Chúng ta

Tân Trưởng Ban FUN: 'Chúng tôi tâm huyết với văn hóa FPT'

Thứ năm, 17/4/2014 | 13:05 GMT+7

"Người FPT đã từng ngày chứng kiến sự trưởng thành của một ngôi sao nhưng có lúc quên đi nhiều ngôi sao tiềm năng khác. Nay FUN có nhiệm vụ thắp sáng các ngôi sao đang tiềm ẩn khắp nơi trong tập đoàn. Đó cũng là một thách thức lớn", Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Lê Đình Lộc chia sẻ.
> Đinh Tiến Dũng: 'Tôi với FPT chỉ tạm 'ly thân'' / Anh Lê Đình Lộc làm Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT

Tân Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể được đánh giá là có đủ khả năng đảm nhận việc vun đắp và phát triển văn hóa FPT. Anh là người hỏm hỉnh, uyên bác, trí thức và rất hiểu FPT vì đã có rất nhiều năm đồng hành cùng tập đoàn.

Anh Lê Đình Lộc trao đổi với Chúng ta về kế hoạch, dự định trong công việc chăm lo tinh thần cho hơn 17.000 người FPT.

a

Anh Lộc bắt đầu đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT từ ngày 4/4 thay cho anh Đinh Tiến Dũng. Ảnh: FB.

'Làm văn hóa tinh thần không thể vội và ôm đồm'

- Cảm xúc của anh ra sao khi ngồi vào "ghế nóng" Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN)?

- Thú thật là khi TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc ngỏ ý điều động tôi về làm Trưởng Ban FUN, tôi thấy cũng hơi ngại. Gần 3 năm qua, tôi quen lặng lẽ âm thầm làm việc trong một nhóm nhỏ để triển khai một số dự án của FPT ít người biết đến. Nay nhận nhiệm vụ này tôi sẽ phải thường xuyên báo cáo, họp giao ban, làm chiến lược, bảo vệ kế hoạch, nhân sự...

Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với các bạn FUN, các chủ tịch công đoàn, cán bộ ngành dọc thì tôi toàn gặp người thú vị và yên tâm hơn về công việc sắp tới dù không biết mình có làm được gì hay ho hơn không.

- Đảm nhận nhiệm vụ mới, theo anh những khó khăn, thách thức mình sẽ gặp phải là gì?

- Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, đội tuyển bóng đá Argentina xây dựng đội hình, lối chơi, chiến thuật... tất cả đều xoay quanh kỹ thuật điêu luyện và biến hóa của Maradona. Khi ngôi sao bóng đá này rời sân cỏ, Argentina phải điều chỉnh ngay lại lối chơi mới để phù hợp với thực tế, đội bóng phải thay đổi lối chơi và dựa vào sức mạnh tập thể.

Khi Trưởng ban tài hoa Đinh Tiến Dũng không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động văn hóa FPT, thì thách thức đầu tiên của FUN là phải điều chỉnh lại tư duy và công việc. Trước kia, nhiều hoạt động văn hóa lớn cấp tập đoàn dựa vào ý tưởng sáng tạo và tài năng của một ngôi sao thì nay các hoạt động này cần có sự tham gia ý tưởng và hoạt động của đông đảo quần chúng nhiệt huyết.

Người FPT đã từng ngày chứng kiến sự trưởng thành của một ngôi sao (Đinh Tiến Dũng - PV) nhưng có lúc quên đi nhiều ngôi sao tiềm năng khác. Nay FUN phải có nhiệm vụ thắp sáng các ngôi sao đang tiềm ẩn khắp nơi trong tập đoàn. Đó cũng là một thách thức lớn của FUN.

a

Sau khi nhậm chức, anh Lộc (ngoài cùng bên trái) đã có nhiều cuộc họp với cán bộ văn hóa các đơn vị thành viên. Ảnh: Lê Đạt.

- Được coi là một trong những “viện sĩ xuất sắc nhất của FPT” nhưng lại chưa từng tham gia làm quản lý văn hóa, anh có tự tin mình sẽ làm tốt công việc này?

- Tôi nghĩ “viện sĩ” chẳng có liên quan lắm đến việc quản lý. Ở đây cũng có tý may rủi. Nếu “cô thương” thì công việc sẽ suôn sẻ.

Hoạt động văn hóa tại FPT có truyền thống chủ yếu dựa trên sự sáng tạo. Mà muốn luôn có sáng tạo thì phải dựa vào đông đảo người FPT. Nếu tôi huy động được đông đảo người FPT vui vẻ tham gia các hoạt động văn hóa thì tôi sẽ thành công.

- Anh đánh giá thế nào về các hoạt động văn hóa của FPT hiện nay?

- Hoạt động văn hóa FPT hiện nay phong phú hơn, đa dạng hơn trước kia. Ngoài các sự kiện truyền thống cấp tập đoàn thì tôi thấy mỗi một sự kiện của công ty thành viên đều mang đậm chất văn hóa, như các lễ kỷ niệm thành lập chi nhánh, sum-up, Ngày Công nghệ hay Ngày Phụ huynh, Open Door Day của FPT Software...

Các sự kiện văn hóa, thể thao của FPT ngày càng mang tính chuyên nghiệp. Chúng ta có Đoàn Văn công, có phòng thu âm, ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ... Tuy nhiên, hàm lượng chuyên nghiệp càng tăng trong các hoạt động văn hóa thì có vẻ bắt đầu thiếu đi sự hào hứng tham gia của đông đảo quần chúng nghiệp dư. Nếu kết hợp được yếu tố chuyên nghiệp với yếu tố quần chúng thì có lẽ các hoạt động văn hóa trong FPT sẽ vui hơn.

- Văn hóa FPT là chất keo gắn kết người FPT. Tuy nhiên dường như hiện nay “chất keo” đó đã mai một đi ít nhiều. Theo anh, cần phải làm gì để văn hóa FPT có thể phát triển hơn?

- Toàn câu hỏi khó! Công ty đã có hơn 17.000 người thì chất keo gắn họ với nhau chắc chắn sẽ khác nhiều chất keo gắn 500 người như 15 năm trước. Tuy nhiên, điều cơ bản gắn kết người FPT với nhau có lẽ không thay đổi. Đó là sự chia sẻ và cùng tham gia các sự kiện. Xưa kia toàn FPT cùng đi nghỉ mát, họp tổng kết, cùng nhau hội làng và tất cả đều có vé xem Hội diễn 13/9. Những sự kiện này là dịp người FPT được chia sẻ với nhau mọi vấn đề. Năm 1996 thậm chí có 1/3 số lượng người FPT lên sân khấu hội diễn.

Ngày nay có hơn 17.000 người FPT. Không thể tổ chức các sự kiện offline cho tất cả. Chúng ta sẽ phải tìm hình thức khác để chia sẻ và truyền tải các thông điệp cho nhau, nhất là trong thời đại công nghệ. FUN cũng phải có sứ mệnh đưa mọi hoạt động văn hóa, đoàn thể tới từng cán bộ nhân viên và kêu gọi sự tham gia của mỗi người FPT.

Một điều tôi muốn nói thêm là văn hóa FPT chưa hề mất đi hay suy giảm mà vẫn đang phát triển theo xu thế thời đại. Người FPT vẫn đang làm việc hết mình, chơi thể thao, hát hò, uống bia với nhau, thường xuyên tranh cãi... Tôi chưa biết như thế nào thì được gọi là văn hóa phát triển hơn. Nhưng theo tôi, chúng ta càng tổ chức được nhiều sự kiện, nhiều sân chơi để người FPT tự vui, tự sướng với nhau thì ắt là cả công ty vui. Mà cả công ty vui thì chắc là mọi người càng gắn bó với nhau. Thế là tốt nhất rồi.

a

Anh Lộc là người yêu thích các hoạt động văn hóa của FPT và luôn hưởng ứng một cách nhiệt tình. Ảnh: Nguyễn Hương.

- Trong thời gian tới, FUN có dự định và kế hoạch gì, thưa anh?

- Các hoạt động văn hóa, thể thao mang tính truyền thống của FPT vẫn sẽ được duy trì với nỗ lực sáng tạo hơn, nhiều người tham gia hơn.

FUN có nhiều dự án văn hóa đang dang dở. Tôi và các cán bộ văn hóa, đoàn thể ngành dọc cùng nhau xem xét và phân tích những dự án mang tính khả thi, phù hợp với chiến lược, con người FPT để đề xuất lãnh đạo tập đoàn cho triển khai tiếp. Những dự án chưa phù hợp với thực tế FPT, chưa chuẩn bị chu đáo thì chưa vội làm. Theo tôi, làm văn hóa liên quan nhiều đến tinh thần con người, không thể vội và ôm đồm. Nếu làm không kỹ sẽ phản tác dụng.

FUN cũng đang tìm ý tưởng tạo các sân chơi thường xuyên cho đông đảo người FPT. Trước mắt, chúng tôi sẽ cho ra mắt “kênh truyền hình” FUN 4 FUN. Đây là nơi tập hợp thông tin về hoạt động, con người và mọi sinh hoạt trong FPT... Các thông tin sẽ được truyền tải dưới hình thức giản dị, gần gũi với người FPT, dễ tiếp thu, dễ hiểu và dí dỏm.

Chúng tôi dự định phát động tất cả người FPT ở các bộ phận tự làm tin, tự viết kịch bản, tự quay hình... Nhân vật trong các bản tin là người bình thường trong FPT. FUN sẽ giúp biên tập, dựng phim, trau chuốt và chịu trách nhiệm phát hình cho đông đảo người FPT xem.

Ngoài ra, những người làm công tác văn hóa - đoàn thể chúng tôi cũng phải tìm cách tự tạo niềm vui cho nhau. Vì rằng nếu chúng tôi vui thì hoạt động văn hóa của tập đoàn chắc chắn sẽ vui. Chúng tôi không chỉ là những nhân viên thuộc FUN mà là đông đảo những cán bộ tâm huyết cho hoạt động văn hóa, đoàn thể của FPT ở mọi miền và các văn phòng trên thế giới.

a

Anh Lộc cho rằng mình không phải là người biết cách ăn nói thuyết phục, càng không phải là người hoạt ngôn. Ảnh: NVCC.

'Tôi luôn là diễn viên tồi'

- Nguyên Trưởng Ban Đinh Tiến Dũng cho rằng anh rất "xứng đáng với vai trò đại diện của văn hóa FPT, vừa có chút thông minh, tếu táo của dân kỹ thuật, vừa có chút hóm hỉnh, uyên bác của giới trí thức... Quan trọng nhất là trong anh thấm đẫm chất và hồn của người FPT”. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Anh Dũng chắc là vội vàng ra đi nên chắc cũng vội vàng giới thiệu tôi với những câu văn mượt mà như vậy với lãnh đạo FPT. Về “hóm hỉnh, uyên bác và trí thức” thì tôi có thể kể ra đến hàng trăm người FPT. Về “thấm đẫm chất và hồn của người FPT” thì tôi cũng có thể kể ra đến vài chục bạn trẻ hơn tôi rất nhiều trong FPT.

Có 3 lý do mà lãnh đạo chọn tôi làm Trưởng Ban FUN mà tôi nghe nói thế, đó là: Chưa thấy ai nhận việc này sau khi Dũng quyết định rời FPT; Đã làm lâu năm nên có vẻ quen biết nhiều người và được nhiều người biết; Cũng có ít nhiều đóng góp cho văn hóa FPT.

- Là người thâm trầm, ít nói nhưng cũng rất hài hước, vui vẻ, anh có thấy bản thân mình là người nhiều mâu thuẫn?

- Tôi thật sự không phải là người biết cách ăn nói thuyết phục, càng không phải là người hoạt ngôn. Suy nghĩ có thể nhiều nhưng nhiều khi không biết truyền tải ra thành lời. Chỉ vậy thôi! Không có mâu thuẫn bản thân gì đâu.

- Sở hữu rất nhiều tài lẻ được mọi người biết đến như ghép nhạc STCo, viết kịch bản, đạo diễn và thậm chí cả diễn viên…Anh còn tài lẻ nào mà người khác chưa biết đến?

- Tôi không có tài lẻ đâu! Tôi là người nghe nhạc nhiều, đọc tiểu thuyết nhiều và xem phim cũng rất nhiều. Do không biết chơi đàn nên phải ghép nhạc. Viết kịch bản cũng bị ảnh hưởng của việc đọc sách nhiều. Thế thôi! Còn tôi luôn là diễn viên tồi. Tôi mới chỉ lên sân khấu Hội diễn FPT hai lần.

- Ngoài công việc, khi rảnh rỗi anh thường làm gì?

- Đọc sách và xem phim là sở thích của tôi.

- Triết lý sống nào khiến anh tâm đắc và thường thực hiện theo?

- Thôi câu này không dám trả lời. Nói ra sợ mọi người bảo ham vui.

Theo quyết định của Chủ tịch HĐQT FPT, anh Lê Đình Lộc được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT trong thời gian 3 năm (2014-2017), kể từ ngày 4/4 thay cho anh Đinh Tiến Dũng. Anh Lộc sẽ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công từ Ban điều hành FPT.

Tân Trưởng ban FUN sinh năm 1961, tốt nghiệp ĐH Xây dựng Hà Nội. Anh gia nhập FPT từ năm 1996 và từng kinh qua các vị trí Phó TGĐ FPT Land, Phó TGĐ FPT Hòa Lạc.

Tên tuổi của anh Lộc đã vượt ra khỏi biên giới FPT và được nhiều người biết trong vai trò là đồng tác giả kịch bản Gặp nhau cuối năm do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

Bình Nguyên thực hiện

Ý kiến

()