Chúng ta

Người nắm giữ ‘chìa khóa’ chuyển đổi mã nguồn Cobol

Thứ hai, 29/5/2017 | 10:27 GMT+7

Đánh giá được nhu cầu chuyển đổi ra khỏi mainframe là nhu cầu rất lớn từ phía khách hàng do Cobol đã già cỗi, chi phí bảo trì lớn, anh Trần Hồng Nam, Ban công nghệ FPT Software, cùng cộng sự đã phát triển dự án chuyển đổi mã nguồn Cobol sang Java như một cách để FPT có nhiều cơ hội khi tham gia vào các bài toán lớn với khách hàng.

Từng làm việc tại một công ty nước ngoài nhưng anh Nam quyết định tìm hiểu về FPT sau khi được bạn bè giới thiệu. Trải qua quá trình tham khảo ý kiến cũng như danh tiếng của tập đoàn lúc bấy giờ, người đàn ông sinh năm 1976 chấp nhận từ bỏ mọi thứ để “khăn gói” về đầu quân cho Phần mềm FPT vào năm 2004.

Tròn 13 năm cống hiến, anh Nam đã trải qua nhiều vị trí trước khi đảm nhiệm vài trò BUL - GĐ Trung tâm phát triển phần mềm với khoảng 100 người cho đến khi gia nhập Ban Công nghệ FPT Software vào đầu năm 2017. Ở mỗi vị trí, người đàn ông quê gốc Nam Định đã không ít lần vấp ngã. Điển hình nhất với anh là mảng công việc migration đang nắm giữ. Với anh, mọi sự thất bại đều do thiếu kinh nghiệm khiến đội dự án phải trả giá rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến khách hàng.

namth.jpg

Anh Nam có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mã nguồn Cobol.

Để khắc phục, anh cùng cộng sự quyết định làm ra sản phẩm phục vụ cho việc chuyển đổi có tên MagicWand, cho phép chuyển đổi PLI, ASM, Cobol sang NetCobol trên nền tảng mở. Từ sản phẩm này, cho phép tối ưu hóa để chuyển đổi các loại ngôn ngữ khác.

“Nói chung bạn phải trả giá qua những giai đoạn khó khăn của dự án, nhìn thấy được những điểm cần cải thiện để tốt hơn. Đó chính là mấu chốt của đội khi cải tiến MagicWand theo hướng mới. Đó cũng là bước chạy đà để hình thành việc chuyển đổi mã nguồn Cobol sang Java”, anh cho biết.

Theo anh Nam, chuyển đổi mã nguồn Cobol sang Java về lý thuyết đã có sẵn từ khi làm MagicWand năm 2014. “Dự án khởi điểm từ khi tôi chưa chuyển lên Ban công nghệ. Lúc đó, nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu và làm thử vào khoảng tháng 11/2016. Ban đầu nhóm đặt ra là tháng 8/2017 sẽ có bản dùng được, sau đó sẽ cải tiến dần để tăng tỷ lệ tự động lên nhưng thực hiện nhanh hơn dự kiến”, anh kể.

Trần Hồng Nam

Năm sinh: 1976

Quê quán: Nam Định

Thời gian vào FPT: 2004

Trên thế giới hiện có ba cách chuyển đổi cơ bản: Đọc lại source code, viết lại tài liệu nghiệp vụ xử lý và thực hiện phát triển trên ngôn ngữ mới (Java); Mua package có sẵn và chỉnh sửa cho đúng yêu cầu hiện tại; Tự động hóa việc chuyển đổi. Theo anh Nam, tỷ lệ thành công của cách 1 và 2 thường rất thấp do số lượng dòng code trên hệ thống cũ rất lớn, có thể vài trăm triệu dòng nên việc đảm bảo hệ thống mới xử lý đúng là rất khó khăn. Cách thứ 3 thì tỷ lệ thành công cao hơn do tự động hóa được. Ngoài ra, dự án chuyển đổi theo cách 3 thì tool sẽ hỗ trợ rất nhiều và tăng tỷ lệ thành công của dự án.

Hiện đội dự án có ba người. Một nhóm được giao phụ trách tìm hiểu khác biệt giữa Cobo và Java để đưa ra kiến trúc ở Java. Một nhóm cải tiến kiến trúc của tool và phát triển với chương trình đơn giản để rút kinh  nghiệm. Anh Nam đứng ở vai trò Project Manager và Technical Lead - là người đưa ra giải pháp cuối cùng và tích hợp lại phần việc của mỗi người.

Bản chất là người quản trị dự án nên việc lên kế hoạch và quản lý đối với anh không gặp khó khăn. Chưa kể cá nhân anh cũng nắm khá kỹ giải pháp liên quan nên chỉ cần trao đổi và đưa ra quyết định. Điểm mấu chốt nằm ở các giải pháp liên quan cần đưa ra cũng như cách nắm bắt vấn đề hay điều phối sao cho kịp thời. Để làm tốt vai trò, anh cũng đã đọc nhiều tài liệu liên quan đến công nghệ cũng như các thuật toán cần thiết cho việc chuyển đổi.

Với nỗ lực đó, mô hình hiện đã triển khai cho một dự án lớn của khách hàng Nhật Bản, cần chuyển đổi tổng cộng khoảng 200 triệu dòng code. Anh cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm bởi việc chuyển đổi không chỉ có Cobol. Ngoài ra phải có bộ công cụ để phân tích hệ thống, những nâng cấp hay ứng dụng còn phụ thuộc vào đánh giá nhu cầu khách hàng.

"FPT có cơ hội không giới hạn. Hiện nhu cầu chuyển đổi để thoát khỏi mainframe là rất lớn nên nếu có thể làm tốt được việc chuyển đổi này thì sẽ có rất nhiều giá trị với khách hàng và mang đến cho FPT nhiều cơ hội tham gia vào các bài toán lớn với khách hàng", anh khẳng định.

Anh Trần Hồng Nam, Ban Công nghệ FPT Software, là một trong 6 gương mặt tiêu biểu gắn với sản phẩm/dịch vụ đề cử FPT Tech Awards 2016. Bộ chuyển đổi Cobol sang Java là một trong hai sản phẩm của FPT Software tham gia đề cử ở hạng mục Khách hàng Chính phủ - Doanh nghiệp.

Thời gian bình chọn online trên Chungta.vn được dự kiến bắt đầu từ ngày 29/5 đến 1/6. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 2/6 và trao giải tại sự kiện thường niên Tech Day FPT 2017 (diễn ra ngày 6/6).

>> Chuyển đổi mã nguồn Cobol giúp giảm thiểu sức người

Việt Nguyễn

Ý kiến

()