Chúng ta

Nữ binh thầm lặng

Chủ nhật, 21/9/2014 | 16:00 GMT+7

Đỗ Thị Thùy Ngân, FPT IS TES, trẻ và xông pha. Chị hăm hở xách vali đi công tác dài ngày ở nước bạn với khát khao chinh phục chân trời mới. Nhưng chị bảo, nữ onsite độc thân toàn làm việc với anh đã có vợ, mà cứ đi suốt chắc chắn ế. Còn các chị đã có gia đình, để chồng ở nhà một mình cũng nguy hiểm.
> Con số nổi bật trong hành trình Toàn cầu hóa

Tháng 5/2013, được sếp “điểm mặt chỉ tên”, Đỗ Thị Thùy Ngân, FPT IS TES, sang Lào làm tester (kiểm thử phần mềm) cho một dự án trong niềm hân hoan của một người trẻ muốn chinh phục những khung trời mới.

a

Chị Đỗ Thị Thùy Ngân, FPT IS TES, làm tester cho dự án ở Lào.

Sống xa nhà từ nhỏ lại đang son rỗi nên việc thích nghi với môi trường mới không làm khó Ngân. Hăm hở bước vào cuộc sống mới được một tháng thì chị thấm “nỗi buồn nẫu ruột”. Thủ đô Vientiane hiếm chỗ để giải trí và khẩu vị khác nhau nên chu kỳ món ăn của cán bộ onsite tại đất nước Triệu Voi lặp lại tuần tự: xôi, cơm, cháo, mỳ tôm, bánh mỳ...

Không những vậy, các dự án onsite tại nước ngoài đều rất eo hẹp về thời gian. Thường cán bộ phải làm từ 9h đến 20h với cường độ và áp lực rất lớn. Để dự án thành công, họ phải hy sinh tuổi trẻ, nhan sắc, gia đình và cả chuyện chồng con. Thường đi hết dự án khoảng từ 5 đến 7 tháng, Ngân mới về nhà. Sau dự án onsite đầu tiên, chị thấy mình trưởng thành lên nhiều về kinh nghiệm sống lẫn công việc và các kỹ năng tích lũy. Chị đã biết cách sắp xếp công việc, tiếp cận và phối hợp với khách hàng sao cho phù hợp với từng đặc thù dự án.

Ngay từ nhỏ, Phạm Thị Quyên, FPT Software, đã mơ ước một ngày nào đó mình sẽ sống và làm việc tại nước ngoài. Trước cơ hội tăng cường lực lượng cán bộ kinh doanh cho các chi nhánh nước ngoài, cô nhân viên HR chủ động ứng cử. Tháng 2/2010, Quyên có mặt ở Mỹ.

a

Trước cơ hội tăng cường lực lượng cán bộ kinh doanh cho các chi nhánh nước ngoài, Phạm Thị Quyên chủ động xin sang onsite ở Mỹ.

Đặt chân sang đất Mỹ, mọi thứ đều mới lạ với Quyên. Chị phải làm quen từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng như công việc: Học lái xe, thuê nhà sống độc lập, quản lý chi tiêu…

Xuất thân từ cán bộ nhân sự FPT chuyển sang làm kinh doanh, Quyên như em bé chập chững tập đi. Chị cho biết, khách hàng Mỹ có thể rất thân thiết nhưng sẵn sàng cắt hợp đồng mà không cho cơ hội sửa sai. Vì thế, trong công việc, các CBNV luôn phải đảm bảo chất lượng dự án ở mức cao nhất.

Ngoài công việc, người Mỹ rất quan tâm tới gia đình. Họ thường về ngay để chơi với con cái. Do vậy, Quyên có ít cơ hội tiếp xúc với khách hàng ngoài công việc, từ đó, việc xây dựng quan hệ sẽ khó khăn hơn.

Để thích nghi, theo Quyên, nữ onsite cần nhiệt tình, máu lửa, dễ thích nghi. Bên cạnh đó, thái độ làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc nhưng cởi mở và thân thiện trong giao tiếp với khách hàng mới mang lại ấn tượng tốt về FPT. Ngoài ra, Quyên bật mí, nữ onsite nấu ăn ngon là một điểm cộng, “chinh phục” ai cũng thông qua đường dạ dày là dễ nhất.

“May sao, những khó khăn ấy không làm cho mình nản lòng, mà khiến mình thấy háo hức hơn. Bởi chinh phục được mục tiêu khó sẽ mang lại sự thoả mãn hơn là làm được những việc dễ dàng”, Quyên bộc bạch.

Ở nước Nhật, Nguyễn Thu Quỳnh, FPT IS G HCM, cũng làm việc trong môi trường yêu cầu công việc khắt khe không kém. Có thời gian Quỳnh tham gia dự án, mấy tháng liền, ngày nào cũng làm việc đến nửa đêm.

a

Nguyễn Thu Quỳnh cho rằng khó khăn nào rồi cũng qua, vì vậy, chưa bao giờ có cảm giác muốn bỏ cuộc.

Quỳnh luôn tự động viên, trong thời gian cao điểm của dự án mình cần cố gắng: “Khó gì rồi cũng qua. Vì vậy, chưa bao giờ có cảm giác muốn bỏ cuộc” .

Vốn là dân tiếng Nhật ở ĐH Ngoại thương nên từ ngày còn sinh viên, Quỳnh đã xác định sẽ làm việc tại đất nước mặt trời mọc. Nhưng thời gian đầu, chị vẫn vấp phải khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, phong cách làm việc và yêu cầu khắt khe trong công việc của người Nhật. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ, dìu dắt của đồng nghiệp và tự va chạm cuộc sống mà Quỳnh nhanh chóng thích nghi.

Hiện, Quỳnh chưa có gia đình riêng nên việc ở Tokyo chỉ khác ở Hà Nội là ít về thăm quê hơn. “Nữ onsite nên là người thích trải nghiệm mới và có suy nghĩ tích cực. Mình không thích từ hy sinh. Mình đi onsite vì sở thích, chọn đi hay ở đều có chi phí cơ hội hết”, Quỳnh lạc quan.

Đối với phụ nữ có gia đình, việc onsite xa nhà là cả một sự nỗ lực, yêu cầu máu lửa và đam mê nghề để có thể trụ vững nơi đất khách quê người.

Nỗi lo canh cánh của chị Nguyễn Thị Lý, FPT IS, khi đi onsite là hai con nhỏ ở quê nhà. Cuộc sống xa nhà đầy khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, phương tiện đi lại hạn chế, giá cả đắt đỏ. Những lúc ý nghĩ tiêu cực xuất hiện, chị lại tự động viên: “Tại sao các đồng nghiệp làm được mà mình thì không. Mình cần cố gắng, cố gắng và gắng nữa để cố”.

Những buổi tối đầu xa nhà, nhớ hai con và niềm vui khi gia đình quây quần bên nhau, chị Lý cảm thấy trống rỗng và buồn tẻ. Ở Campuchia, tình hình an ninh không ổn định,19h đã “giới nghiêm” nên chị và mọi người cũng không có nơi để vui chơi giải trí ngoài giờ làm.

Thời gian onsite của chị và đồng nghiệp chỉ gói gọn trong hai từ “công việc” bởi người dân xứ Chùa Tháp không có khái niệm đi làm về muộn. Đúng 17h, văn phòng khách hàng chỉ còn lại người FPT tiếp tục “chiếu đấu”.

Chị bảo, chỗ dựa tinh thần cho những người phụ nữ như chị chính là gia đình. “Tham gia dự án này không phải chỉ mình mình mà có sự góp sức của cả gia đình”, chị tâm sự. Nữ onsite cần chấp nhận và nỗ lực, chỉ như thế mới không bao giờ có ý định bỏ cuộc.

Với chiến lược toàn cầu hóa sâu và rộng, FPT đã mở rộng bản đồ ảnh hưởng của mình trên 19 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hiện, có khoảng 6.500 lập trình viên, kỹ sư CNTT, chuyên gia công nghệ theo chuẩn quốc tế đang làm việc tại 19 quốc gia trên toàn cầu.

Lưu Vân

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()