phương thức khác nhau (data exchange protocol). Phần code được viết cho việc tích hợp này thường không bao giờ tái sử dụng lại được cho các trường hợp tương tự. Ví dụ, Công ty Comcast ở Mỹ, sau khi triển khai hệ thống API nội bộ, thì việc tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống giảm từ vài ngày xuống còn 30 phút.

fsfsfd_1466141894.png

Chúng ta có thể thấy có rất nhiều mô hình kinh doanh có thể áp dụng đối với API. Việc áp dụng mô hình kinh doanh nào vào hệ thống API thường phụ thuộc vào đặc thù kinh doanh của từng công ty và mục đích khai thác API của công ty đó là gì. Chúng ta cùng tìm hiểu và phân loại các mô hình kinh doanh API khác nhau, trên thực tế thì một API có thể có nhiều lợi ích khác nhau cùng một lúc, và công nghệ ngày càng phát triển đặc biệt trong lĩnh vực IoT, điều đó sẽ tạo ra những loại hình dịch vụ mới (thường dựa trên nền tảng API để khai thác), chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm trong loạt bài sau.

>> Bức tranh đa sắc of FPT trong cuộc chơi IOT

Trần Tuấn Anh

Ý kiến

()