Chúng ta

'Viện-Tiên-Quỷ' FPT quy ẩn giang hồ

Thứ sáu, 9/9/2011 | 10:47 GMT+7

Người FPT vẫn truyền nhau các "tích" về Lục viện, Bát tiên và Thập tam quỷ. Nhưng nay, họ đều đã mai danh ẩn tích.

Cách đây hơn 10 năm, sân khấu STCo phát triển đến độ cực thịnh. Cùng với nó là sự thăng hoa của một số cá nhân, có những đóng góp nổi bật cho phong trào FPT. Những cái tên Nguyễn Thành Nam, Hoàng Minh Châu, Hoàng Nam Tiến (tự Tiến “Béo”), Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Duy Hưng và Phan Quốc Việt (Viện sỹ danh dự) đã được xướng lên trong lễ phong Viện sỹ. Sau này, Lục viện bổ sung hai thành viên: Lê Đình Lộc và Nguyễn Anh Quốc.

Những người trong Lục viện giống như những “kẻ giữ đền” tinh thần cho anh em toàn Tập đoàn. Đến nay, họ vẫn còn cống hiến cho FPT.

"Viện sĩ" Khắc Thành. Ảnh: C.T.

Kế thừa các viện sỹ, thế hệ sau cũng nổi lên một số cá nhân kiệt xuất trên sân khấu này. Những Phan Phương Đạt, Tiến Dũng, Bạch Điệp, Việt Dũng… đều đã được phong “tiên”. Không thể phủ nhận những gì họ đã cống hiến cho sân khấu ngày ấy.

“Tiên ông” Phan Phương Đạt đã có công gây dựng phong trào quần chúng của Công ty Phần mềm FPT (FPT Software). Dù xuất thân trong thời bao cấp, lớn lên với toán học và gắn bó với công tác nhân sự, đào tạo, anh vẫn có những phát kiến tạo nên một sân khấu đậm chất FPT Software, lấy số đông làm thế mạnh.

Người ta khó có thể quên được “Trại lập trình viên” với một số lượng lớn thanh niên tham gia. Và cũng không ai quên 3 sắc cờ FPT thấp thoáng trong tà váy hồng của các thiếu nữ FPT Software trong lễ hội Olympic 13/9 năm 2005.

Không kém vế, “Tiên ông” Nguyễn Thanh Bình, Công ty Thương mại FPT (FPT Trading), tung hoành trên sân khấu, khi làm phim, khi làm clip, khi viết kịch kiêm đạo diễn. Nhưng dấu ấn mạnh nhất trong lòng người FPT về anh lại là thi phẩm để đời “Mặc mini juyp ngồi xổm trên dư luận mà sống”.

"Bát tiên" tái xuất năm trong Hội diễn năm 2006. Ảnh: C.T.

Cũng không ai quên hình ảnh Thị Nở nằm chềnh ềnh trên sân khấu chờ Chí Phèo của Nguyễn Bạch Điệp, Công ty Bán lẻ FPT. Ngay từ những ngày đầu của văn hóa STCo, chị đã có những thành công nhất định. Và vai diễn để đời của chị chính là vai Công Tôn Sách trong vở “Vụ án hàng tân trang”. Chị trở thành nữ tướng duy nhất của FPT hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên sân khấu STCo ngày ấy.

Một vị “Tiên ông” khác, Nguyễn Đắc Việt Dũng, Công ty Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online), người mà tên tuổi của anh nổi lên trên sân khấu STCo đúng vào giai đoạn Toàn cầu hóa của chiến lược kinh doanh.

Có thể nói, Việt Dũng là một diễn viên đa tài. Anh có ngoại hình vừa mang tính bi kịch, vừa có chất hài kịch. Anh có thể lấy được nước mắt của rất nhiều người trong vở “Tiễn anh đi Ấn Độ”, nhưng cũng có thể tưng tửng trong vở “Trăm khố trăm trứng” và cũng không lặp lại chính mình trong hai lần thủ vai Kim Trọng cho 2 vở diễn hoàn toàn khác nhau.

Những “vị tiên” khác đều có dấu ấn khó quên trong lòng người FPT. Một Trần Tuấn Việt làm MC rất sung, một Thái Thanh Sơn phê bình nghệ thuật tới mức được phong danh “tổ sư của nghệ thuật chửi”, một Nguyễn Hoàng Long thiết kế sân khấu kịch STCo từ những ngày đầu, một Nguyễn Tiến Dũng khuấy động sân khấu bằng những “tràng nói” liên hồi. Tất cả đã tạo nên một ký ức đẹp của văn hóa STCo.

Khi những lớp “Tiên” đã lui về hậu trường, một lớp “măng non” lại nảy mầm. Họ là những cán bộ phong trào năng nổ, đóng góp vào việc gìn giữ phong trào văn hóa văn nghệ FPT. Trong số đó, có 13 người đã được phong “Quỷ”.

Thọ

Thọ "Vẩu" (trái) - một trong 13 "Quỷ" được phong trong năm 2008. Ảnh: C.T.

Họ là những người tuổi đời khá trẻ, ở thời điểm đó mới chỉ đôi mươi. Họ có thể vừa biên kịch, đạo diễn, vừa làm diễn viên, dựng hậu kỳ. Thập tam quỷ đã có một Dũng “Đê tiện” vượt ra khỏi “biên giới” để tham gia những sân khấu bên ngoài, trở thành Giáo Sư Xoay của chương trình “Hỏi xoáy - đáp xoay” trên VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. Anh cũng tham gia viết kịch bản cho các chương trình Hội diễn, hội làng. Từ cái nôi văn hóa ấy, anh tham gia viết kịch bản Gặp nhau cuối năm cho Đài truyền hình Việt Nam nhiều năm liền.

Còn có một Hiếu “Thịt Chó”, lang thang giang hồ, với đàn ghita, xăm nghệ thuật, thơ phú, nhiếp ảnh và hoạt động cộng đồng, trở thành một cái tên nổi bật trên cộng đồng mạng. Cái tài của anh là chỉ cần xuất hiện vài giây trên sân khấu cũng khiến người xem nhớ mãi. Chẳng hạn như vai diễn người cụt tay trong vở “Làng Vũ Đại” của Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), chỉ một động tác rùng mình sau khi “giải quyết nỗi buồn”, anh đã khiến cả khán phòng cười ngất.

Trong số các “Quỷ” ấy, còn phải kể đến Thọ “Vẩu”, nổi tiếng với tài MC và ứng biến xuất thần trên sân khấu. Anh có thể diễn mà không cần kịch bản. Thọ “Vẩu” đặc biệt phù hợp với những vai nhân viên “cùn”, chuyên than vãn về chế độ. Vai diễn nhân viên đòi thưởng trong Hội làng FPT 2010 là một minh chứng hùng hồn cho việc này. Anh và Dũng “Đê tiện” đã tung hứng trên sân khấu khi kịch bản vừa hoàn thiện trước đó 30 phút và chưa kịp thuộc lời thoại.

"Quỷ" Hiếu "Thịt chó" (trái) trong hậu trường Hội diễn STCo năm 2005. Ảnh: C.T.

Những “Quỷ” khác như: Bùi Anh Tuấn, Lê Hải Yến, Nguyễn Hoàng Cương, Nguyễn Tiến Thạch, Nguyễn Ngọc Anh, Trịnh Ngọc Biên, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Lâm Hoàng Sơn cũng để lại những ấn tượng không nhỏ trong ký ức của người FPT.

Nhưng dường như dấu ấn của các Viện, Tiên, Quỷ ngày càng nhạt phai. Những thế hệ cựu trào đã mai danh ẩn tích. Nếu có xuất hiện, họ đều ở vai trò người “cầm cân nảy mực”. Thế hệ kế tiếp cũng bận rộn với công việc kinh doanh mà buông lơi tay bút. Những lớp măng non mới nhú cũng không có môi trường lý tưởng như xưa để phát triển.

Nhiều người trong số đó cũng đã “dứt áo ra đi” hoặc tìm cho mình một môi trường khác, thuận lợi để phát triển khả năng hơn.

Tới nay, 3 trong số 8 “vị tiên” đã rời khỏi FPT, 5 trong 13 “Quỷ” đã tìm một “bờ bến” khác. Những người ở lại hầu hết đều đã lùi xa ánh đèn sân khấu. Khi được hỏi, một vài người trong Bát tiên cười nói, từ khi phong “Tiên” đến giờ, có hoạt động gì nữa đâu.

“Bây giờ tôi không còn là một cán bộ phong trào nữa, mà chuyển sang kinh doanh. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đã khiến những người như tôi đều mất dần không gian cho nghệ thuật”, Thọ “Vẩu” chia sẻ. Nhưng anh vẫn hy vọng có cơ hội tiếp tục “tỏa sáng” trên sấn khấu STCo.

Những người cùng tâm tư với Thọ “Vẩu” hẳn không ít. Người FPT cũng không nguôi nỗi mong chờ sự tái xuất của Lục viện, Bát tiên, Thập tam quỷ với các tác phẩm để đời. Đó sẽ là nguồn khích lệ tinh thần lớn lao để những thế hệ sau tiếp nối sứ mệnh “truyền lửa”.

* Lục viện:

Nguyễn Thành Nam

Nguyễn Khắc Thành

Hoàng Minh Châu

Hoàng Nam Tiến

Nguyễn Duy Hưng

Phan Quốc Việt

Lê Đình Lộc

Nguyễn Anh Quốc

Do sơ suất, trong báo Chúng ta số 32 (ngày 8/9) đăng danh sách Viện sĩ chưa đúng. Trên đây là danh sách chính xác các Viện sĩ STCo FPT. Thành thật cáo lỗi cùng các Viện sĩ và độc giả.

* Bát tiên:

Nguyễn Đắc Việt Dũng

Nguyễn Thanh Bình

Nguyễn Bạch Điệp

Trần Tuấn Việt (đã rời FPT)

Thái Thanh Sơn (đã rời FPT)

Nguyễn Hoàng Long (đã rời FPT)

Nguyễn Tiến Dũng

Phan Phương Đạt

* Thập tam quỷ:

Phạm Quang Thọ

Trần Chí Hiếu

Đinh Tiến Dũng

Lê Hải Yến (đã rời FPT)

Bùi Anh Tuấn

Trần Sỹ Nam

Nguyễn Văn Hưng (đã rời FPT)

Nguyễn Tiến Thạch (đã rời FPT)

Lâm Hoàng Sơn

Nguyễn Ngọc Anh (đã rời FPT)

Trịnh Ngọc Biên

Nguyễn Hoàng Cương (đã rời FPT)

Nguyễn Hoàng Anh Tuấn

Thùy Lâm

Ý kiến

()