Chúng ta

Đạo diễn Đặng Tuấn Chinh: ‘Bắt chước là cả một nghệ thuật’

Thứ sáu, 15/4/2016 | 15:48 GMT+7

Đáp lại những bình luận tiêu cực của cư dân mạng về sự sáng tạo trong tác phẩm của mình, đạo diễn Đặng Tuấn Chinh, FPT Telecom, cho rằng bắt chước cũng cần có nghệ thuật và không phải ai cũng làm được.

Những video clip gần đây trên trang Youtube chính thức của FPT Telecom nhận được khá nhiều sự quan tâm với số lượt xem “khủng”. Trong đó phải kể đến series “Chuyện hai nàng ế và Internet” với sự góp mặt của hai “siêu giả gái” Hải Triều và Duy Khánh đã thu hút hàng triệu lượt xem. Người đứng sau những sản phẩm đó chính là Đặng Tuấn Chinh, được biết đến là cha đẻ của phim ngắn “Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò”.

Chàng đạo diễn trẻ chia sẻ những câu chuyện thú vị trong quan điểm nghề nghiệp.

- Anh có thể chia sẻ làm thế nào để tạo ra một sản phẩm truyền thông có lượt xem cao?

- Đó phải là sản phẩm đúng thị hiếu người xem. Tuy nhiên, thị hiếu của người xem khá rộng nên cần phải có sự dung hòa. Sở trường của tôi là hài "sạch" và phim có đề tài cảm động nên được chọn khá kỹ về mặt nội dung. Phương châm của tôi là không quan trọng lượt xem mà chỉ chú trọng nội dung cần truyền tải.

chinh_1460538459.jpg

Đặng Tuấn Chinh từng là chàng trai xấu xí không ai thèm chơi. Tuy nhiên, anh đã lột xác để thay đổi cuộc sống của mình. Ảnh: NVCC.

- Nhưng giờ đây lượt xem là mối bận tâm hàng đầu của các nhà sản xuất trong thời đại bùng nổ công nghệ và mạng xã hội. Nếu không quan trọng lượt xem, anh làm gì để thuyết phục nhà sản xuất khi khán giả không “chuộng” tác phẩm của mình?

- Khán giả có hai loại là chính thống và online. Sản phẩm chính thống phát trên TV thường thiên về chất lượng nhưng khán giả thì không nhiều, còn lượng người xem online khá đông do tiện xem mọi lúc mọi nơi nên yêu cầu khá dễ dàng và không đòi hỏi chất lượng. Với cách làm việc nghiêng về chất lượng và đề cao tính nhân văn, tôi chỉ phù hợp với các nhà sản xuất chuyên nghiệp và khán giả chính thống. Một điểm quan trọng là thu nhập từ một clip chính thống cao gấp 4 lần so với online. Chính vì thế, việc chọn lựa nghiêng về chất lượng, không quan trọng lượt xem online là điều dễ hiểu.

- Anh vừa làm đạo diễn lẫn biên kịch trong các sản phẩm của mình. Vậy công việc “trọn gói” này đòi hỏi những yếu tố nào?

- Nghề đạo diễn và biên kịch là hai vị trí quan trọng nhất để tạo nên thành công của một video. Đối với đạo diễn, cần hiểu về chuyên môn hình ảnh. Còn biên kịch thì cần có cái nhìn sâu rộng hơn đối với cuộc sống. Hai vị trí này yêu cầu tôi phải lãng mạn và mềm mỏng với mọi thứ. Vì khi đó, cái "chất" của cuộc sống sẽ được khắc họa chân thực nhất.

banh-gio-1951-1460597690.jpg

"Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò" đã đưa tên tuổi của Đặng Tuấn Chinh đến với nhiều khán giả. 

- Vậy, làm sao để có thể viết được một kịch bản hay và ấn tượng?

- Người viết phải hiểu tâm lý từng nhân vật. Muốn như thế, đòi hòi họ phải từng trải hoặc có cái nhìn sâu sắc nhiều khía cạnh cuộc sống. Ở Việt Nam, người viết kịch bản khá nhiều nhưng số lượng phim hay và đi vào lòng người lại rất hiếm hoi. Lý do đơn giản là họ viết chạy về số lượng chứ không quan tâm chất lượng.

Để có kịch bản hay, điều quan trọng là người viết đừng đặt nặng vấn đề thời gian hay sức ép tiền bạc lên hàng đầu. Bản thân tôi, khi chạy xe ngoài đường, vô tình bắt gặp một sự việc nào đó, tôi sẽ nhớ trong đầu rồi về nhà ghi chép lại để làm tài liệu viết phim. Lúc viết phải thoải mái và tránh bị làm phiền. Tôi cũng có thói quen nghe nhạc đúng tâm trạng khi viết để tăng phần cảm xúc cho phim.

- Nghề đạo diễn có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Thật ra tôi chỉ vô tình bén duyên với nghề đạo diễn. Về chuyên môn, tôi còn cần phải học hỏi thêm. Tuy nhiên, nhờ nội dung phim cũng do chính tôi viết nên có lẽ đó là điểm sáng để sản phẩm của tôi được chú ý. Tương lai, tôi nghiêng về sản xuất hơn là đạo diễn hay biên kịch vì chuyên môn sản xuất sẽ khó hơn, yêu cầu phải nắm rõ tất cả vị trí thì mới thành công.

- Những khó khăn mà anh gặp phải trong nghề là gì?

- Khó khăn thì nhiều lắm. Đôi khi "mâu thuẫn" về suy nghĩ của khách hàng và mình thường xuyên diễn ra làm tôi rất căng thẳng. Họ chỉ nhìn theo hướng thương mại nên làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Có nhiều clip, tôi chấp nhận đơn phương hủy hợp đồng vì khách hàng thiên về thị trường hay thương mại hóa làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Mặt khác, khi "say đắm" với nghề quá, đôi lúc tôi không còn thời gian bên những người thân.

poster-7242-1460607371.jpg

Series "Chuyện 2 nàng ế và Internet" thu hút lượt xem "khủng" trên Youtube chính thức của FPT Telecom. 

- Có một số nhận xét rằng các tác phẩm của anh sao chép ý tưởng. Anh thấy sao?

- Trước kia, khi chưa được các nhà sản xuất chú ý tới, song song việc tự sản xuất clip do mình viết, tôi còn làm lại những nội dung sẵn có với hy vọng làm mới nó. Sau này, khi được chú ý, tôi không ngại chia sẻ những clip cũ đã làm. Tôi chỉ ghi tên mình làm đạo diễn chứ không hề nhắc đến vai trò biên kịch. Người xem khá khắt khe, vô tình không nhận ra vai trò của tôi trong clip và dùng một từ khá nặng là "bắt chước". Cá nhân tôi nghĩ khi xem miễn phí trên mạng thì nên nhận xét nó hay hoặc dở thì tốt hơn. 

Tôi cũng có suy nghĩ rất khác, bắt chước cũng cần có nghệ thuật và không phải ai cũng làm được điều đó. Bắt chước rất khó vì nhiệm vụ là phải làm tốt hơn cái sẵn có và tạo màu sắc riêng cho mình. Một clip "đạo" ý tưởng không thành công khi và chỉ khi không có ai xem. Còn một sản phẩm chuyển thể từ nội dung sẵn có được khán giả khó tính nhận xét là "bắt chước" thì theo tôi, đó đã là thành công vì khán giả đã xem.

- Gia nhập FPT được hơn nửa năm, điều gì ở công việc của một nhân viên Marketing cuốn hút anh?

- Đó là vì môi trường ở đây rất năng động, sáng tạo. Ngoài việc hiểu hơn về FPT, tôi còn được thoải mái sáng tạo với nhiều clip viral, góp phần đưa hình ảnh công ty gần gũi hơn với khách hàng. Một điều nữa làm tôi thích thú ở công việc vì tên tuổi của FPT quá lớn, sẽ có lợi rất nhiều cho công việc "ngoài giờ" của tôi (cười to). 

- Sản phẩm nào từng thực hiện cho đơn vị mà anh thích nhất?

- Từ khi gia nhập FPT đến nay, tôi đã thực hiện hơn 10 clip viral như hài, cảm động, giới thiệu dịch vụ... Hầu như mỗi clip đều có trung bình hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, có một clip làm tôi ấn tượng nhất mang tên "We love you - Chúng tôi yêu các bạn" đợt 13/9 vừa rồi. Diễn viên không ai khác chính là các thành viên của đơn vị. Dù mọi người không hề biết diễn và cũng khá ngại ngùng nhưng vẫn cố gắng làm tròn vai diễn khiến tôi cảm thấy yêu FPT nhiều hơn. 

Đặng Tuấn Chinh sinh năm 1992 tại Long An, hiện là nhân viên Phòng Marketing, FPT Telecom.

Chinh là tác giả và đồng đạo diễn của phim ngắn “Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò”. Ngoài ra, chàng trai này còn đứng sau phim ngắn “Ghét gió! Tại gió làm mắt cay” (2013), MV cho ngày Valentine trắng “Giữ em đi” (2015) gây sốt trên công đồng mạng và nhiều phim ngắn khác.

Video tập 1 "Chuyện 2 nàng ế và Internet" do Tuấn Chinh làm đạo diễn: 

>> Hành trình lột xác của "Chinh xì ke"

Yến Nhi thực hiện

Ý kiến

()