Chúng ta

'Viện-Tiên-Quỷ' vang danh một thuở

Thứ sáu, 13/9/2013 | 10:00 GMT+7

Nhìn lại phong trào STCo không thể không nhắc đến sự đóng góp lớn của Lục viện, Bát tiên và Thập tam quỷ. Dù đến nay nhiều người quy ẩn giang hồ nhưng những giai thoại về họ vẫn được người FPT truyền tụng mãi.
> 'Viện-Tiên-Quỷ' FPT quy ẩn giang hồ

a

Dù đã quy ẩn giang hồ nhưng anh Tiến vẫn động viên, cổ vũ phong trào ở công ty. Ảnh: C.T.

Cách đây hơn 20 năm, STCo trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người FPT. Khi ấy, Tổng hội (tiền thân của Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT) đang thời kỳ hoàng kim, phát triển mạnh mẽ đến mức trở thành một trong 5 chỉ tiêu đánh giá hoạt động của một công ty mỗi kỳ tổng kết.

* Lục viện:

Nguyễn Thành Nam

Nguyễn Khắc Thành

Hoàng Minh Châu

Hoàng Nam Tiến

Nguyễn Duy Hưng

Phan Quốc Việt (đã rời FPT)

Lê Đình Lộc

Nguyễn Anh Quốc (đã rời FPT)

Những cái tên đã làm nên phong trào STCo rực rỡ của thời ấy là anh Nguyễn Thành Nam, Hoàng Minh Châu, Hoàng Nam Tiến (Tiến “Béo”), Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Duy Hưng và Phan Quốc Việt (Viện sĩ danh dự) đã được xướng lên trong lễ phong Viện sĩ. Sau này, Lục viện bổ sung hai thành viên Lê Đình Lộc và Nguyễn Anh Quốc.

Thành viên Lục viện nắm vai trò đầu đàn, chăm lo tinh thần cho anh em trong toàn tập đoàn. Đến nay, họ vẫn còn cống hiến cho FPT.

Tiếp bước thế hệ trước, sau này, trên sân khấu STCo nổi lên một thế hệ mới như Phan Phương Đạt, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Bạch Điệp, Nguyễn Việt Dũng… đều được phong “tiên”.

Dù xuất thân trong thời bao cấp, lớn lên với Toán học và gắn bó với công tác nhân sự, đào tạo, “tiên ông” Phan Phương Đạt vẫn có những phát kiến tạo nên một sân khấu đậm chất FPT Software, lấy số đông làm thế mạnh. Anh đã xây dựng “Trại lập trình viên” với một số lượng lớn những tay code sừng sỏ tham gia. Và màn dàn dựng đẹp mắt và sáng tạo với 3 sắc cờ FPT thấp thoáng trong tà váy hồng của các thiếu nữ FPT Software trong lễ hội Olympic 13/9/2005 khiến nhiều người không thể quên.

a

Viện sĩ STCo Khắc Thành (ở giữa) hát chèo rất hay. Ảnh: C.T.

Một “tiên ông” khác là Nguyễn Thanh Bình (FPT Trading) lại có rất nhiều tài lẻ. Khi thì anh làm phim, lúc làm clip, có dịp lại viết kịch bản kiêm đạo diễn. Nhưng dấu ấn mạnh nhất mà người FPT luôn nhớ về anh lại là thi phẩm để đời “Mặc mini juyp ngồi xổm trên dư luận mà sống”.

Nguyễn Đắc Việt Dũng (FPT Online) là một diễn viên đa tài. Anh có ngoại hình vừa mang tính bi kịch, vừa có chất hài kịch. Anh có thể lấy được nước mắt của rất nhiều người trong vở “Tiễn anh đi Ấn Độ” nhưng cũng có thể tưng tửng trong vở “Trăm khố trăm trứng” và cũng không lặp lại chính mình trong hai lần thủ vai Kim Trọng ở những vở diễn hoàn toàn khác nhau.

* Bát tiên:

Nguyễn Đắc Việt Dũng

Nguyễn Thanh Bình

Nguyễn Bạch Điệp

Trần Tuấn Việt (đã rời FPT)

Thái Thanh Sơn (đã rời FPT)

Nguyễn Hoàng Long (đã rời FPT)

Nguyễn Tiến Dũng

Phan Phương Đạt

Trên sân khấu STCo ngày ấy còn ghi dấu ấn đình đám của Nguyễn Bạch Điệp (FPT Retail). Hình ảnh Thị Nở nằm chềnh ềnh trên sân khấu chờ Chí Phèo khiến người xem cười như nắc nẻ. Vai diễn để đời của chị chính là vai Công Tôn Sách trong vở “Vụ án hàng tân trang”.

Hầu hết các “vị tiên” đều có dấu ấn khó quên trong lòng người FPT. Một Trần Tuấn Việt làm MC rất sung, một Thái Thanh Sơn phê bình nghệ thuật tới mức được phong danh “tổ sư của nghệ thuật chửi”, một Nguyễn Hoàng Long thiết kế sân khấu kịch STCo từ những ngày đầu, một Nguyễn Tiến Dũng khuấy động sân khấu bằng những “tràng nói” liên hồi. Tất cả đã tạo nên một ký ức đẹp của văn hóa STCo.

Khi các anh chị trong Bát tiên, Lục viện bắt đầu lui về ở ẩn, nhường chỗ cho thế hệ kế tiếp thì mới phát sinh việc bầu chọn 13 người cho danh hiệu Thập tam quỷ ở các lĩnh vực hoạt động.

Họ là những người tuổi đời khá trẻ, có tài năng, nhiệt huyết và sẵn sàng cống hiến để xây dựng nền văn hóa STCo. Họ có thể vừa biên kịch, đạo diễn, vừa làm diễn viên, dựng hậu kỳ. Thập tam quỷ đã có một Dũng “Đê tiện” với nick name mới là "Giáo sư Xoay" khi tham gia chương trình “Hỏi xoáy - Đáp xoay” trên kênh truyền hình VTV3. Anh cũng tham gia viết kịch bản cho Hội diễn, Hội làng. Từ cái nôi văn hóa ấy, anh viết kịch bản Gặp nhau cuối năm cho Đài Truyền hình Việt Nam nhiều năm liền, gây được tiếng vang lớn trong xã hội.

a

"Giáo sư Xoay" tham gia viết kịch bản Gặp nhau cuối năm nhiều năm liền. Ảnh: C.T.

Còn có một Trần Chí Hiếu (Hiếu “Thịt Chó”) với đàn guitar, xăm nghệ thuật, thơ phú, nhiếp ảnh và hoạt động cộng đồng, trở thành một cái tên nổi bật trên cộng đồng mạng. Cái tài của anh là chỉ cần xuất hiện vài giây trên sân khấu cũng khiến người xem nhớ mãi. Chẳng hạn như vai diễn người cụt tay trong vở “Làng Vũ Đại” của FPT IS, chỉ một động tác rùng mình sau khi “giải quyết nỗi buồn”, anh đã khiến cả khán phòng cười ngất. Ngoài ra, những bài thơ hài, góc nhìn sắc sảo hay bản nhạc chế của Hiếu “Thịt Chó” với lăng kính riêng biệt biến anh trở thành ngôi sao trên bầu trời STCo.

Trong số các “quỷ” ấy, còn phải kể đến Phạm Quang Thọ (Thọ “Vẩu”, FPT Trading), nổi tiếng với tài MC và ứng biến xuất thần trên sân khấu. Anh có thể diễn mà không cần kịch bản. Thọ “Vẩu” đặc biệt phù hợp với những vai nhân viên “cùn”, chuyên than vãn về chế độ. Vai diễn nhân viên đòi thưởng trong Hội làng FPT 2010 là một minh chứng hùng hồn cho việc này. Anh và Dũng “Đê tiện” đã tung hứng trên sân khấu khi kịch bản vừa hoàn thiện trước đó 30 phút và chưa kịp thuộc lời thoại.

* Thập tam quỷ:

Phạm Quang Thọ

Trần Chí Hiếu (đã rời FPT)

Đinh Tiến Dũng

Lê Hải Yến (đã rời FPT)

Bùi Anh Tuấn

Trần Sỹ Nam

Nguyễn Văn Hưng

Nguyễn Tiến Thạch (đã rời FPT)

Lâm Hoàng Sơn

Nguyễn Ngọc Anh (đã rời FPT)

Trịnh Ngọc Biên

Nguyễn Hoàng Cương (đã rời FPT)

Nguyễn Hoàng Anh Tuấn

Thọ “Vẩu” nhớ lại: “May mắn do hay đi làm MC cho các đơn vị của FPT nên mình mạnh dạn đề cử vào danh hiệu Thập tam quỷ ở lĩnh vực MC. Cuối cùng, mình được bình chọn trong số 13 thành viên vào năm 2008”.

Các thành viên khác của Thập tam quỷ như: Bùi Anh Tuấn, Lê Hải Yến, Nguyễn Hoàng Cương, Nguyễn Tiến Thạch, Nguyễn Ngọc Anh, Trịnh Ngọc Biên, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Lâm Hoàng Sơn… mỗi người một thế mạnh nhưng họ đều chung một chí hướng là vun đắp từng ngày cho văn hóa STCo trở thành bản sắc có một không hai của doanh nghiệp công nghệ.

Đang trong quá trình rực rỡ, đi đâu làm gì, chỗ tụ tập đông người nào cũng thấy STCo. Hồi đó, STCo là sức hút lớn nhất với những nhân viên mới của tập đoàn. Tân binh nào cũng được đào tạo về văn hóa STCo để thấm được “thứ làm cho mọi người gắn kết nhau” ở FPT.

Nhưng không thể phủ nhận rằng phong trào STCo đang ở những quãng trầm khi các thủ lĩnh là thành viên của Viện-Tiên-Quỷ dần dần rời xa sân khấu kịch. Những lo lắng về doanh số, lợi nhuận, cơm áo gạo tiền hằng ngày phần nào khiến họ không còn nhiều hào hứng với phong trào chung. Vì thế, ngày nay, nhiều tân binh cảm thấy xa lạ với văn hóa STCo vang bóng một thời này.

“Trong dịp đặc biệt kỷ niệm FPT 25 năm, mình muốn mọi người hãy tìm mọi cách vực dậy văn hóa STCo bởi đấy là chất keo kết dính nhất của anh chị em và là nét văn hóa khác biệt của FPT với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam”, anh Thọ trăn trở và mong được sống, làm việc trong giai đoạn phát triển phồn thịnh của văn hóa STCo.

Thạch Anh tổng hợp

Ý kiến

()