Chúng ta

Tổng Tài mê hoa

Chủ nhật, 14/2/2016 | 14:27 GMT+7

TGĐ FPT IS Phạm Minh Tuấn có một đam mê phong nhã là chơi lan. Với anh, việc được chăm chút và thưởng lãm những nhành lan mới nở đã trở thành đam mê bất tận.

Ở FPT, không nhiều người biết anh Tuấn mê hoa, mà lại là hoa lan. Chỉ bạn bè thân cận hoặc cộng sự gần gũi được mời đến nhà hay trong lúc trà dư tửu hậu ngồi nghe anh thao thao bất tuyệt kể về các loài lan mới biết được tình yêu anh dành cho “nữ hoàng của các loài hoa” thế nào.

Tình yêu của anh với loài hoa này được nảy nở vào năm 2009. Trong một dịp lễ, anh Tuấn được chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT, tặng một giò lan quý. Khi ấy, dù chưa hiểu gì về lan, nhưng trước vẻ đẹp vừa mong manh mà vẫn đầy thanh tao, gần gũi, anh Tuấn đã hoàn toàn bị… đánh gục. 

Moi-dip-tet-den-anh-Tuan-luon-treo-nhieu

TGĐ FPT IS Phạm Minh Tuấn đã sưu tầm được gần 400 gốc lan cho khu vườn của mình.

“Nhìn đóa hoa lan ấy, trong lòng tôi cảm thấy thư thái và rất bình yên. Đó là cơ duyên khiến tôi nảy sinh mong muốn mãnh liệt là phải tìm hiểu và có thêm thật nhiều loài lan khác”, anh Tuấn nhớ lại.

Tự nhận mình chơi lan kiểu nghiệp dư nên anh Tuấn không nghiên cứu sâu đặc tính của từng loài hay cách chiết, ghép ra sao mà thích sưu tầm nhiều loại, miễn là dễ đơm bông và có hương thơm để quanh nhà lúc nào cũng có hoa.

Càng tìm hiểu, anh càng say mê. Nào là giống lan Denro dễ tính, Vũ nữ kiêu sa, Lục bình khó ra hoa cho đến loài Cataya hoàng đế hay lan Hồ điệp đẹp nhưng đỏng đảnh, khó chăm. Mỗi loại hoa có một nét riêng, không loại nào giống loại nào. Thoạt mới chơi, anh như lạc vào mê trận, đắm chìm và yêu một cách rất bản năng. Sau này thành thạo, anh mới chia ra thành các loại lan rừng và lan công nghiệp, rồi tùy theo đặc tính của chúng mà chăm sóc. Theo anh, lan công nghiệp dễ kiếm và phù hợp với khí hậu ở miền Nam hơn lan rừng. Chúng cũng dễ trồng và dễ ra hoa. Còn lan rừng tuy đẹp và độc nhưng lại “đỏng đảnh”, khó tìm và yêu cầu chăm sóc cũng cao hơn. Hiện trong vườn nhà anh có một số loài lan rừng quý như Đai Châu (thường ra vào mùa xuân, hay nở dịp tết), Hoàng Thảo, Dã Hạc…

Lan-kieu-vuong.jpg

Lan Kiều vuông khoe sắc.

“Nhiều người thấy phong lan thường bám vào các cành cây, hốc đá nên nghĩ rằng lan là một loại tầm gửi nhưng thực ra không phải. Lan chỉ bám vào đó để sống và hấp thụ những tinh chất thiên nhiên do hoa, lá cây đã mục, phân chim và các tinh thể khác tạo thành. Đó là lý do không chỉ tôi mà nhiều người coi hoa lan là loài hoa vương giả vì thanh tao và cao quý”, anh lý giải.

Theo anh, hoa lan tuy “liễu yếu đào tơ” nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Nếu để chúng sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt thì khả năng sinh tồn cao và ngược lại càng chăm chút kỹ lưỡng thì dễ chết vì bội thực.  “Lan cũng như thiếu nữ, có lúc cần đối xử mềm mỏng, có lúc cần cứng rắn thì mới có thể chinh phục được nàng”, TGĐ FPT IS đúc kết.  

Do thời tiết đặc thù trong Nam nắng nóng quanh năm nên anh Tuấn đã đầu tư hẳn một vòm mái che với giàn tưới hiện đại. Lo việc phân bón giả có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của lan, nên anh cũng phải tìm hiểu cả hàng bán phân quen biết hoặc đặt qua các mạng nước ngoài gửi về rồi mới yên tâm chăm bón. Theo anh, để có được một giàn lan tốt, trước tiên phải chọn được một địa điểm tốt, đáp ứng được hai yếu tố quan trọng là có nắng và gió, môi trường phải ẩm nhưng không ướt thì cây mới phát triển và nở hoa.

“Hoa lan nếu được giữ đúng nhiệt độ và ẩm độ có thể còn được nguyên hương, nguyên sắc từ hai tuần cho đến hai tháng. Có những loài lâu đến 4 tháng. Có loài nở hoa liên tiếp quanh năm. Nhưng cũng có loại chỉ một hai ngày đã tàn phai”, anh Tuấn cho biết.

Lan-Cattleya_1455350373.jpg

Lan Cattleya có vẻ đẹp đài các, kiêu sa và đặc biệt có mùi hương rất quyến rũ.

Gần chục năm chơi hoa, TGĐ FPT IS đã sưu tầm được khoảng 400 gốc lan cho khu vườn của mình. Đây không chỉ là các giống lan quý của Việt Nam mà còn được anh đặt về từ Mỹ, Nhật, Đài Loan. Cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi là anh lại lên các trang mạng hay diễn đàn cây cảnh để tìm hiểu. Có lần, để đặt được giò lan mà anh mất nguyên nửa tháng không ngủ được, thấp thỏm cho đến khi được ngắm tận mắt, sờ tận tay.

“Chơi lan không khó và mất công như mọi người thường nghĩ, chỉ cần hiểu đặc tính của chúng thì ai cũng tự trồng và chăm sóc được vì hiện nay khoa học hiện đại, có rất nhiều công cụ hỗ trợ người yêu hoa thỏa mãn đam mê”, vị TGĐ bật mí.  Với anh, cảm giác mỗi sáng thức dậy chạy ra vườn ngắm lan rồi chăm chú tìm xem nụ hoa hôm trước đã trổ bông chưa cũng hồi hộp và háo hức không kém việc chờ đợi một đứa con chào đời.

Làm việc ở Hà Nội dài ngày nên cứ cuối tuần, dù bận đến mấy, nếu không có lịch hẹn quan trọng anh Tuấn đều đặt vé bay về, trước là thăm vợ con, sau là chăm bẵm vườn lan. “Việc đầu tiên khi về đến nhà là tôi chạy ra thăm vườn dù ngày hay đêm muộn. Sau một tuần trở về, việc đưa mắt quan sát lần lượt từng chậu lan, xem những bông hoa dần hé mở, hay chỉ cần phát hiện cây nào nảy nở thêm một nhánh mới cũng làm tôi xúc động”.

“Nghiện” lan là vậy nên chỉ cần nghe ai mách nhẹ ở đâu có giống lan quý, anh cũng lặn lội tìm cách mua cho bằng được. Rồi mỗi ngày, đến chương trình dự báo thời tiết, dù đang rất bận rộn anh cũng phục xem để nhỡ có mưa còn báo cho người nhà xịt thuốc tăng trưởng, chống ẩm ướt cho lan.

Vợ anh dù không trực tiếp trồng lan nhưng cũng mê lan không kém chồng. Biết chồng thích ngắm hoa nên mỗi lần lan trổ bông là chị lại lấy máy chụp lại rồi gửi cho anh. “Có loài lan nở hoa cả tháng nhưng đẹp nhất chỉ vào những khoảng thời gian nhất định, cũng giống như người phụ nữ, chỉ đẹp nhất ở những khoảnh khắc khác nhau trong đời”, anh dí dỏm ví von.

Mỗi dịp cuối tuần, gia đình anh lại làm tiệc trà, ngồi thưởng thức dưới những giò lan thơm thoang thoảng. Khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc đó đã tiếp thêm động lực cho anh trước khi bước vào một tuần mới.

Bình Nguyên - Thanh Tùng

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()