Chúng ta

BrSE: 'Thay đổi lớn nhất khi ở Nhật là thái độ với thời gian'

Thứ sáu, 6/5/2016 | 10:26 GMT+7

Thời gian của Nguyễn Việt Linh, cựu học viên khóa 1 chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE), đã trở thành một thứ xa xỉ khi cậu vừa phải thu xếp đi học, đi làm, tự ôn luyện để có được cơ hội tốt trong tương lai tại xứ sở mặt trời mọc. Thành quả cho những ngày cố gắng này là Linh được 6 công ty Nhật Bản nhận về làm việc.

Tháng 4/2015, Linh bắt đầu cuộc sống xa nhà đầu tiên trong đời. Sinh hoạt tại Nhật Bản, chàng trai sinh năm 1991 phải học cách độc lập, tự chủ từ tài chính đến những công việc sinh hoạt hằng ngày. Qua một năm, thời gian dù không quá dài nhưng đã giúp Linh trưởng thành hơn, trong đó, thay đổi lớn nhất mà cậu tự rút ra đó là thái độ với thời gian.

Trước đây ở Việt Nam, dù là học hành hay công việc bận rộn nhưng nhìn chung, Linh vẫn giữ được phong thái thong thả. Kể từ khi sang Nhật, thời gian với cậu càng lúc càng trở thành một thứ xa xỉ. Vừa phải đi học ở trường, vừa phải đi làm thêm, vừa dành thời gian học ở nhà. Áp lực nhất với Linh là hồi tháng 6/2015, thời điểm ôn tập cho kỳ thi năng lực tiếng Nhật diễn ra vào tháng 7, cũng là thời điểm tìm kiếm việc làm thêm. 

"Bây giờ nghĩ lại thì đó đúng là quãng thời gian hành xác. Nhưng suy cho cùng cũng là do bản thân chưa biết lên kế hoạch và sắp xếp thời gian hợp lý. Lúc đăng ký đi làm chẳng nghĩ đến lịch thi, mà lúc đăng ký thi cũng chẳng nghĩ đến lịch làm việc", cựu học viên BrSE nhớ lại.

Mỗi ngày của Linh luôn bắt đầu từ sớm. Học ở trường đến 12h30. Sau đó, tất tả về nhà thật nhanh để ăn trưa, tranh thủ nghỉ ngơi được khoảng nửa tiếng rồi đi làm. Công việc kéo dài đến buổi tối, sớm thì kết thúc lúc 22h. Ăn tối tại chỗ làm nên sau khi trở về nơi ở, cậu chỉ còn vệ sinh cá nhân là có thể tiếp tục miệt mài bên đống sách vở. Để tránh buồn ngủ, Linh thường rủ "đồng bọn" học nhóm. Hoàn thành bài tập trên lớp lẫn phần ôn luyện là 4h sáng. Cậu tranh thủ ngủ và tiếp tục hành trình cho ngày hôm sau.

Theo Linh, điều đầu tiên và quan trọng nhất trong bất cứ hành trình nào cũng là quyết tâm.

Theo Linh, điều đầu tiên và quan trọng nhất trong bất cứ hành trình nào cũng là quyết tâm.

Guồng quay liên tục ấy đã giúp quãng thời gian thi chứng chỉ N2 của Linh sau này đỡ cập rập hơn. Cậu tự lên kế hoạch chi tiết cho lịch trình của mình và phân bổ thời gian hợp lý. Điều ấy đã giúp Linh kết thúc chương trình học với xếp loại Giỏi cùng việc sở hữu chứng chỉ N2 với rất nhiều cơ hội đổi đời.

Trong 10 công ty cậu tham gia ứng tuyển, đã có tới 6 công ty đồng ý nhận Linh vào làm việc. Nhưng sau nhiều lần suy nghĩ, đắn đó, chàng trai trẻ đã chọn GNEXT. Có thể hình dung về công việc một cách rõ ràng, được làm một BrSE đúng nghĩa và công việc phù hợp với tính cách hướng ngoại thích giao tiếp... là những lý do Linh đưa ra cho quyết định của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp này có công ty con ở Việt Nam nên về lâu dài, Linh có thể trở về để xây dựng quê hương.

Nguyễn Việt Linh

- Thành tích học tập trong một năm học tại Nhật: Xếp loại Giỏi; Thi đỗ N3 vào tháng 7/2015; Thi đỗ N2 vào tháng 12/2015.

- Công việc hiện tại: BrSE tại GNEXT.

- Sở thích: Khiêu vũ, bóng đá, truyện tranh...

Để có kết quả này, Linh cho rằng vấn đề ở bản thân thể hiện ra sao trước nhà tuyển dụng. Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực trong ngành CNTT nhưng cũng không vì thế mà họ nới lỏng trong công tác tuyển dụng. Thông thường, nếu nhà tuyển dụng là những công ty vừa và nhỏ, họ cần người cho những dự án và công việc rất cụ thể, đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm phù hợp với vị trí mà họ cần.

Với các công ty lớn, họ tuyển dụng những nhân viên làm việc lâu dài nên chấp nhận thời gian đào tạo ban đầu. Những công ty này lại rất chú trọng đến tư chất, khả năng học hỏi và đặc biệt là thái độ của ứng viên có thực sự muốn gắn bó lâu dài với công ty hay không.

"Điểm mấu chốt vẫn là tiếng Nhật. Tiếng Nhật càng tốt thì càng có nhiều cơ hội. Từ việc viết được một bản CV đẹp ra sao cho tới lúc phỏng vấn thể hiện được thế nào đều phải cần một cơ sở về ngôn ngữ tốt. Dù là CV hay phỏng vấn ở Nhật đều có rất nhiều quy tắc, từ việc viết tên trong CV cho đúng đến việc gõ cửa khi vào phòng phỏng vấn đều phải được làm chỉn chu. May mắn là các thầy cô hỗ trợ tôi rất nhiều về khoản này. Nhiệm vụ còn lại của tôi chỉ là tập luyện thật chu đáo để có thể viết được CV đẹp và có được trạng thái tự tin nhất khi đi phỏng vấn", Linh chia sẻ.

Ngoài ra, một điều rất quan trọng nữa là hiểu biết về công ty tuyển dụng. Điều này vừa khiến họ đánh giá rằng ứng viên rất quan tâm và có thiện chí làm việc ở công ty họ, vừa giúp ứng viên có được chiến thuật trả lời hợp lý, chứng tỏ được ứng viên chính là người mà họ cần.

Cùng với các "chiến thuật bài bản", cách làm của Linh khi đăng ký ứng tuyển là nộp hồ sơ vào tất cả những công ty cậu có hứng thú. Sau đó, đi phỏng vấn một lúc nhiều công ty song song. Như vậy vừa tăng khả năng đậu mà có trượt thì cũng coi như được tập dượt. Tránh tình trạng trượt công ty này rồi mới nộp hồ sơ công ty khác sẽ tốn rất nhiều thời gian và dễ rơi vào hoàn cảnh sắp hoàn thành khóa học mà vẫn chưa tìm được việc. 

Về cách học, quyết tâm là điều đầu tiên và quan trọng nhất của học viên. "Đối với tôi, khi quyết định bắt đầu một việc gì đó giống như thắp lên một ngọn lửa vậy. Thắp lửa lên thì dễ nhưng giữ cho ngọn lửa ấy cháy được ít nhất trong một năm thì không phải ai cũng có thể làm được", cậu trải lòng.

Linh luôn cố gắng đảm bảo chương trình học trên lớp bởi chương trình này đã được xây dựng tương đương với trình độ N2. Để theo được cũng khá vất vả. Do đó, nếu vẫn còn cảm thấy khó khăn với bài tập trên lớp thì chưa nên lan man. Cũng không nên vì muốn đẩy nhanh tốc độ mà học qua loa vì sẽ rất nhanh quên. Để tận dụng thời gian, Linh tranh thủ tải các ứng dụng vào điện thoại di động để học trên tàu điện, lúc nằm trên giường,... Những lúc đi bộ ngoài đường, cậu có thể nghe từ mới hoặc bài hội thoại. 

Nhật Bản vẫn được biết đến là đất nước đắt đỏ hàng đầu nhưng theo Linh, nếu để ý một chút thì hoàn toàn có thể sống thoải mái. Chẳng hạn, cậu luôn tự nấu ăn chứ không ăn ngoài, điều này giúp Linh tiết kiệm được chi phí đáng kể so với ăn ở ngoài mặc dù khá mất thời gian. Vì vậy, Linh thường nấu đồ ăn cho 2-3 bữa trong một lần vào bếp.  Thường, trên đường đi học về, cậu sẽ rẽ vào siêu thị để mua đồ ăn vì giá ở đây rẻ hơn các cửa hàng tiện lợi. "Ở Nhật, việc mua bán rất tiện lợi và an toàn, tuy nhiên cũng cần chú ý mua những thứ thực sự cần thiết, tránh hoang phí. Đồ cũ cũng không phải giải pháp tồi vì đồ của họ rất bền, hầu hết được sử dụng rất cẩn thận", Linh cho biết.

Năm đầu tiên ở Nhật, Linh vẫn chưa đi du lịch những nơi xa mà chỉ tìm hiểu những địa điểm gần nơi cậu sống. Kinh nghiệm của cựu học viên BrSE là nên tìm hiểu trước những địa điểm có thể tận dụng đi cùng lúc để tiết kiệm chi phí đi lại. Cậu cũng tham gia vào các trang mạng xã hội cộng đồng người Việt tại Nhật để thu thập thông tin và kinh nghiệm mọi người chia sẻ.

Tô Ngà

Ý kiến

()