Chúng ta

9x trở thành salesman xuất sắc FPT Telecom

Thứ năm, 25/8/2016 | 17:55 GMT+7

Để trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc của FPT Telecom Khánh Hòa, Nguyễn Trường Dư đã chọn cách làm bạn với khách hàng, để họ giới thiệu thêm người lắp dịch vụ và giảm thiểu người rời mạng.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk, nhưng Dư quyết định lập nghiệp ở TP Nha Trang. 4 năm kể từ ngày tốt nghiệp trường Sĩ quan chỉ huy - Kỹ thuật thông tin, chàng trai giờ đã trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất FPT Telecom chi nhánh Khánh Hòa. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của nam nhân viên 9x.

1.jpg

Không phải là người gốc Khánh Hòa nhưng Dư đã từng bước nỗ lực để trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất chi nhánh Nha Trang. Bí quyết của chàng trai là chăm sóc khách hàng cũ.

"Lúc tôi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, đã nộp hồ sơ vài nơi nhưng không có ai liên hệ để phỏng vấn. Anh Nguyễn Công Lý, Trưởng phòng kinh doanh 2 nhận thông tin, liên hệ để lên phỏng vấn và được nhận vào làm. Thời gian này gặp khó khăn về chuyên môn, vì ngành của tôi học liên quan đến Điện tử viễn thông mà chuyên môn làm lại là kinh doanh, tìm kiếm khách hàng mới'', salesman nhớ lại khoảng thời gian đầy thử thách ở chi nhánh.

Để thích nghi nhanh hơn ở môi trường năng động như FPT, Dư đã phải tự thay đổi từ cách ăn nói, đi đứng, tác phong. "Tôi nói rất nhanh nên khi mới đi làm thường bị khách hàng chọc vì không ai nghe kịp. Tôi ý thức được điều đó, và tự điều chỉnh từ từ qua thời gian. Trong quá trình đi làm, tôi cũng học được rất nhiều điều và rèn luyện được một số kỹ năng cần thiết như giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, nắm bắt tâm lý khách hàng, chốt hợp đồng, tinh thần kiên định không bỏ cuộc...".

Bằng kinh nghiệm chinh chiến ở thị trường Khánh Hòa, chàng trai nhìn nhận có rất nhiều cơ hội để phát triển. Vì chỉ có 3 nhà mạng lớn nhưng các đối thủ cạnh tranh lành mạnh, lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng Internet tăng cao. Khu công nghiệp và các trường học nhiều nên tương đối thuận lợi cho công tác bán hàng. Song song thuận lợi bao giờ cũng đi kèm thách thức, nhưng Dư vẫn biết cách vượt qua những giai đoạn khó khăn. Trong đó bài toán chăm sóc khách hàng cũ luôn được đặt lên hàng đầu. Theo salesman, khách hàng cũ giống như một đại lý lớn sẽ giới thiệu bạn bè, người thân lắp thêm dịch vụ của FPT kèm theo giảm thiểu lượng rời mạng.

"Cũng giống như những đồng nghiệp trong phòng, tôi luôn lên kế hoạch kinh doanh cho từng ngày, chỉ khác là thường xuyên chăm sóc khách hàng cũ từ trước đến giờ đã ký. Tôi chia theo từng ngày để tiện liên hệ chăm sóc và thường xuyên mở rộng kênh đại lý, quản trị web. Tôi cũng quan niệm lợi ích của công ty là phải chăm sóc quyền lợi của khách hàng, giúp họ sử dụng sản phẩm của mình một cách hiệu quả nhất và mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng".

Bên cạnh sự trưởng thành qua thời gian, salesman còn nhìn thấy được cơ hội thăng tiến trong môi trường làm việc năng động, lành mạnh, đặc biệt thu nhập ổn định. Chàng trai cũng dự định lập gia đình ở Khánh Hòa.

Không có được thị trường kinh doanh thuận lợi như Khánh Hòa, nhưng Ung Thanh Tâm, FPT Telecom chi nhánh Quảng Nam, cũng có sự thành công nhờ đổi mới trong tư vấn cách bán hàng. Salesman thuộc thế hệ 9x có biệt tài "nắm bắt tâm lý khách hàng và chốt hợp đồng".

Gia nhập đại gia đình họ F vào năm 2013 nhưng Tâm lập tức thể hiện được vài trò nhờ niềm đam mê. Là nhân viên kinh doanh xuất sắc chi nhánh, chàng trai được đồng nghiệp đánh giá cao ở khả năng nhạy bén, thông minh trong quá trình đi thị trường. Cách làm của chàng trai gốc Quảng Nam khá đơn giản: Tiếp cận khách hàng, nắm bắt tâm lý và chốt hợp đồng.

9-1463470234-660x0.jpg

Tâm đang làm hợp đồng cho khách hàng Đỗ Thị Phước Hưng. Ban đầu chị Hưng có ý định đăng ký Internet gói 6 Mbps nhưng khi được Tâm tư vấn, khách hàng quyết định sử dụng gói 10 Mbps để có đường truyền và tốc độ sử dụng tốt hơn với mức cước phí hợp lý.

"Để chốt được hợp đồng thì điều đầu tiên là bạn cần tiếp xúc được khách hàng. Nói thì đơn giản nhưng làm rất khó, bởi nhiều khách hàng đưa ra các lý do khác nhau khi nhân viên kinh doanh đặt vấn đề. Nên salesman cần hiểu được tâm lý khách hàng, đọc và hiểu họ đang nghĩ gì, nắm bắt được nhu cầu thực sự để tư vấn sao cho phù hợp. Đối với những khách hàng khó tính, ta cần đến khả năng giao tiếp và đàm phán tốt, chưa kể phải có kiến thức chuyên sâu về sản phẩm", Tâm chia sẻ kinh nghiệm khi gặp khách hàng khó tính.

Để đạt được kết quả như hôm nay, Tâm cũng đã có kế hoạch cụ thể, vượt qua được những giai đoạn áp lực. Thường ngày phải đối đầu với những cái lắc đầu, những lời từ chối và đôi khi là thái độ thiếu thiện cảm. Theo lời chàng trai, trong 10 lần tư vấn thì có lẽ chỉ có một lần khách hàng đồng ý. Nếu là những người mới vào nghề thì thật khó khăn khi phải đương đầu với những lời từ chối ấy. Tuy nhiên, bản thân mỗi người làm lĩnh vực sales phải kiên trì, đôi khi là lì lợm và có bản lĩnh cao để có thể vượt qua những sự từ chối đó.

Dù là chi nhánh sở hữu hai thành phố Tam Kỳ và Hội An nhưng mật độ dân số chưa cao, chất lượng cuộc sống người dân vẫn còn thấp nên hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Chưa kể sự cạnh tranh của các nhà mạng trên địa bàn cũng rất gắt gao. Nhưng Tam Kỳ được nhìn nhận có tiềm năng hơn nhờ đội ngũ công nhân viên chức và mức thu nhập ổn định. "Dù khó khăn hay dễ tôi vẫn quan niệm rằng: siêng năng và luôn luôn trao dồi học hỏi để rút ra kinh nghiệm hay thì chắc chắn sẽ thành công", Tâm đúc kết.

>> Trưởng thành từ vùng cát trắng gió Lào

Việt Nguyễn

Ý kiến

()