Chúng ta

Vượt qua giới hạn bản thân trên đỉnh Phú Sĩ

Thứ tư, 3/9/2014 | 10:21 GMT+7

30 CBNV của FPT Japan đã chinh phục thành công đỉnh núi cao 3.776m được xem là biểu tượng của Nhật Bản - núi Phú Sĩ, bất chấp mưa bão, gió rét cắt da với nhiệt độ âm.

Năm 2013, tại Tokyo, tập đoàn Truyền thông hàng đầu Nhật Bản, Nikkei Inc., đã trao giải thưởng Nikkei Asia trong lĩnh vực Phát triển khu vực cho Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình. Phần thưởng trị giá 3 triệu Yen đã được anh dành tặng cho tập thể cán bộ nhân viên FPT Japan, như một lời cảm ơn những nhân viên FPT tại xứ sở Phù Tang.

Anh Bình cho rằng chính nhờ nỗ lực và quyết tâm của FPT Japan, FPT mới có được vị trí tại thị trường Nhật như ngày hôm nay.

“Lúc anh Bình phát biểu dành toàn bộ tiền thưởng cho nhân viên FPT Japan, tất cả chúng tôi đã vỗ tay, cảm ơn tấm lòng của anh dành cho FPT Software và FPT Japan”, Giám đốc FPT Japan Trần Xuân Khôi xúc động nhớ lại. Và FPT Japan đã quyết định dùng phần thưởng đó để chinh phục đỉnh Phú Sĩ. Tuy nhiên, dự định đó vào năm 2013 đã không thành do gặp bão lớn.

Đoàn FPT Japan trước khi bước vào hành trình.

Đoàn FPT Japan trước khi bước vào hành trình.

Năm 2014, với số tiền thưởng còn lại, cộng thêm sự động viên tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần của TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, CBNV FPT Japan quyết tâm chinh phục lại Phú Sĩ trong hai ngày 23-24/8.

Chương trình leo núi được chuẩn bị từ một tháng trước đó, bắt đầu từ việc gửi e-mail đăng ký cho tới tuyển chọn đội quân tinh nhuệ nhất FPT Japan - những người có sức mạnh cả về thể lực, ý chí lẫn tinh thần kỷ luật.

35 người đăng ký được chia làm 7 tổ, mỗi tổ 5 người được điều phối bởi một tổ trưởng. Đây là những người có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ đôn đốc, đảm bảo tiến độ leo núi của nhóm và báo cáo lại nhân số cho Trưởng đoàn là Phó Giám đốc FPT Japan Nguyễn Việt Vương.

Mỗi chặng đường, cả đoàn đã cũng vượt qua nhiều khó khăn và thử thách.

Mỗi chặng đường, cả đoàn đã cũng vượt qua nhiều khó khăn và thử thách.

Các dụng cụ hỗ trợ leo núi như bình oxy, viên ngậm oxy, băng gạc… cũng được chia đầy đủ cho từng nhóm. Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ từ Ban truyền thông và đối ngoại FPT Software (CCM) tại Hà Nội, FPT Japan có đầy đủ đồng phục áo cờ đỏ sao vàng kèm mũ tai bèo rất sành điệu.

Núi Phú Sĩ nằm trên địa phận tỉnh Shizuoka và Yamanashi, cách Tokyo 100 km về phía Tây Nam. Đây vốn là một núi lửa đã ngừng hoạt động, có độ cao 3.776 m. Phú Sĩ có tuyết phủ dày từ tháng 10 đến cuối tháng 5. Mùa leo núi Phú Sĩ bắt đầu từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8 hằng năm. Có bốn tuyến để leo lên núi Phú Sĩ từ bốn phía. Mỗi tuyến phân làm 9 tầng đều có các trạm nghỉ. Bình thường đi thăm Phú Sĩ, lên đến tầng thứ 5 ở độ cao 2.350-2.500m so với mực nước biển, hưởng khí hậu mát mẻ giữa mùa hè, dù ở Tokyo đang nóng hơn 30 độ C.

Niềm vui của CBNV FPT Japan khi chinh phục đỉnh Phú Sĩ.

Niềm vui của CBNV FPT Japan khi chinh phục đỉnh Phú Sĩ.

7h30 sáng ngày 23/8, đoàn xuất phát từ ga Shinjuku. Đoàn tới tầng 5 núi Phú Sĩ lúc 10h30. Sau khi tự ăn trưa và nghỉ ngơi, đoàn xuất phát từ tầng 5 núi Phú Sĩ tiến lên phía trên. 19h00, đoàn tới tầng 8,5, ăn cơm tối, nghỉ ngơi. Nhưng một trở ngại lớn xảy ra. Sau khi ngủ qua đêm ở tầng 8,5, thời tiết trở nên rất tệ. Gió khá to nên hướng dẫn viên người Nhật đã quyết định hủy kế hoạch leo lên tới đỉnh để đảm bảo an toàn cho cả đoàn.

Cả đội đã trăn trở, cùng nhau bàn kế hoạch và cuối cùng đưa ra quyết định: Ký giấy tự chịu trách nhiệm, quyết tâm lên đỉnh mà không cần hướng dẫn viên. Quyết định của Trưởng đoàn Nguyễn Việt Vương được 30 người ủng hộ.

Rạng sáng ngày 24/8, bắt đầu từ 2h30, đoàn xuất phát từ tầng 8,5, trong đêm tối và lạnh, không có hướng dẫn viên. Cả đoàn đã chia lại thành 3 tổ để quản lý. Tổng thư ký Tổng hội FPT Japan Phan Xuân Bảo từng có kinh nghiệm leo Phú Sĩ là người dẫn đầu. Một thành viên FPT Japan được phân công đi cuối đoàn để đảm bảo không có ai bị bỏ sót. Một người canh đoạn giữa. Ba người (đi đầu, đi giữa, đi cuối) liên tục hò hét không biết mệt mỏi để biết được anh em vẫn an toàn.

Dưới cái lạnh âm độ, đôi lúc bị tắc đường, trong đêm buồn ngủ, mệt mỏi, cả đoàn cuối cùng đã vượt qua mọi khó khăn nhất của bản thân, gần như vượt qua cực hạn chịu đựng mỗi người để tới đích.

Nguyễn Hoàng Linh, một trong hai nhà tổ chức chuyến đi, chia sẻ: “Chắc tất cả đều có chung một suy nghĩ lúc đó: Thật kinh khủng nhưng cũng thật kỳ diệu! Thời gian leo lên và leo xuống mất khoảng 14 tiếng. Có những đoạn cũng khá nguy hiểm, phải bỏ gậy, dùng hình thức là bò mới leo qua được. Trời mưa, lạnh (trên đỉnh là âm độ), đói và đặc biệt là trong đêm tối, ai cũng phải lần mò với đèn pin để không bị vấp ngã. Vậy mà tất cả 30 con người đã cùng nhau vượt qua, nở nụ cười chiến thắng trên đỉnh cao 3.776 m. Thật kỳ diệu! Trên đỉnh Phú Sĩ, người Nhật xung quanh đều không thể không chú ý tới đội quân của FPT với mũ tai bèo xanh, áo cờ đỏ sao vàng, hăm hở giương cờ Tổ quốc và cờ FPT”.

5h30 sáng, đoàn đã đón mặt trời lên ở tầng thứ 9. Mọi người không quên chụp ảnh và quay lại khoảnh khắc tuyệt vời sau nỗ lực bản thân. Những nụ cười rạng rỡ từ một tinh thần chung thật khó quên.

(Theo Around FSoft)

Ảnh: FPT Japan

Ý kiến

()