Chúng ta

Người dám đổi thay nền giáo dục Việt Nam

Thứ hai, 3/10/2016 | 17:12 GMT+7

Suốt một thời gian dài, hằng tuần ở sân bay luôn có người đàn ông với một ba lô, sáng đầu tuần bay sớm, đêm cuối tuần tranh thủ chợp mắt trên máy bay để trở về nhà đã trở nên quen thuộc. Lúc đó, anh tự nhủ: “Chỉ một thời gian thôi mọi chuyện sẽ ổn”. Nhưng một thập kỷ qua, anh chưa dứt được và vẫn không nguôi trăn trở với sự nghiệp giáo dục FPT. 

FPT-3-2016-7890-620-1925-1475470138.jpg

Chủ tịch ĐH FPT có nhiều trăn trở với sự nghiệp giáo dục FPT.

Năm nay, Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng gần 60 tuổi. Nhưng chỉ trừ mái tóc đã ngả màu sương gió thì anh vẫn rất trẻ trung. Thậm chí, gần đây anh còn có sở thích rất “teen” là khoe hình selfie trên Facebook. Lý do của sự tươi trẻ ấy, theo anh, là “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, gần sinh viên thì trẻ”.

Vốn là dân chuyên Toán, tốt nghiệp đại học tại Liên Xô cùng lứa với Chủ tịch FPT  Trương Gia Bình, anh Tùng những tưởng sẽ làm giáo viên Toán nếu theo nghiệp này. Nhưng đến cuối những năm 1970 đầu năm 1980, CNTT bùng lên như một ngành mới, anh quyết định rẽ ngang tìm một mảnh đất mới để “thỏa chí tang bồng”. 

Một thời gian dài khi mới gắn bó với FPT, anh Tùng phụ trách đội phần mềm tại TP HCM, rồi được bổ nhiệm vị trí Phó GĐ FPT HCM. Khi ấy, FPT vấp phải vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho xuất khẩu phần mềm.

Cùng lúc, anh Bình đưa Aptech Ấn Độ về Việt Nam. Anh Tùng - người thường xuyên được mời đi dạy và hướng dẫn luận văn sinh viên, cùng anh Nguyễn Khắc Thành - được giao trọng trách gánh vác sự nghiệp trồng người của FPT.

Chương trình đào tạo lập trình viên FPT Aptech (từ năm 1999) là bước khởi đầu thuận lợi cho giáo dục FPT. Sau vài năm, anh và cộng sự nằm lòng quy trình, công nghệ giáo dục, cách thức tổ chức… để có thể nhân bản được. 

Trái ngược với việc FPT đủ nhân lực để tự cung cấp cho mình và Việt Nam thì đơn vị FPT Aptech và FPT Arena tăng trưởng chững lại. Tại Hội nghị chiến lược FPT tổ chức vào năm 2003 tại Hạ Long, anh Tùng đã táo bạo đưa ra ý tưởng: “FPT cần phải bước chân vào lĩnh vực giáo dục đại học” nhằm giúp đưa doanh thu tập đoàn lên 1 tỷ USD.

“Anh Tùng là người luôn tận tâm cho giáo dục nước nhà và sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn nhân viên. Anh luôn là người anh cả truyền cảm hứng cho các thế hệ nhân viên không biết mệt mỏi với hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục, luật và truyền thông. Tôi rất khâm phục anh khi thường xuyên cập nhật công nghệ và cũng đang là hot Facebooker trên mạng xã hội”, Vũ Chí Thành, Trưởng Ban Tuyển sinh và Công tác sinh viên ĐH FPT.

Ý tưởng quá hay. Chủ tịch Trương Gia Bình đã vào tận TP HCM để thuyết phục anh Tùng đảm nhiệm dự án này. Anh Tùng quả quyết: “Tôi có thể từ chối để người khác đảm nhiệm nhưng đã đặt tâm huyết của mình vào điều gì thì phải làm đến cùng”. 

Vậy là, anh sắp xếp cho con cái sang nước ngoài học để yên tâm ra Bắc công tác. Ở sân bay, hàng tuần hình ảnh người đàn ông với một ba lô, sáng đầu tuần bay sớm, đêm cuối tuần tranh thủ chợp mắt trên máy bay để trở về nhà đã trở nên quen thuộc. Lúc đó anh tự nhủ: “Chỉ một thời gian thôi mọi chuyện sẽ ổn”. Nhưng đến 10 năm sau, anh chưa dứt được và vẫn không nguôi trăn trở với sự nghiệp giáo dục FPT. 

Đầu năm 2004, dự án thành lập ĐH FPT manh nha. Hai năm rưỡi sau đó là quãng thời gian anh và cộng sự phải chạy đôn chạy đáo để lo giấy tờ thủ tục, vận động hành lang, tận dụng mọi mối quan hệ để xin giấy phép thành lập trường. Cầm tờ quyết định trên tay, anh vừa mừng vừa lo: “Làm sao để thiết lập một trường đại học với khát vọng đổi thay, đóng góp cho bức tranh giáo dục chung, sinh viên ra trường cạnh tranh được với trường khác, thậm chí nước khác”?

Sau nhiều năm làm giáo dục, anh nghiệm ra rằng, cùng cách làm như đa số các trường đại học Việt nam khác không thể đảm bảo đầu ra của ĐH FPT tốt hơn. Vì thế, ngay từ khi khởi đầu, ĐH FPT có một chuỗi đổi mới mà chưa có trường đại học nào ở Việt Nam làm trước đó như: dạy tiếng Anh đầu vào, dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ, on-the-job-trainning, trau dồi kỹ năng mềm cho sinh viên, dạy Vovinam thay cho môn thể dục, đào tạo lái xe, dạy nhạc cụ dân tộc…

Thời gian đầu, khó khăn chất chồng khó khăn bởi dịch vụ giáo dục đại học rất phức tạp. Mỗi ngành có vài chục môn học, giáo trình, xây dựng nguồn lực đủ đáp ứng, các ngành, cơ sở gối đầu liên tiếp mở ra… Chưa kể vừa lo thủ tục giấy tờ, anh và cộng sự vừa gấp rút thuê trụ sở, song song với việc xây một cơ sở mới. 

Anh luôn tâm niệm, một tòa nhà không phải trường đại học. Mơ ước biến đại học thành đô thị sinh viên để sinh viên ăn ở, sinh hoạt, giao lưu và phát triển kỹ năng luôn là trăn trở của người đứng đầu ĐH FPT.  

Thế là, từ một mảnh đất trống trải ở Hòa Lạc (Hà Nội), chỉ sau vài năm xây dựng, anh đã biến nơi đây trở thành khu đô thị sinh viên sầm uất với đầy đủ dịch vụ thiết yếu. Và chính anh chọn nhà thiết kế, bản thiết kế, thậm chí tự tay chọn cây trồng, từng viên gạch lát nền, nơi đúc trống đồng… Anh chia sẻ: “Mỗi người làm một việc, tự tay mình làm thấy đúng ý và tiết kiệm hơn. Cả bộ máy mỗi người xúm vào một việc thì việc gì cũng giải quyết được”.

Một thập kỷ trôi qua, hôm nay, ĐH FPT đã khẳng định được vị trí của mình khi giúp 98% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp với cơ hội thăng tiến cao và cơ hội rộng mở. Nó đã xóa tan những nghi ngờ, băn khoăn của xã hội về chất lượng đào tạo ĐH FPT vào thời điểm trường thành lập cách đây 10 năm. 

Nhìn lại 10 năm với hai nhiệm kỳ đảm nhiệm vai trò “đầu tàu” của Khối Giáo dục FPT, anh cười xòa bảo: “Có lẽ, trước mắt tôi sẽ nghỉ hưu thôi”. Nhưng ánh mắt của anh không giấu được trăn trở về sự phát triển của ĐH FPT trong bối cảnh giáo dục Việt Nam và thế giới thay đổi rất nhanh. 

Ánh mắt đăm chiêu khi nghĩ về tương lai, anh cho rằng, để ĐH FPT đi nhanh và đúng hướng, khẳng định vị thế của mình cần những cái đầu năng nổ, mới mẻ, sáng sủa, dám thay đổi và “máu”.

Khi ấy, tâm nguyện của anh về trường đại học với quy mô 100 ngàn sinh viên, việc nâng tỷ lệ sinh viên ngoại quốc, triển khai nhiều địa bàn, đa hệ, đa ngành sẽ trở thành hiện thực. Và anh tin những cộng sự sẽ thay mình viết tiếp giấc mơ về “Khát vọng đổi thay” nền giáo dục Việt Nam.

ĐH FPT sau 10 năm phát triển (2006-2016):

- Năm 2012, ĐH FPT trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho trường đại học trên toàn thế giới; Nhận bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo và được vinh danh là đơn vị có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi Tin học.

- 5 năm liên tiếp (2011-2015), ĐH FPT giành giải Sao Khuê với các hạng mục dành cho đơn vị đào tạo CNTT hệ chính quy và Đơn vị đào tạo CNTT hệ phi chính quy xuất sắc.

- Năm 2014, tòa nhà hiệu bộ của ĐH FPT là thiết kế duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong hạng mục Giáo dục tương lai và giải Nhất Kiến trúc xanh Việt Nam do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. 

- 98% sinh viên ĐH FPT có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. 15% sinh viên làm việc tại Mỹ, Nhật, Đức, Singapore….

- ĐH FPT đã hợp tác với hơn 60 trường thuộc 26 nước trên thế giới.

Lưu Vân

Ý kiến

()