Chúng ta

Người lính đam mê ánh đèn sân khấu

Thứ ba, 26/1/2016 | 17:04 GMT+7

Không chỉ mê đứng dưới ánh đèn sân khấu, Nguyễn Kim Long, FPT IS, còn mê luôn việc lặng lẽ nhìn sân khấu sáng đèn. Một người bước ra từ quân đội đã tạo cho bản thân sức mạnh riêng trong hành trình sống với bản ngã của chính mình. 

Một ngày mệt nhoài nhưng đầy ắp niềm vui khi tổ chức thành công hai chương trình trung thu cho các em nhỏ, Long trở về nhà dưới ánh trăng sáng ngời. Lòng cũng như trăng, khấp khởi thứ ánh sáng đầy đặn. Chẳng hiểu thế nào mà anh nhìn xung quanh thấy bầu trời hiu quạnh quá, sao mà buồn não nề. Đó là cái đêm cha Long vĩnh viễn ra đi.

Cha đi không kịp nói một lời trăng trối, bỏ lại Long ngơ ngác trước mọi diễn biến. Người mẹ trong một lúc mất chồng như bị thối rữa đôi bờ vai của chính mình. Bà trơ trọi và đơn côi. Là con thứ trong gia đình không khá giả có đến 7 anh chị em, Long cũng sớm bươn chải với cuộc đời. Nhưng cái ngày trung thu định mệnh của năm 2008 khi đang ngồi năm 2 giảng đường đại học là một cú sốc buộc anh phải lớn thật sự.

Trong phút chốc, Long trở thành mảng miếng đắp vào phần da thịt nơi bờ vai mẹ, để bà dựa vào. Đau khổ nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Anh đứng dậy, tiếp tục sống với cái bản ngã bấy lâu. Bản ngã của một người trẻ đam mê ánh đèn sân khấu.

Long1-2243-1453795328.jpg

Nguyễn Kim Long vẫn thường được người FPT gọi trìu mến là Klo, biệt danh của anh. Ảnh: NVCC

Từ lúc tiểu học, anh đã mê âm nhạc, diễn xuất, mê mọi thứ liên quan đến nghệ thuật. Trường có hoạt động văn nghệ là hào hứng xung phong ngay, thậm chí giơ tay “xí” vị trí đội trưởng vì sợ không được làm “kép”. Giấc mơ được đứng trên sân khấu thành hình một cách tự nhiên.

Mẹ ngại cái nghề lắm lời ra tiếng vào, kịch liệt phản đối. Không thể nào quay lưng với đấng sinh thành, anh miễn cưỡng thi vào ĐH Tài chính - Marketing. Cũng chỉ là một nơi để cái rễ mang tên nghệ thuật tiếp tục lan ra và đâm chồi nảy lộc. Vẫn như ngày học cấp 2 - cấp 3, Long ở lại trường ngày qua ngày luyện tập "bài vở". Vẫn như thằng cuội của mấy năm trước, nói dối mẹ là phải ở lại trường làm bài tập, bị thầy cô phạt, đủ mọi lý do. Ban ngày cặm cụi ngồi viết kịch bản, dựng bài, tập luyện, ban đêm đi học nhảy. 

Tốt nghiệp đại học, Long làm việc tại một công ty du lịch. Vốn liếng của thời đi làm phục vụ, phát tờ rơi… hồi sinh viên đủ giúp anh lanh lợi tìm cho mình những điểm đến cần thiết. Guồng máy đang chạy êm bỗng dưng một tờ giấy từ trên trời rơi xuống. Chàng trai trẻ phải vứt bỏ mọi thứ để nhập môn vào “trại lính”. Trong thoáng chốc, anh cảm thấy mọi thứ dần tuột khỏi bàn tay mình. Hoang mang. Song vẫn phải đối diện với sự thật.

Quá nhàm chán cho một người ưa thích bay nhảy và làm việc với các ý tưởng. Tự dưng “người của phong trào” bị kiềm hãm trong môi trường quân đội khắc nghiệt. Một ngày, hai ngày thì được chứ mấy tháng, thậm chí là một năm rưỡi quân trường thì làm sao mà chịu nổi. May là cái mường tượng đó đã không hề xảy ra.

Long2-2728-1453795328.jpg

Chàng lính Nguyễn Kim Long là một cây hoạt động phong trào năng nổ trong quân đội. Ảnh: NVCC

Khi những chương trình cần thành viên tham gia, Long ngứa ngáy trong người. Quy luật của tự nhiên, đã ngứa thì phải gãi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Long trở thành con bài chủ lực của các phong trào trong đơn vị, theo thời gian thì nức danh cả trong Quân khu 7.

Đã mê rồi thì thời gian trôi qua không hề đong đếm. Một năm rưỡi đi vèo và Long lại trở về với cuộc sống của một người bình thường nhưng rắn rỏi và cứng cáp hơn. Làn da đen sạm vì những buổi tập dợt ở thao trường. Và tinh thần cứng cỏi sau tất cả hỉ nộ ái ố. Long có cơ hội trở về với công việc trước kia. Mặc dù vậy, bao nhiêu đó hình như không thể chứa đủ khát vọng của tuổi trẻ.

Long cần một con đường mới mẻ hơn, một nơi để bung ra hàng tá ý tưởng trong đầu và một tổ chức cho anh cơ hội được thể hiện hết bản ngã của mình. Buổi phỏng vấn diễn ra không hề kịch tính như bao người vẫn tưởng tượng về nó. Long đến với gương mặt không chút sợ hãi, trả lời thật với chính con người và giới hạn mà mình biết, rằng “em không biết FPT lớn đến thế”. Vậy mà nó đã đưa anh vào vị trí cán bộ Văn hóa - Đoàn thể của FPT IS.

Nói là vậy. Tuy nhiên, để là mình trong mọi tình huống ở cuộc sống muôn màu này không hề đơn giản. Đôi khi phải kiềm chế một chút cái tôi để nó không dâng đến đỉnh. Đôi lúc phải “nắn gân” một tí để mọi thứ tắp vào bờ như ý. Long cũng vậy. Anh điều chỉnh mình để thích nghi với mọi thứ nhưng cũng không đánh mất thứ bản ngã quý giá của mình.

DSC-7080-1228-1453795328.jpg

Long nhận giải thưởng Ong Mật tại Hội làng FPT HCM 2015. Ảnh: Hà Dương

Long mê ánh đèn sân khấu. Mê đứng dưới nó để ca hát, nhảy múa, trình diễn nghệ thuật. Và Long cũng mê luôn việc nhìn sân khấu sáng đèn, lùi về sau cánh gà nhìn tác phẩm của mình “chạy hình”, thắc thỏm chờ phút “lên sóng”, quay cuồng giải quyết những sự cố lớn nhỏ. Bên Quân khu 7 thấy thương, thấy quý “cựu bộ đội" từng hỏi anh, rằng có muốn đi lâu dài con đường này. Đó không phải là nơi Long nuôi dưỡng những giấc mơ của tương lai, chắc chắn rồi. Nhưng là nơi anh cất giữ hoài niệm, lưu lại những ký ức sống động trong hành trang cuộc đời.

Bước ra từ ánh đèn của thao trường, một ánh đèn khác lại rọi vào Long. Chỉ cần khi con người tin, hy vọng và muốn bước tới, đó là lúc ánh đèn sân khấu soi vào họ. Bởi mỗi người vốn dĩ đã là diễn viên trên sân khấu cuộc đời của chính mình. Tất cả những thứ đã và đang ở trước mắt đang minh chứng Long là một diễn viên tận tâm với nghề, anh đã sống với tất cả niềm đam mê và bản ngã của mình.

Nguyễn Kim Long sinh năm 1989, gia nhập FPT năm 2014.

Năm 2015, anh nhận được giải thưởng Ong mật của FPT dành cho cán bộ Văn hóa Đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

>> Giấc mơ doanh số của thầy giáo sử

Yến Nhi

Ý kiến

()