Chúng ta

'FPT là nơi duy nhất tôi gắn bó lâu dài'

Thứ sáu, 11/9/2015 | 10:30 GMT+7

24 tuổi trở thành giảng viên Đại học FPT, 28 tuổi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, anh Nguyễn Tiến Dũng là nhà toán học trẻ nhất trong số gần 70 nhà khoa học trẻ gặp mặt Thủ tướng hôm nay (ngày 11/9) tại Hà Nội.

Cuối năm 2007, anh Dũng gia nhập Đại học FPT với vị trí giảng viên toán của trường. "Toán học là đam mê không chỉ của riêng tôi mà của tất cả thành viên trong Bộ môn toán của Đại học FPT. Nó giống như một công việc cần làm hằng ngày, không làm thì sẽ thấy nhớ", anh nói.

Yêu thích bộ môn Xác suất - Thống kê, cùng với công việc giảng dạy, anh Dũng đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu toán ứng dụng có giá trị, được công bố trên một số tạp chí khoa học uy tín quốc tế. Anh bảo, nghiên cứu cũng như toán học, càng làm thì càng thấy hữu ích, đặc biệt là trong kinh tế, sinh học và vật lý

Năm 2012, anh từng đạt cú đúp giải thưởng lên tới 80 triệu đồng do Đại học FPT trao tặng vì có các công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí nằm trong danh sách ISI Journal Standard List. Đó là hai bài báo "Semimartingale approximation of fractional Brownian motion and its applications" và "Fractional geometric mean-reversion processes" về lĩnh vực xác suất và thống kê được đăng tải trên hai tạp chí là Computers & Mathematics with Applications và Journal of Mathematical Analysis and Applications vào đầu tháng 4/2011. 

Ngoài toán học và nghiên cứu, Tiến sĩ của FPT còn thích chơi game.

Ngoài toán học và nghiên cứu, Tiến sĩ của FPT còn thích chơi game.

Những thành công này đã khích lệ anh rất nhiều trên con đường nghiên cứu. Từ năm 2008 đến nay, anh có 22 bài báo lớn trên các tạp chí thuộc nhóm ISI (Institute for Scientific Information - Viện Thông tin khoa học), và là người được nhận giải thưởng công trình toán học 2014, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020.

Nội dung các công trình của anh Dũng thường liên quan đến một mô hình trong vật lý hoặc tài chính. Các kết quả toán học giúp hiểu sâu hơn về những mô hình, cung cấp cơ sở lý thuyết cho những nhà vật lý hoặc kinh tế sử dụng trong công việc của họ. 

Thông thường, mỗi bài báo sẽ tốn thời gian tìm ý tưởng và hoàn thiện khoảng 3 đến 6 tháng. Sau khi gửi bài đến một tạp chí sẽ mất thêm khoảng 6 tháng mới có phản biện, sửa lại theo nhận xét của phản biện (nếu họ yêu cầu) rồi gửi lại cho tạp chí để họ xem xét lại lần nữa. Như vậy trung bình mỗi bài báo sẽ mất từ 6 tháng đến một năm mới đến tay độc giả.

"Đối với người làm nghiên cứu, niềm vui lớn nhất là khi công trình của mình được công bố và nhận được sự đánh giá cao từ những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới. Mỗi công trình, mỗi bài báo đều là tâm huyết nhiều tháng, thậm chí cả năm chờ đợi xét duyệt để bài được lên", tiến sĩ sinh năm 1983 chia sẻ.

Với công việc của người thầy, anh Dũng luôn cố gắng liên hệ bài giảng với những thông tin thực tế cập nhật từ TV và Internet để bài giảng không nhàm chán. Lượng kiến thức có thể lặp lại nhưng cách truyền đạt thì mỗi lần một khác. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu cũng giúp anh luôn cập nhật thông tin, hiểu sâu hơn và cách đưa kiến thức cho sinh viên cũng có chất lượng tốt hơn, dễ hiểu hơn.

8 năm giảng dạy tại FPT, không dành nhiều lời để nói về mình, anh ấn tượng với sự thành công của rất nhiều sinh viên. Môi trường với những nét văn hóa khác biệt tại đây đã tạo cho anh điều kiện để tự do phát triển và làm việc độc lập. "Cơ sở vật chất tốt, đồng nghiệp thân thiện, sinh viên năng động, FPT là nơi duy nhất tôi làm việc và sẽ gắn bó lâu dài", anh Dũng chia sẻ. 

Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên Đại học FPT, nhận xét hóm hỉnh: "Thầy Dũng giỏi một cách "bá đạo". Các bài giảng của thầy rất thú vị. Là tiến sĩ trẻ, thầy cũng có nhiều bài viết lên báo khoa học".

Tự nhận mình là người trầm tính và ít nói, mãi đến đầu năm 2015, anh mới giải xong "bài toán cuộc đời" là lấy vợ. Kế hoạch sắp tới, bên cạnh việc giảng dạy tại trường, anh sẽ tiếp tục dành thời gian nghiên cứu. "Cuộc đời tôi chỉ có hai việc chính, đó là nghiên cứu và giảng dạy. Chẳng có gì là biến cố hay những thay đổi bất ngờ, nhưng đó là đam mê, giống như một thói quen, giống như việc hít thở hằng ngày vậy. Thời gian tới, tôi tiếp tục đi dạy, cùng các nhà khoa học quốc tế thực hiện các công trình nghiên cứu toán học tiếp theo".

Là một trong số gần 70 nhà khoa học trẻ được gặp mặt Thủ tướng, Tiến sĩ toán FPT cảm thấy vinh dự và tự hào. Anh hy vọng trong cuộc gặp mặt này sẽ được nghe Thủ tướng và các lãnh đạo đề cập đến chính sách cụ thể dành cho nhà khoa học trẻ.

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, đại diện lãnh đạo FPT Software và Đại học FPT sẽ đón gần 70 nhà khoa học tuổi đời không quá 35, hoạt động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tự nhiên, xã hội và nhân văn, nông nghiệp và khoa học y dược, tham quan tập đoàn vào ngày 11/9 tại Hà Nội.

Tham gia chương trình, các nhà khoa học sẽ có buổi tham quan và trao đổi thực tế tại một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu phát triển khoa học tại Hòa Lạc như ĐH FPT, FPT Software, tòa nhà Viettel, Khu ươm tạo doanh nghiệp KH&CN Hòa Lạc… Sáng cùng ngày, đoàn có buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các nhà khoa học trẻ tham gia chương trình đều là những người có thành tích nổi bật, có giải thưởng về khoa học công nghệ, có sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ... có trên 10 đến 40 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, một số tạp chí thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()