Chúng ta

Người xây giấc mơ tin học hóa thành phố mang tên Bác

Thứ năm, 25/5/2017 | 18:06 GMT+7

Bên cạnh vai trò "linh hồn" của DIP - dự án Nền tảng tích hợp dữ liệu cho TP HCM, anh Phạm Minh Tuấn, FPT IS GMC, còn được mệnh danh là "ông bố của năm" bởi với anh, gia đình luôn là ưu tiên số một trong cuộc sống.

Khi đang làm cho VNG, anh Phạm Minh Tuấn được anh Đinh Ngọc Quân, trợ lý Ban TGĐ FPT IS, giới thiệu đầu quân về FPT. Bắt đầu công việc tại FPT IS Global nhưng chỉ sau một ngày làm việc, anh cảm thấy công việc tại đây không phù hợp với mình. Là người đam mê làm sản phẩm trong khi vị trí tại FPT IS Global thiên nhiều về mảng tư vấn nên anh có ý định xin nghỉ sớm. Nhưng cơ duyên đưa đẩy anh gặp gỡ CEO FPT IS Phạm Minh Tuấn và anh Lý Đức Đoàn, Giám đốc Sản xuất Khối Chính phủ điện tử và Y tế. Sau khi trò chuyện và tìm hiểu công việc, anh đã chọn FPT IS GMC và ở lại cống hiến đến hôm nay.

TuanPM13-8791-1495703103.jpg

Anh Tuấn không chỉ được mệnh danh là một PM giỏi mà còn là "ông bố của năm". Ảnh: NVCC.

Trung tâm GMC chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới nên anh được thỏa sức sáng tạo và thực hiện các ý tưởng của mình. Do là các ứng dụng thử nghiệm nên số sản phẩm thất bại nhiều không kể hết. Trong 3 năm làm việc, anh từng đề xuất hàng chục sản phẩm và đến giờ chỉ có duy nhất Nền tảng tích hợp dữ liệu (Data Integration Platform - DIP) được đưa vào ứng dụng. Anh ghi dấu ấn đậm nét khi đã đề xuất và thuyết phục được khách hàng TP HCM đầu tư vào sản phẩm này. Đây có thể coi là một trong những khách hàng khó tính nhất trong mảng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

“Do đó, nhóm tôi cũng có đôi chút tự hào khi giành được niềm tin từ khách hàng và hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều địa phương đầu tư mua DIP. Tôi cũng đang “bám theo” khách hàng ở TP HCM để tiếp tục mở rộng và nâng cấp thêm nhiều tính năng cho sản phẩm. Cả nhóm còn rất nhiều ý tưởng muốn hoàn thiện để DIP xứng đáng với tên gọi khá “hoành tráng” đã đặt ban đầu là “Nền tảng tích hợp dữ liệu”, anh chia sẻ.

Phạm Minh Tuấn

Năm sinh: 1984
Thời gian vào FPT: 1/7/2014
Vị trí: Giám đốc Trung tâm Công nghệ mới - FPT IS GMC
Sở thích: Lập trình, đọc sách, nghe nhạc, dạy con, chơi với con
Châm ngôn: "Sống là cần phải trải nghiệm".

TP HCM là một thị trường rất lớn trong mảng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Trong nhiều năm, thành phố đã xây dựng rất nhiều hệ thống cũng như phần mềm nhằm phục vụ mục đích điều hành và hỗ trợ các công việc hành chính. Tuy nhiên, do thiếu sự quy hoạch từ đầu nên dẫn đến hiện trạng có rất nhiều phần mềm nhưng manh mún và gặp vấn đề lớn khi đồng bộ, liên thông dữ liệu ở cấp thành phố.

Ý tưởng của DIP bắt đầu từ câu hỏi của khách hàng là làm sao liên thông được khối lượng khổng lồ các cơ sở dữ liệu (CSDL) của TP HCM trong khi các CSDL đó được lưu trữ trên nhiều nền tảng khác nhau (Oracle, MS SQL Server, PostgreSQL…) tại nhiều đơn vị Sở, Ban ngành trực thuộc thành phố. Trên thị trường thực tế có nhiều sản phẩm tương tự của các hãng lớn có thể đáp ứng được với yêu cầu tương tự của khách hàng như Oracle Golden Gate, SQL Server Integration Services… Tuy nhiên, những sản phẩm đó đều gặp những vấn đề chung như chi phí bản quyền lớn, sản phẩm không được xây dựng theo hướng cho người sử dụng cuối, khó sử dụng và vận hành. Hơn nữa, hiệu năng không tối ưu khi số lượng CSDL nguồn được tích hợp lớn.

Chính vì vậy, anh Tuấn đã đề xuất ý tưởng xây dựng một nền tảng DIP hoàn toàn mới mà ở đó sẽ khắc phục được tất cả nhược điểm gặp phải của các sản phẩm hãng. Như vậy, DIP sẽ có 3 nhiệm vụ chính: Tích hợp dữ liệu từ các CSDL nguồn khác nhau (bất kỳ trên nền tảng nào, đặt tại đâu); Lưu trữ khối dữ liệu lớn tại Kho CSDL trung tâm; Trích xuất các thành phần dữ liệu theo yêu cầu phục vụ các mục đích khai thác khác nhau.

Nhận trách nhiệm quản trị dự án, anh Tuấn được coi là "linh hồn" của DIP khi chịu trách nhiệm tiếp xúc khách hàng, trình bày giải pháp từ những ngày đầu của dự án, giúp khách hàng lựa chọn giải pháp, góp công lớn vào việc giành được hợp đồng, xây dựng kế hoạch phát triển và triển khai phần mềm DIP trên hệ thống của khách hàng.

Là người xây dựng ý tưởng, thuyết phục khách hàng bằng việc thử nghiệm qua lại rất nhiều giải pháp khác nhau, anh Tuấn đã mất khoảng một năm rưỡi kể từ lúc đề xuất đến khi ra được chủ trương đầu tư của dự án DIP-HCM. Anh cũng trực tiếp tham gia lập trình từ phiên bản đầu tiên của DIP. Đến nay, với sự nỗ lực của nhiều đồng nghiệp trong Trung tâm Công nghệ mới, sản phẩm đã được nâng cấp lên version 3.0 với nhiều tính năng hơn. Hiện tại, nhóm có nhiều ý tưởng khác đang “phôi thai” cho việc mở rộng DIP và sẽ hoàn thiện trong tương lai khi TP HCM đã xây dựng Đề án Dữ liệu mở - một đề án rất lớn mà việc mở rộng DIP sẽ được coi là một cấu phần rất quan trọng.

Ngoài ra, anh Tuấn còn là người đóng gói một framework phát triển phần mềm riêng cho nhóm - gọi là FCore. FCore là tập hợp thư viện dùng để lập trình, các template mẫu cho lập trình phía back-end và front-end. Nó được đóng gói hướng đến xây dựng các hệ thống yêu cầu hiệu năng xử lý cao, số lượng người dùng/yêu cầu lớn. Hiện tại, sản phẩm vẫn được phát triển tiếp và có thể coi là giá trị cốt lõi của Trung tâm Công nghệ mới.

Dự án DIP-HCM được ký chính thức từ 30/9/2016 và được ký nghiệm thu 80% các hạng mục theo hợp đồng vào 31/12/2016. Hiện tại, đội dự án cố gắng hoàn thành các hạng mục kỹ thuật trong tháng 6 năm nay với khách hàng để có thể đóng dự án trong tháng 7 tới. Dự định, pha mở rộng DIP-HCM sẽ được ký tiếp sau đó.

"Anh Tuấn là người hiểu biết rộng về công nghệ, thích mang đến thử thách cho bản thân và trung tâm mình phụ trách để tạo ra sự khác biệt. Bằng sự hiểu biết và trách nhiệm của mình, anh luôn giành được sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng đối với các sản phẩm do FPT xây dựng", anh Mỵ Duy Long, Trưởng nhóm FCore, Trung tâm Công nghệ mới FPT IS GMC, chia sẻ.

Anh Long nhớ lại, những ngày đầu tiên làm DIP, khi nhận đề bài từ khách hàng với những câu miêu tả đơn giản, mấy anh em cảm thấy rất lo lắng, mơ hồ về dự án vì đề bài quá khó, chưa có đơn vị nào từng làm, kiến thức cần để giải quyết vấn đề rộng và sâu mà mọi người lại chưa tiếp xúc bao giờ. Bằng hiểu biết của mình, anh Tuấn đã từng bước giúp anh em định hình được kiến thức cần học thêm và công việc cần làm trong việc xây dựng giải pháp ban đầu để demo với khách hàng trong thời gian ngắn. Nhờ đó, đội dự án giành được niềm tin từ khách hàng ngay từ những ngày đầu, tạo tiền đề thuận lợi cho những bước tiếp theo.

"Tuấn luôn thể hiện vai trò tech-guru (người xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật) trong công việc, có kỹ năng tiếp cận và phản biện rất tốt với các kỹ thuật và công nghệ mới. Phong cách rất chung của dân tech-guru là nói ít làm nhiều, làm chi tiết và thấu đáo, phải thoả mãn chính mình trước tiên", anh Lý Đức Đoàn, Giám đốc Sản xuất Khối Chính phủ điện tử và Y tế (FPT IS GMC), nhìn nhận.

Tuấn là người sáng lập, vẽ và thể hiện toàn bộ ý tưởng của mình cũng như là đầu mối chính trong việc hiện thực hoá, chuyển đổi yêu cầu từ phía khách hàng để đưa ra kỹ thuật/công nghệ cũng như dùng chính các kỹ năng đó để chứng minh cho khách hàng về tính khả thi của DIP. "Tôi đã cùng tham gia và trải nghiệm quá trình chứng minh, thuyết phục và bảo vệ ý tưởng sản phẩm trong cả nội bộ và bên ngoài của Tuấn. Một hành trình không dễ dàng nhưng cậu ấy đã thành công", anh Đoàn cho hay.

Say mê với công việc là thế nhưng anh Tuấn luôn là người bố tuyệt vời của cậu con trai năm nay vào lớp 1 và cô công chúa nhỏ 17 tháng tuổi. Không chỉ chạy đua với công việc hằng ngày mà anh còn rất bận rộn chuyện con cái vì được vợ giao nhiệm vụ đưa đón con đi học. Vì thế, hình ảnh của một Giám đốc Trung tâm trở nên thật bình dị trong vai trò của một ông bố gương mẫu. Hằng ngày, anh đi làm rất sớm cùng giờ con đến trường, đến chiều lại tất tả về đón con.

"Tuấn được mệnh danh là "ông bố của năm" ở văn phòng GMC miền Bắc. Đối với Tuấn, gia đình và giáo dục con cái luôn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống", anh Mỵ Duy Long, bạn học cấp 3 và là đồng nghiệp với anh Tuấn từ 6 năm nay, bộc bạch.

Sở thích lớn nhất của anh là chăm sóc gia đình, dạy con, chơi với con. Sở thích này ảnh hưởng đến tất cả quan niệm và cách sống nói chung của anh: Mọi việc đều đặt gia đình lên trên. “Với tôi, tài sản lớn nhất đến giờ là gia đình nên dù thế nào đó cũng là sự ưu tiên số một trong mọi việc tôi làm. Có thể vì tính cách này nên tôi thích một môi trường ổn định để có thể cống hiến lâu dài như FPT”, anh Tuấn nói.

Ở công ty cũ, anh gần như không bao giờ đi công tác, khi về FPT IS phải đi công tác nhiều hơn nhưng lần lâu nhất chỉ khoảng 2-3 tuần liên tiếp. Từ ngày con gái chào đời, vì con nhỏ nên anh xin phép thu xếp các chuyến công tác ngắn hơn, đôi khi là trong ngày, đi sáng sớm tinh mơ, về lúc đêm muộn. Để cân đối thời gian cho gia đình và công việc, sau khi con đi ngủ, anh ngồi làm việc tiếp đến khuya.

“May mắn là gia đình luôn sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn trong công việc với tôi. Thông thường, tôi luôn chủ động sắp xếp mọi việc để không ảnh hưởng đến người thân. Khi không có cách nào khác thì vợ và đôi khi cả bố mẹ hai bên luôn sẵn sàng hỗ trợ, gánh vác giúp trong một số giai đoạn nhất định. Tôi cũng từng nói với vợ khi nào con cái lớn hơn sẽ “xin phép” hết mình hơn nữa cho công việc vì đến lúc này tôi thấy thực sự “yêu” nơi mình đang làm và muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho nó”, anh tâm sự.

Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ mới - FPT IS GMC, là một trong 6 gương mặt đề cử tham gia FPT Tech Awards 2016, hạng mục Gương mặt Công nghệ tiêu biểu.


Tử Quyên

Ý kiến

()