Chúng ta

Thầy giáo FPT hiện thực ‘giấc mơ bay’ với mô hình như thật

Thứ bảy, 4/8/2018 | 09:13 GMT+7

Ngoài việc được biết đến trong vai trò giảng viên Đại học FPT, anh Lê Thanh Hải còn gây chú ý khi là chủ nhân của rất nhiều máy bay mô hình độc đáo do anh sáng chế.

Trên bãi đất trống, tiếng động cơ gầm vang và rồi một chiếc máy bay mô hình mang logo Vietnam Airlines cất cánh vút cao lên bầu trời xanh sau vài vòng chạy lấy đà. Hình ảnh đó đã dần trở thành quen thuộc và chỉ là một trong hàng trăm buổi bay do anh Lê Thanh Hải - giảng viên của ĐH FPT ‘cầm lái’ suốt 6 năm qua.

Ngoài việc ham học hỏi khi tốt nghiệp 3 trường đại học: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh Hải còn có niềm đam mê đặc biệt với máy bay mô hình. Năm 2013, sau khi nhận bằng Thạc sĩ trường Đại học Bách khoa, trong một lần tình cờ xem màn trình diễn của những chiếc máy bay mô hình, anh Hải bắt đầu tìm hiểu về thú chơi đầy khoa học này. Để có thể làm chủ được những sản phẩm công nghệ cao, anh còn phải nâng cao khả năng tiếng Anh để nghe, đọc tài liệu của nước ngoài về kỹ thuật chơi hoặc chia sẻ của cộng đồng nước ngoài.

Mentor-HaiLT-dep-2340-1533291586.jpg

Anh Lê Thanh Hải giảng dạy ở Đại học FPT có sở thích chơi máy bay mô hình. Ảnh: NVCC.

Phải mất cả tháng trời mày mò, sản phẩm đầu tay của anh mới có thể cất cánh, đến giờ mỗi khi nhớ lại anh vẫn không khỏi bồi hồi khó tả: "Thời gian đầu một mình tự nghiên cứu và tự chơi nên tôi không có cảm giác bay. Tôi cứ rón rén, sợ máy bay bay mất hoặc bị ‘đập’ (thuật ngữ chỉ máy bay bị tai nạn trong quá trình điều khiển)". Anh thường quay lại những buổi bay để tối ngồi xem và phân tích thêm để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Thành công ban đầu khiến anh có thêm động lực để tiếp tục nuôi dưỡng sở thích. Theo anh, thú chơi này đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. Vì làm ra được máy bay là một chuyện, còn phải chăm chỉ tập luyện bay. Thường một tuần anh sẽ dành 2-3 buổi để tập trong 10-20 phút.

Sau khi dấn thân vào đam mê máy bay mô hình, đến nay anh đã có khoảng 30 sản phẩm đủ các kích cỡ khác nhau. Mong muốn tạo ra được những mô hình ngày càng đặc biệt nên dù đã sở hữu hàng chục chiếc máy bay mô hình tầm cỡ và rất bận rộn, anh vẫn cố gắng nghiên cứu để cho ra đời những chiếc mới với thiết kế sáng tạo hơn. Hiện tại, công việc khá dày khi ngoài công tác giảng dạy Công nghệ thông tin tại Đại học FPT, mới đây anh còn trải nghiệm công việc 'thầy giáo online' khi được FUNiX mời về làm mentor ở  môn IoT (Internet of Things). Nhưng điều đó không ngăn cản được niềm đam mê với máy bay mô hình của anh.

Untitled-620-2411-1443499044-6224-153329

Anh Hải bên cạnh chiếc thủy phi cơ Polaris. Ảnh: NVCC.

Sau khi đã có chiếc thủy phi cơ, mới đây anh Hải đã tiếp tục cho ra đời mô hình hai chiếc dòng máy bay chở khách. Đầu tiên là chiếc ATR 72 sải cánh 2,3 m, chiều dài 2,2 m làm theo đúng tỷ lệ và các chi tiết của máy bay thật. Chiếc thứ 2 là Boeing 787 Dreamliner, biệt danh ‘giấc mơ bay’, có sải cánh 3,3 m, dài 3,15 m cũng theo đúng tỷ lệ, có chi tiết đến cả cánh tà, phanh gió, hệ thống động cơ, càng gập,… và trang trí của Vietnam Airlines.

Theo anh Hải thì đây là chiếc máy bay mô hình dòng chở khách to và chi tiết nhất ở Việt Nam. Anh đã bỏ ra hơn một năm để thiết kế, cắt chi tiết, lắp ghép thử nghiệm để có được tạo hình hoàn chỉnh. Thực tế máy bay Boeing 787 Dreamliner bản thương mại chính thức có thể chở từ 240 đến 335 hành khách, độ dài sải cánh lên tới 60,1m với thiết kế cong đều đặc trưng của Boeing.

Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc bắt tay vào làm là cả một quá trình mà thầy giáo Hải gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên với niềm đam mê vốn có, anh vẫn không ngừng học hỏi, tìm tòi rồi tham gia các hội nhóm về máy bay mô hình để tự chế tạo cho mình mẫu máy bay độc đáo và rất ‘khủng’. Bên cạnh đó, anh cũng phải tự mình học hỏi để nâng cao một số kỹ năng về thiết kế đồ họa phục vụ cho thiết kế mẫu mô hình máy bay bất kỳ, thiết kế mạch đèn nháy cho máy bay theo ý muốn.

Mentor-HaiLT-may-bay11-1518-1533291586.j

Mô hình máy bay Boeing 787 Dreamliner đang được anh Hải hoàn thiện. Ảnh: NVCC.

Mặc dù đã thành công với nhiều mô hình máy bay nhưng anh cũng không ít lần gặp sự cố trong quá trình điều khiển. Tâm sự về một kỷ niệm như vậy, anh Hải vẫn không thể quên được: ‘Có lần chúng tôi tập bay ở cánh đồng, bị nhiễu sóng nên mất điều khiển, bay vào tận khu KTX 5 tầng của sinh viên nữ, bảo vệ nhìn thấy nam giới nên nhất định không cho vào, bảo đi nhặt máy bay mô hình thì họ ngơ ngác không biết là gì, mãi sau họ mới đồng ý cùng leo lên tầng thượng nhặt xem thực hư thế nào’.

Hiện tại, thông qua Facebook và Youtube, các sinh viên, học sinh đã biết đến anh Hải và thú chơi máy bay mô hình của anh. Nhiều bạn có chung đam mê chủ động tìm đến thầy để trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Anh cũng bộc bạch sẵn sàng hỗ trợ những bạn có đam mê với máy bay mô hình. Không những hoàn thiện mô hình máy bay chở khách Boeing 787 Dreamliner đang thực hiện, anh hy vọng trong tương lai xa hơn sẽ làm được một chiếc máy bay có thể chở người bằng chất liệu gỗ.

>>  Nam sinh đỗ FPT Software Quy Nhơn sau 6 tháng học IT

Cận cảnh mô hình máy bay của anh Lê Thanh Hải: 

Trần Vũ

Video: NVCC

Ý kiến

()