Chúng ta

Giảng viên thầm lặng ở FPT Software

Thứ năm, 26/11/2015 | 11:46 GMT+7

Chưa từng học qua khóa đào tạo sư phạm nào nhưng nhiều thế hệ nhân viên FPT Software đã trở thành những người “đưa đò” cho chính đồng nghiệp của mình và sinh viên các trường đại học. 

Giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn như đổ lửa tát vào mặt, Trần Tuấn Kiệt (FSU11.BU6) dắt con xe của mình rời F-Town. Buổi sáng mới vừa kết thúc, đã đến giờ nghỉ trưa nhưng lập trình viên này không thể ngồi ấm chỗ ăn được lâu. Phía trước anh là gần một giờ đồng hồ để “phi” đến ĐH FPT ở quận 12, TP HCM. Kiệt làm người “đưa đò” đã nửa năm rồi.

Ngày đầu tiên đến trường, với gương mặt trẻ trung của mình, chẳng ai biết Kiệt là người đứng lớp. Khi đi lấy chìa khóa, bảo vệ còn bán tin bán nghi không chịu giao cho. Họ nghĩ anh là sinh viên. Mà chả riêng gì, ai cũng nghĩ thế. Khi đứng trước phòng học, không ai hình dung nổi anh chàng "non choẹt" kế bên lại là người “đứng lớp”. Hóa ra, Kiệt cũng chỉ mới 23 tuổi.

Gia nhập FPT Software một năm thì thấy đơn vị đăng tuyển người đứng lớp cho sinh viên, thế là anh đăng ký. “Tôi muốn thay đổi công việc thường ngày một chút cho bớt nhàm chán”, lập trình viên trẻ tuổi kể. Và bắt đầu một hành trình khác hơn với mỗi tuần một vài buổi đi dạy. Ngặt nỗi lúc nào các tiết lên lớp ở ĐH FPT cũng đúng vào buổi trưa. Sáng, Kiệt từ nhà ở quận 10 chạy xuống F-Town tận quận 9 đi làm rồi trưa lại tất tả vượt những dòng xe trùng trùng ngược lên quận 12. Cứ thế nhưng anh vui lắm.

1-2347-1448508721.jpg

Trần Tuấn Kiệt (thứ hai từ trái sang) và Nguyễn Thanh Phước (bìa phải) được vinh danh tại "Trainer's Day" do FPT Software HCM tổ chức. Ảnh: FPT Software

“Đi dạy cho sinh viên làm tôi gợi nhớ về một thời đến lớp của mình. Ngày xưa chính bản thân tôi nhiều khi cảm thấy rất khó để hỏi thầy cô về chuyện học. Vì thế, tôi rất đồng cảm và muốn chia sẻ với các bạn như một người anh, không bị gò bó”, lập trình viên hào hứng chia sẻ. Anh nói, lúc đầu ngại các bạn sinh viên nghĩ mình trẻ quá có dạy được họ không. “Nhưng ngược lại, các bạn không hề xem thường và rất tôn trọng tôi, thường đến hỏi rất nhiều vấn đề”.

Trái với Kiệt, Nguyễn Thanh Phước, Trung tâm đào tạo, đã có hai năm kinh nghiệm làm công tác đào tạo tại FPT Software. Không những thế, trước khi về đầu quân cho đơn vị cách đây 4 năm, anh đã có thời gian nhiều năm đứng lớp với vai trò giảng viên tại nhiều trường đại học. “Quay đi quay lại thì tôi vẫn làm công tác đào tạo. Có lẽ bởi vì sở thích rất ít khi thay đổi. Mà sở thích sẽ dễ dàng biến thành sở trường”, anh thổ lộ.

Công việc của Phước không đơn thuần là đứng lớp trong và ngoài đơn vị mà thường xuyên đến tiếp xúc với các trường đại học nhằm đưa nội dung đào tạo của FPT Software vào chương trình. “Đây là hoạt động mang tính xã hội cao, giúp sinh viên nhìn nhận sớm về tương lai”, anh tâm đắc. Tuy nhiên, theo anh, làm thì dễ nhưng để đạt kết quả mỹ mãn thì không hề đơn giản. “Vấn đề là phải truyền được lửa đến thầy cô và sinh viên”.

Đối với Hồ Văn Thắng, Z8.TESTHCM, giảng viên các khóa kiểm thử phần mềm, điều khiến anh cảm thấy thích thú ở công việc đứng lớp là được đem kinh nghiệm của mình truyền đạt đến những thế hệ tiếp nối. Tuy nhiên, vấn đề luôn làm anh trăn trở và suy nghĩ không ngừng là làm sao để tạo hiệu quả thật tốt cho chất lượng đào tạo. “Những người làm công tác đào tạo phải biết cách kết hợp nguồn lực để định hình chương trình của mình thật hiệu quả”, anh cho biết. 

Điều mà giảng viên Hồ Văn Thắng tâm đắc nhất trong các khóa đào tạo của mình là khi đứng lớp cho sinh viên, anh thấy được tinh thần học hỏi và khát khao công hiến của những người trẻ. “Ngành công nghệ thông tin bắt buộc phải học hỏi liên tục nên sự ham học là một yếu tố then chốt”, anh khẳng định.

Vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt trẻ trung và phong cách thân thiện của Nguyễn Lê Quốc Ny, FSU15.BU1, không khó lý giải vì sao chị trở thành giảng viên được yêu thích nhất thông qua bình chọn sau các khóa đào tạo. “Những ngày đi dạy đầu tiên khó khăn lắm vì tôi không phải là sinh viên sư phạm. Nhưng nhờ sự hợp tác rất tốt của các học viên nên mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp”, Ny nhớ lại những ngày đầu đứng lên vào năm 2006.

2-6607-1448508721.jpg

Giảng viên được yêu thích nhất Nguyễn Lê Quốc Ny (giữa). Ảnh: FPT Software

Đã gần 10 năm rồi, Ny “đưa đò” cho không biết bao nhiêu thế hệ nhân viên FPT Software HCM và sinh viên các trường đại học. Trong khoảng thời gian khá dài ấy, có quá nhiều kỷ niệm mà trong một lúc cô gái không thể nhớ ra hết. Chị bảo, có một điều nhớ nhất là rất nhiều bạn sau khóa đào tạo đã cam đoan rằng “Một ngày nào đó em cũng sẽ là một giảng viên giống như chị”. Và hiện tại đã nói đúng như thế, Ny cười bảo.

Điều gì khiến sức hút của Ny trên bục giảng không hề lay chuyển trong gần 10 năm? “Tôi không bao giờ tạo áp lực cho học viên”, nhân viên kỳ cựu nói. Có nhiều lý do để tạo hình nên chân dung của vị giảng viên được yêu thích nhất. Nhưng đối với người lần đầu nghe Ny nói về những khoảnh khắc đứng lớp, tình yêu trong chị lộ hẳn ra với nụ cười hạnh phúc đủ để trả lời cho mọi thắc mắc. “Có lẽ là vì tôi đã thích nghề giáo từ lâu lắm rồi khi cha mẹ của tôi đều là giáo viên”, Ny bẽn lẽn.

Hầu hết nhân viên Phần mềm đều phải thông qua lớp “Bảo mật” vì đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong ngành Công nghệ thông tin. Nguyễn Phạm Tuyên (Bảo mật thông tin ISM) bảo, chính vì tính then chốt của khóa học nên Tuyên đã đứng lớp cho hầu hết cán bộ FPT Software HCM, kể cả các giám đốc và quản trị dự án.

3-5899-1448508721.jpg

Nguyễn Phạm Tuyên (cầm micro) chia sẻ, được đứng lớp là một cơ hội quý báu để trau dồi và học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: FPT Software. 

“Qua sự tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở các cấp bậc khác nhau, tôi đã học được rất nhiều. Ở người trẻ thì học được sự năng động. Với người có thâm niên thì học được kinh nghiệm”, Tuyên chia sẻ. Tuy nhiên, vì môn học khá khô khan nên bản thân anh phải mày mò rất nhiều cách để biến những giờ lên lớp với mỗi học viên không phải là tra tấn mà thực sự là niềm vui thích.

“Tôi thường lồng một số nội dung gây cười để tạo sự thoải mái trong lớp, thỉnh thoảng cũng tặng quà để khích lệ học viên. Vấn đề của tôi là phải làm sao để mọi người tuân thủ cũng như hiểu rằng những nguyên tắc bảo mật giúp ích rất nhiều cho bản thân học viên trong công việc và ngay cả cuộc sống nữa”, anh lý giải.

Dù không hề có một danh vị với công việc đứng lớp nhưng những người “đưa đò” thầm lặng của FPT Software đã cống hiến cho sự đi lên của không chỉ đơn vị mà còn là lực lượng nguồn cho ngành Công nghệ thông tin Việt Nam. 

>> FPT Software HCM tri ân giảng viên nội bộ

Yến Nhi

Ý kiến

()