Chúng ta

Nữ 'cơ trưởng' cuộc thi Pikalong War

Thứ ba, 30/10/2018 | 10:22 GMT+7

Tự nhận mình là người quyết tâm, luôn làm mọi thứ đến cùng, chị Phạm Thùy Dương, Trưởng BTC Pikalong War, rất tự hào khi giấc mơ tổ chức một cuộc thi lập trình đã được hiện thực hóa và thành công trên đất Nhật.

Hơn 3 ngày kể từ khi cuộc thi Pikalong War khép lại, chị Phạm Thùy Dương (FSS) vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào đan xen hạnh phúc khi cuộc thi đã thành công vang dội trên đất nước mặt trời mọc. Có hàng chục báo đài đăng tải thông tin về Pikalong War. Đằng sau thành công đó, những người ở vị trí BTC không quên những lần họp tranh luận nảy lửa, chạy ngược xuôi đi kêu gọi các đội tham gia Pikalong War.

Hơn 6 năm làm việc tại FPT, là phái nữ nhưng chị Dương có niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ. Nữ nhân viên đơn vị TQA (nay sát nhập vào FSS) luôn nung nấu tổ chức một hoạt động cho cộng đồng lập trình viên FPT so tài, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đầu năm 2018, khi nói chuyện với GĐ sản xuất FPT Software Đào Duy Cường và anh Vũ Hồng Chiên (FSS), chị Dương nhận được cái gật đầu ủng hộ.

Lúc đó, nữ nhân viên FSS vừa mừng vừa lo. Đầu tiên là về hệ thống thi, FSS hoàn toàn tự xây dựng. Điều đó, không tránh khỏi xảy ra những lỗi nhỏ trong quá trình vận hành. Việc tổ chức một sân chơi lập trình cần rất nhiều người tham gia, trong khi mọi người đều bận rộn với công việc thường ngày. Đặc biệt, việc kêu gọi và tìm đội chơi tranh tài là một bài toán khó đặt ra. 

tu-1-2708-1540848570.jpg

Trưởng BTC Code War và Pikalong War - chị Phạm Thị Thùy Dương (FSS).

Đã có nhiều lần chị Dương suy nghĩ "làm hay bỏ". Khi khó khăn nhất, chị có lãnh đạo và đồng đội sát cánh bên mình. Có thể kể đến GĐ sản xuất FPT Software Đào Duy Cường, Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa, CDO FPT Japan Đỗ Văn Khắc... và team FSS gồm chị Đào Thu Hà, Vũ Tự Cường, Hà Hải Đường, Cao Văn Việt và Nguyễn Công Nhật Quang. Mỗi người một việc từ xây dựng hệ thống, kêu gọi thí sinh, thiết kế ấn phẩm truyền thông, địa điểm tổ chức... Những vất vả của họ đã được đền đáp bằng trái ngọt mang tên “Code War”.

Khó khăn lại tiếp tục bủa vây đối với BTC ''Code War" khi những ngày đầu, số lượng tham gia cuộc thi không đông như dự tính. Nửa chặng đường chỉ có gần 20 đội tham gia. Là người chịu trách nhiệm chính, Thùy Dương thật sự căng thẳng. Các cuộc họp diễn ra liên tục với một chủ đề làm sau khuấy động cuộc thi. Không có cuộc bàn luận nào diễn ra yên bình, mỗi một ý kiến hay đề xuất đều được ra bàn luận như "mổ trâu". Chị Dương bèn nghĩ cách chia team thành các nhóm: hệ thống, đề thi, tuyển sinh, truyền thông, hậu cần... Mỗi người một việc, Thùy Dương chịu trách nhiệm đốc thúc, kết nối mọi người theo guồng quay đề ra. ''Code War'' khép lại thành công với 80 đội đăng ký tham gia, quy tụ các lập trình viên toàn FPT Software. Cuộc thi đã trải qua 3 vòng thi đấu, kéo dài 10 ngày. Kết quả chung cuộc, chức Vô địch thuộc về Tourist đến từ DTL.Ship.

tu-2-5228-1540848570.jpg

Thùy Dương và các cộng sự trong BTC Pikalong War. Từ phải qua: Nguyễn Công Nhật Quang (FSS) và Cao Văn Việt (FSS).

Niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi lo lại kéo đến. Từ cuộc thi ''ao làng'' FPT Software, Thùy Dương có nhiệm vụ to lớn là tham gia tổ chức Pikalong War tại Nhật Bản. Không giống như ở Việt Nam, tổ chức một cuộc thi lập trình ở Nhật khó gấp vạn lần. Bỏ qua về địa điểm, nhân lực..., thì điều nhức đầu nhất là tìm các đội chơi người bản địa. Đây là bài toán "ngược đời" bởi từ trước đến naym người Nhật luôn tham gia các sân chơi lập trình đẳng cấp thế giới. Thế nhưng, trong ''cái khó ló cái khôn'', BTC cuộc thi đã có những chiêu thức độc đáo để thu hút người Nhật tham gia Pikalong War. Ngoài việc quảng bá trên các kênh truyền thông, việc gõ cửa từng trường đại học ở Nhật cũng mang lại hiệu quả rất cao. BTC rất chịu chơi khi bỏ tiền mua hình ảnh bản quyền con rồng Pikalong giá 20 triệu đồng và được dùng trong thời gian ngắn. Theo lý giải, ở Nhật, giới trẻ yêu thích anime, những hình ảnh hoạt hình ngộ nghĩnh.

Trong suốt một tháng, Thùy Dương, Cao Văn Việt, Nguyễn Công Nhật Quang đã phối hợp nhịp nhàng với team BTC ở đầu cầu Nhật Bản gồm: Võ Thị Thuỳ Liên (FPT Japan. RA), Trần Ngọc Trâm Anh (FPT Japan SSC), Lê Thị Lâm (FPT Japan. RA)... Trưởng BTC tự hào khi nhắc đến những cộng sự đắc lực như Cao Văn Việt (FSS) - người có kinh nghiệm nhất cả đội về cách thức tổ chức cuộc thi. Anh Việt được đánh giá là người tâm huyết và rất thông minh, chịu trách nhiệm về hệ thống và tham gia ra đề Pikalong War. Trong khi, Nguyễn Công Nhật Quang (FSS) có ý tưởng dị trong thiết kế, truyền thông sự kiện. Cô gái có mái tóc ngắn Võ Thị Thùy Liên gây ấn tượng với tính chủ động, kết nối giữa hai đầu cầu Nhật Bản - Việt Nam. Năng động và vui vẻ là Trâm Anh, chịu trách nhiệm hậu cần, tổ chức chương trình. Đặc biệt, Thùy Dương nhận được sự đồng hành của các lãnh đạo FPT Japan, trong đó có CDO Đỗ Văn Khắc. Là cha đẻ của Pikalong War, anh Khắc luôn đồng hành, sát sao cùng cuộc thi. Chị Dương nhớ như in câu nói của CDO: "Em cứ làm hết mình và công tâm, em sẽ thành công".

90909909090-8075-1540848570.jpg

 BTC ăn tối trước đêm chung kết Pikalong War.

Trái ngọt một lần nữa đến với Thùy Dương và cộng sự khi số đội tham gia ở Nhật tăng vọt, đạt mốc 70. Bất ngờ hơn cả, ở vòng thi Online, các đội Nhật Bản cho thấy trình độ lập trình siêu đẳng. Trong các thí sinh tham dự có nhiều lập trình viên, kỹ sư CNTT của các công ty hàng đầu tại Nhật Bản như Fujitsu, NTT, Hitachi, Google Nhật Bản, Adsol Nissin, SBIS... Đặc biệt, trong 11 đội lọt vào vòng chung kết thi tập trung tại Nhật Bản, có nhiều thí sinh từng đạt huy chương vàng và bạc cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC.  

Ngày 27/10, cuộc thi lập trình Pikalong War đã diễn ra sôi nổi tại Nhật Bản. Trong suốt 9 giờ thi đấu liên tục (tính cả giờ ăn trưa), các đội đều tập trung cao độ giải thuật toán, AI. Ở góc xa khu vực thi, nỗi lo lắng vẫn ẩn hiện trên gương mặt của Thùy Dương và cộng sự. Họ suy nghĩ đến các tình huống xấu xảy ra như: lỗi hệ thống đề bài, máy tính của thí sinh có vấn đề, hệ thống mạng,... Đến giờ trưa, khi các đội đi ăn. BTC không dám rời vị trí khi thực hiện nhiệm vụ trông bài thi và điện thoại của thí sinh. Công việc căng thẳng là thế nhưng nhìn các đội thi chăm chú code, mọi người đều ấm lòng và phấn khởi. Đặc biệt, 4 đội Việt Nam tuy có trình độ lập trình thấp hơn nhưng không bỏ cuộc giữa chừng. Cuộc chiến khốc liệt rồi cũng đến hồi kết, các đội Việt Nam không quá bất ngờ khi giải Quán quân được trao cho đội Vookie đến từ xứ Phù Tang.

tu4444444444444-4322-1540848570.jpg

Bác Ogawa Takeo (FPT Japan) và CDO FPT Japan Đỗ Văn Khắc chụp ảnh cùng đội ''vệ sĩ'' Pikalon War.

Ánh đèn bừng sáng, trên sân khấu các thí sinh rạng rỡ nhận giải từ BTC. Đến lúc này, Thùy Dương và mọi người thở phào nhẹ nhõm. Pikalong War đã góp phần làm hình ảnh của FPT tại xứ sở hoa anh đào được nâng lên qua truyền thông. Hiện thương hiệu FPT và cuộc thi được bàn luận sôi nổi ở các diễn đàn của các trường đại học và công ty hàng đầu tại Nhật như: Todai, Handai... Qua cuộc thi này, các thí sinh được trải nghiệm môi trường, văn hoá FPT, và FPT Japan luôn đón chào các lập trình viên vào làm việc. Hơn một tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút 67 đội thi với hơn 200 thí sinh đến từ Nhật Bản và Việt Nam. 

Mùa đầu tiên của Pikalong War đã khép lại, Thùy Dương mong muốn năm sau cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức và quy mô lớn hơn. Giờ đây, khi ngồi nghĩ lại về chặng đường tổ chức 2 cuộc thi Code War và Pikalong War, chị tâm đắc, BTC đều là những người trẻ, làm được việc mà trước đó chưa ai từng làm. Cô tin rằng, điều này đúng tinh thần FPT: ''Không sợ gì cả, cứ làm, cứ quyết tâm và tận tâm là sẽ thành công''.

Thanh Tùng

Ý kiến

()