Chúng ta

Từ 'cô gái núi' nghèo khó trở thành cá nhân xuất sắc FPT

Thứ sáu, 29/9/2017 | 15:03 GMT+7

7 tuổi, chị Lương Thị Hường đã phải lo lắng mọi chuyện trong nhà thay mẹ, trở thành người chị lớn của các em. Những tố chất được tôi luyện từ cuộc sống gian khó thủa ấu thơ đã giúp cô gái miền núi Đồng Giao nghèo khó ngày nào trưởng thành và đạt những thành tích đáng nể trong công việc.

Những ngày mùa thu tại Đồng Giao - một nông trường nằm giữa các quả núi, cách xa trung tâm thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, người ta lại say đắm vẻ đẹp của những cánh đồng dứa bạt ngàn, trải dài tới chân những rặng núi tím mờ xa, nhấp nhô uốn lượn trên những sườn đồi. Những con đường dẻo quánh loại đất bazan màu cà rốt càng làm nổi bật hơn thảm lá dứa xanh vàng trong nắng sớm.

Sinh ra trong một gia đình đặc biệt khó khăn tại "thủ phủ dứa" Đồng Giao này, ngay từ nhỏ, chị Lương Thị Hường đã phải lo toan mọi việc trong gia đình với vai trò "người chị cả".

huong-3-6912-1506667357.jpg

Chị Lương Thị Hường (áo cam, quần trắng) đã trở thành thủ lĩnh của đội salesman Hải Dương nhờ một phần những kinh nghiệm đúc kết được tư tuổi thơ nghèo khó.

"Mẹ tôi một tay nuôi hai con và hai cháu giúp chị gái ốm yếu của mình. Vì vậy, công việc của mẹ là ra đồng với dứa, mía, ngô, khoai từ sáng sớm đến tối mịt. Tất cả việc nhà từ dạy ba anh em học, lo cơm nước, chợ búa, đưa đi học, kiếm củi đốt quanh năm... đều do tôi sắp xếp làm hết", chị Hường nhớ lại những tháng ngày tuổi thơ gian khó.

Vì hoàn cảnh cuộc sống phải gánh những vai trò lớn lao từ nhỏ nên việc lên kế hoạch được chị học ngay từ năm 7 tuổi. Những việc nhỏ hằng ngày như: Dắt xe cho mẹ khi đi làm về, cất làn đựng đồ trên xe mẹ xuống, rót nước, nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp... đều được chị phân công cụ thể, chi tiết tới từng người. Và đương nhiên, những "việc lớn" như nấu cơm, rửa bát đều do chị làm để các em không tị nạnh.

Thời gian biểu cũng được sắp xếp sao cho ăn khớp nhất: Buổi nào đi học, buổi nào đi kiếm củi, buổi nào đưa nhóm anh em họ đi học. Trường ở thị trấn nên chị phải dùng xe đạp để đưa các em tới trường, tiện thể đi mua đồ ăn. 

Lương Thị Hường
Năm sinh: 1984
Vị trí: Trưởng phòng Kinh doanh
Đơn vị: FPT Telecom Hải Dương
Thành tích: Top 100 Cá nhân xuất sắc FPT 2016
Quan niệm: Tôi vẫn luôn tự hào về FPT và công việc cũng như sự lựa chọn của mình. Ở đây tôi được là tôi, được thỏa mãn đam mê của mình. Tôi sẽ không chọn cách khác cho dù được đổi lại.

Có lần, trưa nắng hè, ra chợ mua thức ăn trước khi về nhà, chị thấy người ta xách nước chè giao bán 200 đồng/cốc. Chị lại thấy có người muốn uống nhưng không mua vì sợ đói sẽ xót ruột. Lúc này, chị nhớ ngay ở nhà mình có rất nhiều cây nhân trần kho mà mẹ uống hằng ngày. Cây này vị rất thanh mát, ngọt dịu, không lo xót ruột. Nghĩ vậy, chị bèn về nhà đun nước, trưa hôm sau đem giao ngoài chợ. Món của chị đắt khách hơn hẳn vì rất hợp để uống khi người ta vừa đói vừa khát. Nhờ đó, chị kiếm thêm được một khoản cho gia đình, tăng thêm thức ăn cho mỗi bữa cơm.

Sau lần này, chị bắt đầu "buôn bán" nhiều hơn. Khi học cấp một, chị bán ngô luộc và rau. Thời sinh viên lại bán quần áo, làm thiệp, bán hoa tươi... Có lần, nhóm chị về nhà bạn ở Thái Bình chơi vào dịp cuối tuần, sáng sớm ra chợ mua hoa quả trước khi về, thấy người ta bán một thùng áo phông rẻ đẹp của công ty may gần đó. Cả nhóm túm đầu thảo luận khoảng 5 phút và quyết định gom nốt tiền trong túi mua một bọc về Thái Bình bán. Lăn lộn khắp chợ Thái Bình một ngày cũng bán hết số áo và kiếm được 350.000 đồng tiền lãi.

Những tháng ngày sinh viên của chị cứ thế trôi đi với những lo toan cho cơm áo gạo tiền, với những đêm trắng ôn thi, những ngày miệt mài buôn bán kiếm tiền mưu sinh. Chính các kỹ năng tôi luyện từ thủa ấu thơ trước đây đã giúp chị tự lập từ những ngày đầu chập chững ra trường đời như vậy. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, "cô gái xứ dứa" đi xin việc tại Hà Nội và mong muốn lập nghiệp ở đây.

Nhưng số phận run rủi, thời gian không lâu sau đó, chị lập gia đình và theo chồng về Hải Dương sinh sống. Nơi đây có rất nhiều khu công nghiệp thu hút phần lớn giới trẻ vào làm việc. Tuy nhiên, do không thích môi trường nhà máy gò bó nên chị đã đi tìm việc khác tại Sàn Giao dịch việc làm Hải Dương. FPT là nơi chị quyết định tham gia phỏng vấn đầu tiên sau khi tìm hiểu rõ các thông tin về công ty, dịch vụ cung cấp và mô tả công việc.

"Tôi muốn làm sales vì bản tính thích giao tiếp, công việc phù hợp với ngành học quản trị kinh doanh, môi trường làm việc của FPT lại rất năng động, phóng khoáng", chị Hường nhớ lại lý do đến với nhà F năm nào.

huong-2-8851-1506667357.jpg

Chị Hường trong Lễ tôn vinh 100 Cá nhân xuất sắc FPT 2016 tại Hàn Quốc.

Những ngày đầu làm việc, vì không phải người Hải Dương nên có lần chị đã "lạc trôi" về tận Hải Phòng. Rất may có cột mốc giao thông đã giúp chị định hướng quay lại. Khi làm thị trường, mỗi nhóm sales được chia những mảnh đất riêng để "canh tác". Nhưng cũng do không thông thạo đường phố nên chị thường "đánh" cả đất của nhóm khác. Và cũng với lý do trên, chị đã nhiều lần cầm một xấp hợp đồng về văn phòng sau một buổi survey miệt mài để rồi phải đem trả lại khách hàng vì đó là những khu còn chưa có hạ tầng.

"Mỗi bước chân đi survey, mỗi lần trả lại hợp đồng, mỗi lời xin lỗi đồng nghiệp là mỗi lần giúp tôi nhận biết được hạ tầng chi nhánh để khoanh vùng làm việc hiệu quả hơn. Giờ đây, tôi lại là người thường xuyên chỉ giúp người thân, bạn bè những địa chỉ họ muốn tới. Bởi "sales map" chuẩn hơn Google map rất nhiều", chị vười vui.

Làm salesman luôn phải đối diện với áp lực doanh số hằng ngày. Vì vậy, mỗi khi thấy tinh thần đi xuống do làm việc không hiệu quả, chị lại làm lại kế hoạch: Tăng tần suất lao động và gia tăng thêm kênh mới với các mục tiêu cụ thể từng ngày, từng buổi sáng/chiều. Nhờ năng khiếu làm "chị cả" từ thủa nhỏ cộng với khả năng giao tiếp tích lũy được trong những ngày tập tành buôn bán, chị luôn nỗ lực đi survey nhiều hơn mỗi ngày.

"Tôi rong ruổi khắp các con phố với tâm trạng nhẹ tênh: Tôi không đang đi bán hàng mà là đi chia sẻ với mọi người về sản phẩm, dịch vụ FPT. Nếu mình chân thành với khách hàng thì không có lý do gì họ quay lưng lại. Tôi không bao giờ cho rằng đi bán hàng là lấy tiền từ túi người tiêu dùng mà chỉ mong muốn cung cấp một sản phẩm/dịch vụ thực sự có ích cho mọi người, vì thế, tôi luôn nhận được sự yêu mến và đồng cảm của khách hàng. Cứ thế, mọi người dần đón nhận thông tin sản phẩm và tôi cũng lấy lại ngọn lửa đam mê trong công việc của mình. Ngoài ra, với tôi đi survey còn là cách hữu hiệu để tăng cường sức khỏe, vừa đi thể dục vừa có tiền", chị bày tỏ.

Theo chị, trong công việc, khó khăn đầu tiên là vượt qua chính mình, vượt qua chính sự xuống tinh thần vì thiếu số hay chán nản. Tiếp đó là cách sắn xếp công việc và gia đình để thuyết phục được người thân đồng cảm, chấp nhận song hành cùng đam mê của mình là điều rất khó - nhất là với một người phụ nữ.

Công tác truyền thông tinh thần thường xuyên được chị chia sẻ để các thành viên trong gia đình đồng cảm. Bên cạnh đó là cách sắp xếp công việc nhà khoa học: Giờ nào làm gì? Ưu tiên việc nào trước? Và cần nỗ lực để không bỏ mất điều gì. Mọi việc phải trọn vẹn bằng tình yêu và niềm vui sống. Vợ chồng chị thường chia nhau, chị nấu cơm sáng, anh nấu cơm tối, chị kèm con học, anh đưa con tới trường....

Nhờ sự chu toàn như vậy, chị luôn nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của chồng và người thân. Mọi người không phản đối mà chỉ tỏ ra lo cho sức khỏe và sự an toàn của chị khi mà công việc này cần di chuyển nhiều đến các Văn phòng Giao dịch và thường về muộn, nhất là cuối tháng.

"Cuộc sống, công việc luôn đầy những áp lực nhưng tôi chưa từng khóc hay buông bỏ bởi bản thân là một cô gái núi, lớn lên từ cuộc sống khó khăn của vùng núi đá khắc nghiệt. Sự bươn chải của tuổi thơ đã tôi luyện cho tôi tinh thần "không bao giờ được bỏ cuộc". Những việc như đi bộ xa đi học, đến việc kèm cặp học tập và lên lịch làm việc cho một nhóm anh em họ đã phần nào hình thành tôi của ngày hôm nay", chị tâm sự.

Từ một cô gái làm sales bỡ ngỡ ngày nào, nay chị Hường đã là Trưởng phòng Kinh doanh của FPT Telecom Hải Dương. Với khả năng "team lead" từ ngày nhỏ, chị đã cùng những đồng đội của mình đánh nhiều trận chiến lớn, đem lại doanh số cao cho đơn vị, góp phần giúp Hải Dương trở thành một trong những chi nhánh trong Top đầu của Vùng 3. Năm 2016, chị Hường được vinh danh trong Top 100 cá nhân xuất sắc của Tập đoàn.

"Cho đến giờ, sau những nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống cũng như công việc, mọi thứ đã dần mỉm cười với tôi, có lẽ nhờ "ở hiền gặp lành". Và tôi cũng luôn tâm niệm, cứ sống thật thanh thản, bình dị, nhẹ nhàng để tận hưởng cuộc sống. Khi làm việc hãy cống hiến từ những chi tiết nhỏ nhất, đặc biệt là nỗ lực làm theo kế hoạch và chủ động trong mọi tình huống", cô gái mỉm cười đúc kết.

>> Trở thành salesman xuất sắc nhờ bị 'ép' chuyển việc

Tử Quyên

Ý kiến

()