Chúng ta

Chàng 'ca sĩ' của nhà Viễn thông

Thứ ba, 21/7/2015 | 11:34 GMT+7

Từng nhút nhát và thiếu tự tin vì là một người đến từ tỉnh lẻ, Trần Văn Long đã có những bứt phá ngoạn mục để trở thành một trong những cán bộ đào tạo năng nổ nhất FPT Telecom.

Gọi vui công việc của mình là "ca hát", Trần Văn Long hóm hỉnh tự nhận là một ca sĩ rong ruổi khắp nơi mang "lời ca tiếng hát” đến người Viễn thông FPT. Nhưng đằng sau vẻ hóm hỉnh và hào sảng ấy từng là một chàng trai ngại đứng trước đám đông.  

Thường xuyên tham gia những cuộc vui, teambuilding tại môi trường khoa Ngân hàng - Đại học Kinh tế TP HCM, thế nhưng việc trình bày trước nhiều người vẫn là một điểm yếu với cậu sinh viên đến từ phố núi Đà Lạt. Hết lần này đến lần khác, anh chàng đều chạy trốn sở đoản này. “Không xuất thân từ thành thị nên tôi rất nhút nhát, sợ nói sai”, Long tự nhận.

1-long-6726-1437445866.jpg

Chàng "ca sĩ" Trần Văn Long. Ảnh: NVCC

Năm cuối đại học, khi thực tập tại một công ty, điều kiện để Long có thể hoàn tất bảng thành tích mấy tháng của mình là phải đứng lớp một khóa đào tạo cho nhân viên mang tên “Phân tích kỹ thuật dành cho khối môi giới”. Chân đứng không vững khi nghe tin động trời, chàng sinh viên thấy lòng hoang mang, bất ổn. Không chỉ đứng trước đám đông mà Long còn phải “đào tạo” những người dày dạn hơn mình cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tuy nhiên, đây là một thử thách lớn mà cậu sinh viên năm cuối không thể nào từ chối hay thoái thác.

“Làm hết khả năng, được tới đâu hay tới đó”, anh chàng tự dặn mình. Và thế là trong một tuần trước khi “lên thớt”, Long vận dụng tất cả nội công để chuẩn bị tất cả mọi thứ. Về kiến thức, chàng trai Đà Lạt rất tự tin về thế mạnh phân tích và đầu tư tài chính, còn về tinh thần thì cứ bồi dưỡng từng ngày bằng từng chút một gia vị nhiệt huyết, máu lửa của tuổi trẻ. Rồi ngày đó cũng đến, nỗi lo sợ vẫn chưa hết ám ảnh Long. Trước gần 50 con người già rơ, chàng trai trẻ thấy mình quá nhỏ bé, người run bắn lên. Nhưng có một lực đẩy trong tiềm thức, khi đặt mình vào vị trí cảm thụ của người nghe, đã giúp Long bước qua cái bóng của chính mình.

Bằng cách trình bày ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu, chàng sinh viên đã hoàn thành nhiệm vụ cần phải làm. Giây phút ấy đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời Long. “Tôi nhận được rất nhiều đánh giá rằng bản thân có khiếu làm đào tạo, và tôi đã suy nghĩ rất nhiều để chính thức tìm ra một con đường hoàn toàn mới cho bản thân”, chàng trai đến từ phố núi chia sẻ.

Giờ thì anh chàng đã trở thành một cán bộ có thâm niên 4 năm làm công tác đào tạo mà Long tự gọi vui là “đi ca hát khắp nơi”, từ mảnh đất tận cùng cực Nam tổ quốc trải dài đến miền Trung. Công việc này đã trở thành niềm đam mê xuyên suốt và cũng có thể kéo dài bất tận. “Tôi cảm nhận được sự sâu sắc của công tác đào tạo đối với xã hội nên lúc nào cũng thấy hào hứng với công việc”, chàng trai thổ lộ.

long.jpg

Anh Long (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Gia nhập FPT cách đây hơn một năm, đến nay, tài sản của Long là gần 30 tỉnh thành đã đi qua với hàng trăm buổi đào tạo cho nhân viên nhà Viễn thông. Mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm lại mang đến cho chàng cán bộ đào tạo những bài học mới, những niềm vui mới mà khó gì có thể mua được. “Đó là khi cảm nhận được sự thay đổi và trưởng thành của các học viên sau mỗi khóa đào tạo”, Long kể với ánh mắt đong đầy hạnh phúc. Dù nỗi cô đơn đôi lúc cũng xâm lấn chàng trai sinh năm 1988 khi vẫn hay “một mình” trên không ít hành trình, thì việc được gặp gỡ và có thêm nhiều người bạn mới đã xua tan nỗi buồn như thể chợt đến rồi chợt đi nhanh chóng.

Dù đã xác định được con đường cho mình và nhận thấy những khả năng tiềm tàng của bản thân, nhưng những ngày đầu đến với nhà họ F, như bao người khác, Long gặp khá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong công việc. “Cái khó ló cái khôn”, ông bà ta nói không sai. Trong những lúc như thế, Long đã xắn tay áo lên và thâm nhập vào công việc của từng bộ phận trong đại gia đình Viễn thông.

Không ngại khó, Long xung phong đi kéo cáp cùng anh em dưới cái nắng chói chang của bầu trời Sài Gòn, rồi lại lặn lội đến từng nhà làm công tác thu cước trong tiết trời oi ả, có hôm lại thấy anh chàng đang bàn công việc cùng đội bán hàng. Mọi thứ Long đều thử qua. Những giọt mồ hôi không làm anh chàng nản chí mà ngược lại, giúp anh có cái nhìn toàn diện về mỗi công việc trong từng mắc xích riêng lẻ cấu thành nên một cấu trúc bền vững. Và từ thực tế đó, chàng cán bộ đào tạo có thể hình thành những ý tưởng chân thực và mới cho công tác huấn luyện của mình. "Những chuyến trải nghiệm thực tế giúp tôi hiểu và cảm nhận khó khăn trong từng công việc cụ thể để đưa vào chương trình đào tạo, giúp nó không khô khan và cứng nhắc”, Long chia sẻ.

Công việc không cho phép Long có những ngày nghỉ như bao nhân viên văn phòng khác khi có những thứ Bảy và Chủ nhật của anh là những chuyến rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Lịch đào tạo của chàng cán bộ dày đặc đến mức có những khi phải thực hiện 4-5 buổi liên tục và hầu như mỗi tháng đều có những chuyến “rời khỏi Sài Gòn”. Thế nhưng khi nghe anh chàng kể về niềm vui được làm công việc mình say mê, người đối diện khó lòng cảm nhận những áp lực, khó khăn và rào cản của anh. Bởi Long luôn đáp lại mọi câu hỏi bằng nụ cười tươi rói, bình thản, lạc quan và đầy đam mê.

Anh Trần Quốc Đại, PGĐ Trung tâm đào tạo nội bộ FPT Telecom, thừa nhận, ngay từ đầu anh đã ấn tượng với nụ cười của chàng trai phố núi. Anh thẳng thắn nhận xét: “Nụ cười của Long luôn tạo nên thiện cảm tốt cho người đối diện, đó có lẽ là điểm cuốn hút nhất của anh chàng này. Cậu ấy rất nhiệt tình, năng nổ và luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công”.

2-long-3842-1437445867.jpg

Chàng cán bộ nhà Viễn thông (bên trái) trao quà cho học viên trong một khóa đào tạo. Ảnh: NVCC

Đối với chàng cán bộ đào tạo mẫn cán này, ngoài việc “nhập vai” vào từng ngõ ngách trong mỗi bộ phận, việc lên chương trình đào tạo còn luôn tuân theo nguyên tắc “mềm”, tức 20-30% là “kiến thức cứng” từ sách vở, còn lại đều là từ những trải nghiệm và bài học mới lạ từ thực tiễn. Và tìm chúng ở đâu? “Mọi nơi”, anh chàng khẳng định. Nó có thể xuất phát từ căng tin, nơi có hàng loạt dịch vụ diễn ra trước mắt, cũng có thể là bất cứ đâu với bất cứ hoạt động nào. “Đôi lúc chỉ là những việc đơn giản nhưng nếu chịu khó chú ý sẽ thấy nó vô cùng thâm thúy”, Long tiết lộ.

Cũng có lúc chàng trai phố núi lại bắt đầu những buổi đào tạo bằng việc cho học viên trải nghiệm bộ môn cờ vua. Theo anh chàng, kỹ năng quản lý trong bàn cờ cũng tương ứng với kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Khi hiểu sâu sắc từng quân cờ với ưu và nhược điểm cũng là khi bản thân có thể áp dụng vào phân tích chính mình. “Trong khi đánh giá các thế cờ, đôi lúc ta sẽ thấy mình cần phải hy sinh một quân cờ nào đó để đạt được mục tiêu cốt yếu là chiến thắng, điều đó hoàn toàn có thể áp dụng triệt để vào công việc và cuộc sống”, cán bộ đào tạo nhà Viễn thông chia sẻ.

Và cứ như thế, chàng trai không ngần ngại “trút” hết những thế cờ mà mình đã đặt ra để giãi bày niềm đam mê tột cùng của bản thân, một cách sâu sắc và thông minh nhất. Chàng trai ấy đang hạnh phúc ngay trên con đường mình đang đi. “Vì đạt được mục tiêu chưa hẳn đã là đích đến, thưởng thức hành trình mới là điều tuyệt vời”, Long đúc rút.

Yến Nhi

Ý kiến

()