Chúng ta

Chàng 9x FPT Arena là Lãnh đạo Thanh niên tàu SSEAYP lần thứ 45

Thứ tư, 10/10/2018 | 15:19 GMT+7

Không theo con đường đại học như bạn bè đồng trang lứa, Phan Văn Quyền quyết định học tại FPT Arena để nâng cao kiến thức về đồ họa và cũng chính cơ duyên này đã đưa anh đến hành trình trở thành một trong 28 đại biểu Thanh niên Việt Nam tham gia tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 45.

Biết đến chương trình SSEAYP từ năm 2016 khi lần đầu anh đến nộp đơn nhập học tại FPT Arena, Phan Văn Quyền lúc ấy vừa trở về từ Philipines sau khi hoàn tất chương trình đào tạo ngôn ngữ Anh. Tuy không đậu chương trình SSEAYP vào thời điểm ấy, Quyền vẫn luôn nỗ lực cải thiện năng lực của chính mình để ngày hôm nay SSEAYP đã mỉm cười với anh trong vai trò là Lãnh đạo đoàn Việt Nam trong chuyến hải trình sắp tới.

Hinh-1-7630-1539157779.jpg

Phan Văn Quyền (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng đại biểu Việt Nam tham gia tàu SSEAYP năm nay trong dịp quay MV về ngày Quốc khánh 2/9.

Quyền là người con của vùng đất phía Nam Tây Nguyên. Nơi anh sinh ra và lớn lên là mảnh đất Lâm Đồng hiền hòa, đầy nắng gió và đôi chân đã quen sải bước trên những con đường đến trường đỏ màu bazan. Tính cách điềm đạm, dáng người cao khỏe khoắn, trên khuôn mặt Quyền luôn thường trực nụ cười thiện cảm và quen giữ cho mình phong thái của một chàng trai lịch thiệp, tươm tất.

Nhớ lại, đồng hành trong suốt tháng năm học trò của anh là đám bạn chơi thân từ nhỏ cùng các bạn người dân tộc thiểu số vùng cao. Có một quãng đời tuổi thơ tươi đẹp với những điều vốn bình dị, gần gũi nhất chính là những yếu tố hình thành nên nhân cách sống của Quyền sau này: sống đơn giản và yêu quê hương.

Tuy nhiên, cũng từ những quan sát và cảm nhận sâu sắc về đời sống cơ cực của những người bạn dân tộc thiểu số ngay từ khi còn bé đã thôi thúc Quyền phải làm điều gì đó để giúp đỡ các bạn.

Năm 2010, ý tưởng về dự án cộng đồng mang tên “Dấu vân tay” ra đời, anh và các bạn cùng lứa bắt tay vào việc thu gom sách vở để tặng lại cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. “Ai cũng có 10 dấu vân tay. Chỉ cần mỗi người góp một dấu thì cũng đã có thể góp phần thay đổi cộng đồng và cải thiện đời sống. Trong đó, dấu vân tay chính là đại diện cho hành động chung tay giúp đỡ người khó khăn”, Quyền trải lòng.

Năm 2013, dự án “Dấu vân tay” chính thức thành lập khi chàng trai Lâm Đồng thắng giải quay video trong cuộc thi của hãng Nestlé với nội dung gửi lời chúc đến chị em dân tộc vùng cao có cuộc sống ấm no trong dịp Tết. Chính sự thành công đầu đời ấy đã là động lực cho chàng trai Lâm Đồng tiếp nối những ý tưởng thiện nguyện khác gắn liền với nét văn hóa của vùng dân tộc thiểu số, cùng đó là khát khao cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng và đặc biệt là nơi anh sinh sống.

Hinh-2-6213-1539157779.jpg

Phan Văn Quyền (thứ 2, từ phải sang) chụp ảnh cùng đội dự án và đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài những suy nghĩ đóng góp cho cộng đồng, bản thân chàng trai 9x cũng có niềm đam mê mãnh liệt với thiết kế đồ họa và dựng video. Anh tiết lộ: “Niềm yêu thích ấy xuất phát từ những ngày được "phá" máy tính của các anh trong nhà khi còn nhỏ”.

Nếu niềm vui của những đứa trẻ thời ấy là được vui chơi thỏa thích với những trò dân gian hay nô đùa khắp xóm, Quyền lại dành cả thanh xuân bên cạnh chiếc máy tính để “khai hoang” những chương trình mới. Điều này dẫn tới việc anh có thể chủ động cài hệ điều hành Windows cho đến thành thạo các thao tác trên máy tính từ rất sớm, điều mà rất hiếm thấy ở những đứa trẻ cùng tuổi.

Ngoài thời gian đến trường, anh thích sưu tầm những tấm ảnh đẹp để làm nền cho máy tính. Khi thấy hình nền chưa ưng ý, anh tìm đến những phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa ảnh để hoàn thiện bức ảnh. Từ đó, công cụ Painting có sẵn trên Windows là phần mềm đầu tiên anh tiếp cận và dần dà chuyên nghiệp hơn với Corel hay Photoshop. Tuy đam mê của Quyền lúc này chưa thể định danh rõ ràng nhưng anh vẫn luôn giữ cho mình sự hăng say với ngành đồ họa như một sở thích không thể tách rời với cuộc sống.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh quyết định du học ngành ngôn ngữ Anh tại Philippines với suất học bổng của giáo hội Công giáo. Năm 2016, Quyền quay về nước khi đã hoàn thành chương trình học. Dù không một xu dính túi nhưng anh quyết không nhận sự hỗ trợ từ gia đình vì sĩ diện đã hình thành trong dáng dấp của một thanh niên có trách nhiệm. Anh quyết định bắt xe lên Sài Gòn để tìm cơ hội phát triển cho bản thân mình.

t1-1024x683-5945-1539157779.jpg

Khi là sinh viên năm thứ nhất FPT Arena, Phan Văn Quyền đã đại diện cho Việt Nam tham gia “Nhà làm phim trẻ các nước ASEAN” lần thứ II - “ASEAN Youth Video Contest 2016”, xuất sắc ẵm giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Trong thời gian này, buổi sáng anh sắm vai là một nhà thiết kế tự do của trang 99 Design (một website chuyên về thiết kế của Mỹ), buổi tối Quyền là thầy giáo chuẩn mực tại một trung tâm Anh ngữ ở Sài thành. Chiếc xe Cub nhỏ mà anh dành dụm mua được chính là “người bạn” đồng hành trên những cung đường lập nghiệp thời bấy giờ. Cứ tháng nào bán được nhiều logo do Quyền thiết kế, chàng “designer” lại cho phép mình ăn ngon hơn những ngày khác một bữa.

Niềm vui cứ thế được anh vun vén từng ngày và cứ mỗi ngày trôi qua, Quyền lại cảm nhận bản thân tốt hơn từng chút. “Tôi nhận ra tiếng Anh là vốn tài sản rất giá trị cho mình vào thời điểm ấy”, anh bồi hồi nhớ lại.

Từ trước đến nay, Quyền vốn chưa hoạch định chu toàn cho tương lai và mỗi cơ hội đến với anh cũng là những lần tình cờ. Nhưng Quyền khẳng định, phải có đủ khả năng mới nắm bắt được cơ hội, do đó bản thân luôn phải có sự chuẩn bị từ trước.

Năm 2016, qua lời kể của một người bạn, Quyền bắt tay vào thực hiện đề tài dự thi làm phim ngắn khi chỉ còn vỏn vẹn 12 giờ trước thời hạn đóng đơn đăng ký. Bằng câu chuyện xuất phát từ thực tiễn, chứa đựng trọn vẹn cảm xúc trong những chuyến thiện nguyện mà Quyền có cơ hội làm cùng bạn bè, video của anh đã chạm đến cảm xúc của Ban Giám khảo và Quyền trở thành đại diện Việt Nam duy nhất đoạt giải Quán quân cuộc thi “Nhà làm phim trẻ các nước Đông Nam Á” với những thước phim về đời sống của người dân tộc thiểu số được hiện thực hóa bằng kỹ xảo Graphic Motion.

“Kể cả niềm yêu thích đồ họa của mình cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hoạt động cộng đồng”, anh cười khi chợt nhớ về sự liên kết “rất duyên” giữa đam mê đồ họa và những đóng góp cho cộng đồng.

Video dự thi của Quyền tại ASEAN Youth Video Contest 2016:

Sau một năm, tuy có hài lòng khi bản thân đã tích lũy được nhiều trải nghiệm đáng quý song có thể tự kiếm sống nhưng cảm giác ấy vẫn chưa trọn vẹn. “Bản thân vẫn thiếu đi một sự chuyên nghiệp cần có để có thể thăng hoa trong sự nghiệp”, Quyền cảm nhận.

Từ đó, anh quyết định tạm dừng công việc ở trung tâm Anh ngữ để đi học trở lại. Ý định về việc có bằng cấp chính quy và theo đuổi công việc đồ họa chuyên nghiệp là lý do anh chọn FPT Arena là nơi theo học. “Đến FPT Arena không chỉ là đi học mà còn được va chạm với nhiều dự án thực tế và sát với nhu cầu trong thị trường hiện tại”, anh chia sẻ.

Năm 2017, với sự động viên từ gia đình và sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè, anh là một trong hai đại diện Việt Nam lọt vào vòng Bán kết cuộc thi thiết kế toàn cầu Adobe Creative Student Awards với bài thiết kế chỉn chu và đầy đặn.

Lúc này, chàng trai 9x Lâm Đồng đã vững chãi hơn với đam mê của mình. Sẽ không còn là những hoài nghi về tương lai, Quyền của hiện tại đã đủ chín chắn và bản lĩnh để nghĩ về tương lai có thể phát triển cùng với công việc đồ họa của mình.

Một lần nữa, kỳ tích gọi tên Phan Văn Quyền khi dự án “Bảo tồn nét hoa văn của dân tộc thiểu số” đã đưa Quyền chạm đến cơ hội mà bản thân anh cũng không ngờ đến - buổi gặp gỡ bàn tròn với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Singapore vào tháng 1/2018 cùng đại diện các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hinh-3-3918-1539157779.jpg

Phan Văn Quyền (thứ 3 từ trái sang) là đại diện Việt Nam duy nhất ngồi bàn tròn với Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 1/2018 tại Singapore.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, tháng 8, Quyền nhận kết quả trúng tuyển đại biểu tàu SSEAYP lần thứ 45. Sau lần “lỡ duyên” với SSEAYP hai năm trước, anh mới quyết định thử sức nộp đơn trở lại. “Tôi có điểm giống với nhiều bạn đại biểu khác khi phải cố gắng nhiều lần mới có thể giành cơ hội”.

Hiện tại, Quyền cùng các đại biểu khác tất bật với các hoạt động trước ngày lên tàu. Đó là các buổi họp diễn ra đều đặn hằng tuần, hay những buổi tập huấn chuyên môn để mỗi đại biểu sẽ được trang bị đầy đủ hiểu biết trước chuyến đi dài. Vừa qua, cả đoàn cũng đã tổ chức thành công chương trình “Ôm trọn trăng vàng”, “Tay sạch tay xinh” cùng nhiều hoạt động khác có ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ và cộng đồng.

Trong vai trò là Lãnh đạo Thanh niên cho đoàn Việt Nam, Quyền hiểu rằng anh cùng các bạn đại biểu sẽ đại diện cho hình ảnh thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế, sự tự hào sẽ đi cùng với áp lực để anh có thể hoàn thành thật tốt vai trò là người dẫn đầu.

“Mỗi đại biểu là một cá tính rất riêng. Ai cũng rất giỏi nên việc dung hòa và gắn kết cả đội là một trong những nỗ lực mà bản thân mình đang muốn hoàn thiện trong chuyến đi này”, anh cười với sự tự tin, ẩn trong đôi mắt ánh lên niềm hy vọng. “Tôi tin là mình làm được”, chàng thủ lĩnh 9x khẳng định.  

Quyền là một trong những hình mẫu của thanh niên Việt Nam thời đại mới, một người trẻ với nhiều khát vọng lớn cùng những hoài bão tốt đẹp về cuộc sống. Phan Văn Quyền nhấn mạnh, các thành tích của anh đều mang giá trị tích cực hướng đến cộng đồng và có ích cho xã hội. Là một người trẻ giàu nhiệt huyết, anh tâm niệm rằng trách nhiệm của bản thân cũng sẽ gắn liền với nhiều hoạt động giúp đất nước phát triển. Anh sẽ mang theo nguồn năng lượng tích cực trên chuyến tàu SSEAYP sắp tới để lan tỏa hình ảnh thân thiện về giới trẻ Việt Nam đã và đang sẵn sàng hội nhập cùng thế giới.

>> Sinh viên ĐH FPT lọt Top 88 thủ khoa xuất sắc Hà Nội

Đình An

Ý kiến

()