Chúng ta

‘Nữ tướng’ ViOlympic khát khao xuất khẩu giáo dục

Chủ nhật, 29/1/2017 | 08:50 GMT+7

Ở tuổi 36, chị Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm ViOlympic, quyết định từ bỏ tất cả để đi theo con đường truyền thống của gia đình, phát triển sân chơi trí tuệ cho học sinh nước nhà, tạo dựng thương hiệu giáo dục để vươn xa khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Làm việc về giáo dục, với chị Ngọc, đó là hai chữ “cơ duyên”. Vốn là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ra trường, chị nhanh chóng tìm được công việc mơ ước - nhân viên kế toán kiêm làm kinh doanh cho công ty hàng đầu với mức lương ổn định. Dù làm đúng chuyên ngành và có cơ hội phát triển nhưng khát khao đi theo truyền thống gia đình ở lĩnh vực giáo dục đã thôi thúc chị đầu quân về ĐH FPT vào năm 2014.

Thường ngày tiếp xúc với những con số nên khó khăn lớn nhất của chị là làm quen với môi trường hoàn toàn mới. Hai năm đầu, một số cá nhân không hòa đồng khiến bản thân chị có phần hụt hẫng, chán nản. Thậm chí công việc thường xuyên tiếp xúc với học sinh, giáo viên lúc nào cũng cần nhẹ nhàng, đáng yêu và đôi khi mơ mộng khiến nữ cán bộ thiếu tự tin. Có lúc chị tưởng phải bỏ cuộc vì quá mệt, rối trí nhưng rồi lại tự xốc mình đứng dậy và bước qua.

CHI-NGOC-VIOLYMPIC-2279-1485268437.jpg

Chị Ngọc đã tạo được thương hiệu giáo dục cho FPT nói riêng và Việt Nam nói chung.

Là người trẻ lại có quyết tâm chinh phục thử thách, chị kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi cách làm việc, tham gia nhiều hoạt động để gắn kết. Chị chuẩn hóa quy trình, xây dựng bản sắc cho cuộc thi, tuân thủ sự chuyển hóa để mở rộng quy mô. Điển hình là trẻ hóa nhân sự, năng động và nhiều tài lẻ. Từ đơn vị có tỷ lệ nhân viên thay đổi nhiều nhất, ViOlympic hiện có khoảng 17 cán bộ chính thức và cộng tác viên khắp mọi miền đất nước.

Độ phủ sóng của cuộc thi cũng chuyển biến rõ nét. Nếu như trước đây có khá nhiều tình thành không tham gia như Huế, Hải Phòng, Hải Dương… thì sau 9 năm triển khai, 63 tỉnh thành trên toàn quốc đều tham gia, nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm.

Đến nay, ViOlympic có số lượng tài khoản đăng ký lên đến hơn 23 triệu, hiện diện 63 tỉnh thành, 712 quận/huyện, 34.000 trường tham gia. Để tạo nền tảng tiến sâu hơn vào sân chơi toàn cầu hóa, chị cùng đồng nghiệp nâng cấp số lượng người dùng lên 80.000-100.000 lượt truy cập cùng lúc, nội dung được cải tiến, đầu tư game phù hợp với từng khối lớp, thiết lập mối quan hệ với Bộ, Sở và thầy cô giáo ở tất cả vùng miền tham gia làm cộng tác viên cho ViOlympic.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, ViOlympic còn vươn ra ngoài vùng lãnh thổ hình chữ S. “Đưa cuộc thi ra quốc tế đã manh nha từ khi tôi bước chân về Violympic, vì đây là một sân chơi hay và ý nghĩa cũng như giúp đẩy mạnh thương hiệu. Qua quá trình trao đổi, chúng tôi đứng ở vai trò đồng hành cùng Bộ giáo dục Lào để tổ chức cho toàn thể học sinh đất nước bạn tham dự”. ViOlympic cũng đồng thời chịu trách nhiệm biên soạn nội dung và đảm bảo chất lượng đề thi, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Lào lên kế hoạch, triển khai cũng như hướng dẫn chi tiết về cách thức triển khai cuộc thi ở các vòng, các cấp.  

Từng sát cánh nhiều dự án, chị Bế Quỳnh Trang, Phụ trách kinh doanh - phát triển ViOlympic, chia sẻ, chị Ngọc là mẫu người nghiêm túc và đòi hỏi cao nhưng ngoài đời vui vẻ và biết nghĩ cho người khác. Có những thứ bắt buộc phải lựa chọn, chị thường hướng điều tốt nhất cho nhân viên và tập thể. Chị còn được đồng nghiệp nhìn nhận về ý tưởng, sự sáng tạo cùng khả năng đàm phán, giao tiếp tốt.

“ViOlympic đã và đang trở thành một thương hiệu về giáo dục có uy tín với học sinh và giáo viên trên cả nước. Sau khi triển khai ở Lào trở về , nhóm đã nhận được lời mời của một số quốc gia về việc áp dụng công nghệ, hệ thống và các game thi của ViOlympic cho nền giáo dục của họ”, chị Ngọc hồ hởi với bước tiến mới trong hành trình quốc tế hóa sân chơi trí tuệ.

Đã hai năm kể từ ngày gia nhập Tổ chức Giáo dục FPT nhưng mỗi khi nhắc đến những chuyến công tác, người phụ trách Violympic lại bồi hồi nhớ về kỷ niệm thủa ban đầu. Mới vào công ty, chị cùng hai đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tổ chức Vòng chung kết cuộc thi Lập trình Alice tại TP HCM cho gần 100 thí sinh và 500 người tham dự, kéo dài 3 ngày. “Khó khăn lớn nhất là một lúc mỗi cá nhân phải đảm nhiệm nhiều vài trò khác nhau nhưng phải đảm bảo tính kết nối và chuyên nghiệp. Tôi phải lên kế hoạch trước, trong và sau sự kiện để đảm bảo chương xuyên suốt mà không gặp sự cố”, nữ cán bộ gốc Thanh Hóa kể.

>> Khởi nghiệp bằng dự án trồng rau sạch

Việt Nguyễn

Ý kiến

()