Chúng ta

Tản mạn về Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ tư, 10/7/2013 | 17:22 GMT+7

Cơ duyên đến với Thổ Nhĩ Kỳ thật tình cờ và hoàn toàn không nằm trong dự liệu. Nhận lời mời của Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn cán bộ FPT City đã tới Istanbul tham quan và tìm hiểu thành phố cùng các công ty xây dựng hàng đầu thế giới tại đây.
> Thổ Nhĩ Kỳ qua tay máy người FPT

Hình dung của tôi về đất nước và con người nơi đây thật mơ hồ qua những trang viết của Azit Nexin trong “Những người thích đùa” và “Vua bóng đá”. Đó là những câu truyện đã được đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần thời thơ ấu, cái thời mà trẻ con vớ được một cuốn truyện để đọc nó mới quý làm sao, bất kể là truyện gì, mà nhiều khi đọc xong chưa chắc đã hiểu hết ý tứ của tác giả.

a

Đoàn cán bộ FPT City đã đi sang Istanbul tham quan và tìm hiểu.

Cộng thêm với sự quan tâm một cách hời hợt rất đặc trưng của đàn bà về môn lịch sử và địa lý chính trị, chỉ biết loáng thoáng Thổ Nhĩ Kỳ là điểm giao thoa giữa châu Âu và châu Á, nơi từng tồn tại đế chế Ottoman hùng mạnh chinh phục cả châu Âu, có di tích thành Troy với nàng Helen xinh đẹp… Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để khiến nơi đây trở thành điểm đến gây sự tò mò không thể chối từ, bất kể những cảnh báo về các cuộc biểu tình đang diễn ra rầm rộ theo mô tả của báo đài.
 
Máy bay của hãng hàng không Emirates khởi hành từ Dubai hạ cánh xuống sân bay Istanbul lúc 3h chiều. Khác với sự nguy nga tráng lệ của sân bay Dubai, sân bay Istanbul hiện ra khá khiêm tốn và giản dị. Nhưng khi vào đến khu vực Passport Control, ngay lập tức ta quên mất cái sự giản dị ấy bởi một lượng khách khổng lồ xếp hàng dài làm thủ tục nhập cảnh.

Có lẽ, không một sân bay nào trên thế giới lại hội tụ đầy đủ sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, màu da, chủng tộc như ở Istanbul: Da trắng, da đen, da vàng, đông Âu, tây Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Đại dương, đạo Hồi, đạo Thiên chúa, đạo Phật, người béo, người gầy, người lịch lãm, người kỳ dị… đều đủ hết.

Chính cái sự đa dạng ấy làm cho một tiếng rưỡi đồng hồ xếp hàng làm thủ tục trở nên không quá tệ hại vì cứ quan sát hết đám nọ sang đám kia cũng thấy thú vị. Sau này tìm hiểu thêm mới biết hóa ra Istanbul là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới với lượng khách nước ngoài hơn 7 triệu người mỗi năm.
 
Người Thổ thật tài tình trong việc gìn giữ những giá trị lịch sử. Một triều đại mới lên nhưng vẫn tôn trọng và bảo tồn những tinh hoa về văn hóa, kiến trúc mà các triều đại trước đã gây dựng. Đi trong thành phố ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức tường cổ rêu phong hay những tảng đá còn sót lại xen kẽ một cách hòa bình với các kiến trúc hiện đại.

Sự dung hòa của người Thổ đã làm nên sức hấp dẫn riêng biệt của Istanbul khi ở đâu ta cũng có thể gặp sự đan xen về văn hóa và kiến trúc giữa châu Âu và châu Á, giữa cũ và mới, giữa lịch sử và hiện đại, giữa sự rực rỡ và cả những cái xấu.

a

Ngôi chợ cổ Grand Bazaar.

Quận Sultanahmet với cung điện Tokapi - nơi ở của các vị vua triều đại Ottoman trong suốt 400 năm, nhà thờ Thiên chúa giáo Aya Sofya, thánh đường Hồi giáo Blue Mosque, khu phố Beyoglu hay ngôi chợ cổ Grand Bazaar là những điểm không ai có thể bỏ qua khi đến với Istanbul.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ là thừa nếu sa đà vào việc miêu tả vẻ đẹp của những điểm tham quan này khi ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trên mạng hay trong các cuốn cẩm nang du lịch. Một điều hơi tiếc trong lần đi này do thời gian quá ngắn nên đoàn đã không có cơ hội thực hiện chuyến đi ra Biển Đen. Tuy nhiên, chuyến du ngoạn trong ánh nắng chiều tà trên kênh Bosphorus nối liền Biển Đen và biển Marmara dưới sự hướng dẫn của nhiệt tình anh chàng hướng dẫn viên người Thổ có mái tóc dài lãng tử đã phần nào được bù đắp.

a

Nơi đây là thiên đường cho fan của món thịt nướng.

Với những người có tâm hồn ăn uống như mình thì ẩm thực luôn là một cái thú khám phá trong những chuyến đi xa. Những món ăn của người Thổ được chế biến không quá cầu kỳ để hương vị gốc còn được lưu giữ lại và là một sự tính toán khoa học với đầy đủ thành phần dinh dưỡng. Mặc dù thịt lợn hoàn toàn không tồn tại trong menu nhưng với những ai là fan của các món nướng thì đây quả là thiên đường.

Sang đây mới biết hóa ra món phổ biến nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “Doner Kebap” mà là Kofte, một loại thịt nướng ăn kèm bánh mỳ. Ngoài ra, còn học thêm được một chiêu chữa cảm gió rất hay của người Thổ là cho uống sữa chua pha muối và dùng đá lạnh để áp vào gáy khi bị cảm. Sữa chua được sử dụng rất nhiều trong các bữa ăn hằng ngày của người Thổ, nó có thể là một loại nước uống giải khát hoặc được pha chế thành các món sốt tuyệt hảo trên bàn ăn.
 
Một trong những đặc điểm vô cùng ấn tượng khi đến Istanbul là khả năng lái xe của các bác tài. Các pha phóng xe hơn 100km/h trên đường lớn hay lạng lách vô cùng điêu luyện trong những con phố cổ chật hẹp khiến ta có cảm giác hưng phấn như đang được đóng vai trong bộ phim hành động Taken 2.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là mỗi khi hai xe suýt va vào nhau, các bác tài xế chỉ nói với nhau vài câu bằng âm sắc rất mềm mỏng và thậm chí còn cười xòa rồi đi tiếp. Với dân số 15 triệu người, giao thông ở Istanbul quả là một vấn đề và thường xuyên gặp phải tình trạng tắc đường, nhất là ở khu trung tâm. Chắc cũng vì lý do này nên mỗi khi đường thông hè thoáng, các bác tài lại tranh thủ tăng tốc để bù lại thời gian. Nhưng có được trải nghiệm cái sự tắc đường này mới càng thấy khâm phục tính kiên nhẫn và hòa nhã của người Thổ. 
 
Bản thân mình trước chuyến đi này cũng không có nhiều thiện cảm lắm với người Thổ vì theo hình dung thì họ là những người giảo hoạt, hơi ma lanh và có phần hung dữ. Đúng là người ta có thể dễ dàng có định kiến với ai đó khi chưa hiểu nhau, thiếu thông tin về nhau. Đa phần người bản xứ mình gặp trong suốt hành trình đều là những con người hòa nhã, hiền lành và cởi mở.

Khi biết đoàn đến từ Việt Nam, mọi người đều tỏ vẻ ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Người Thổ khiến cho ta có cảm giác họ khá quý mến Việt Nam mới lạ. Đàn ông Thổ có gương mặt điển trai và đầy nam tính. Ở họ toát lên sự mạnh mẽ của đàn ông châu Âu, sự ga lăng lãng mạn của đàn ông vùng Địa Trung Hải và một chút gia trưởng của đàn ông châu Á. Phụ nữ Thổ trông hiền lành phúc hậu và có xu hướng thời trang khá cởi mở, lâu lâu mới gặp các nhóm chị em mặc áo choàng đen che kín ngoài đường.
 
Mặc dù không được chính thức công nhận là quốc đạo nhưng đạo Hồi là tôn giáo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một ngày tín đồ đạo Hồi cầu nguyện 5 lần nên cứ vào các giờ nhất định trên khắp các đường phố lại vang lên tiếng hát cầu nguyện qua hệ thống loa mà mỗi lần nghe lại cho mình có cảm giác phiêu dạt về mấy nước Trung Đông cằn cỗi nắng gió.

Tuy nhiên, với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thì xem ra đạo Hồi ở đây không quá hà khắc. Quay sang hỏi Selman, cậu hướng dẫn của Công ty VT Travel Plus rất rành tiếng Việt và có gương mặt làm gợi nhớ đến nhân vật Brody trong Homeland là đàn ông đạo Hồi ở đây có lấy nhiều vợ không, cậu ấy bảo theo như được biết thì chưa thấy ông nào có hơn một vợ cả (bản thân cậu ấy cũng theo đạo Hồi). Chắc nuôi một bà cũng đã đủ chết mệt rồi. Thế là đập tan hy vọng của ai đó định kiếm thêm ba cô Hồi giáo cho đủ 4 bà.

Từ trước đến nay vốn không mấy cảm tình với đạo này nhưng sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ thì bản thân cũng đã phần nào bị thay đổi quan điểm. Chính nền tảng luật lệ nghiêm ngặt của đạo Hồi khiến cho người đàn ông rất có trách nhiệm với gia đình, ít xảy ra ly hôn, hiếm khi có trộm cắp vặt, việc uống rượu bia bị cấm, vì vậy cũng làm hạn chế rất nhiều tình trạng tai nạn giao thông mặc dù các bác tài biểu diễn như xiếc trên đường.
 
Lại nhắc đến chuyện biểu tình - một trong những nỗi lo của mọi người ở nhà, ngày đầu tiên đến Istanbul, mấy anh em trong đoàn đều háo hức muốn xem cảnh biểu tình để được biết cái nền văn minh dân chủ phương Tây nó ra làm sao. Khổ nỗi, đi mãi, ngó nghiêng mãi những điểm nóng từ ngày đầu tiên đến ngày cuối ra về cũng chỉ có một lần duy nhất được chứng kiến nhóm người biểu tình gồm cả người già, người trẻ, phụ nữ, trẻ em tay cầm cờ tung tăng đi ngoài đường. Nhìn họ ta dễ nhầm tưởng với các cổ động viên bóng đá đang cổ vũ cho đội nhà. Thế mới càng thấy các phương tiện truyền thông tài thật.
 
Một điều không thể phủ nhận người Thổ đặc biệt tài giỏi trong kinh doanh và chữ tín luôn được coi trọng. Sang đây mới biết Thổ Nhĩ Kỳ chính là công xưởng sản xuất tất cả các mặt hàng cho các nước châu Âu từ thời trang cho đến các sản phẩm gia dụng, vật liệu xây dựng, nội thất. Dưới bàn tay khéo léo tài hoa của người thợ, các sản phẩm dù là đơn giản nhất cho đến phức tạp đều mang tính mỹ thuật cao và chất lượng tuyệt hảo.

Grand Bazaar, khu chợ cổ hơn 500 năm tuổi là nơi ta có thể cảm nhận rõ nét tài nghệ và kỹ năng bán hàng của người Thổ. Ngôi chợ có hơn 4.000 gian hàng và chia thành các khu chuyên bán vàng bạc trang sức, khu bán chén đĩa, khu bán đồ mỹ nghệ bằng đồng và pha lê, khu bán đèn, khu bán thảm, khu bán đồ da…

Một điều đặc biệt là không hề có bóng dáng phụ nữ bán hàng. Những người đàn ông Thổ từ già đến trẻ thật khéo léo trong việc chào mời khách hàng và cái cách chào mời của họ cũng thật phong phú. Anh A chuyên nghiệp: “Chào công chúa, cô đến từ nước nào vậy? Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Đài Loan...” (tóm lại liệt kê một series nước mà chả có Việt Nam nên khỏi bước vào). Anh B nhẫn nại: “Hãy dành cho tôi một phút thôi nào, đừng đi nhanh như vậy, tôi chỉ muốn giúp cô thôi chứ không làm điều gì có hại cho cô đâu”. Anh C dẻo mỏ: “Em làm tan vỡ trái tim anh rồi, tại sao em có thể mặc cả một cái giá thấp như vậy”. Anh X ngồi im một đống không thèm chào mời: “Làm ơn đừng trả giả, tôi mới ốm dậy, cô không thấy mặt tôi mệt mỏi vì nghe khách hàng mặc cả à” (ấy thế mà lại bán cho khách được khối). Cụ Y cổ điển (hào hứng vẫy tay khi thấy mình quay lại): “Vì rất có thiện cảm với gương mặt của quý cô nên tôi đồng ý mức giá lúc nãy quý cô trả cho cái túi”…

Những người đàn ông Thổ khiến cho ta bội thực bởi những lời có cánh nên một khi đã bước vào gian hàng của họ thì khó lòng mà bước ra tay không. Dù trong túi bạn có nhiều tiền hay ít, thế nào họ cũng tìm cho bạn được một món đồ nào đó vừa ý và vừa đúng với túi tiền của bạn. Cái cách bán hàng của họ dễ thương đến mức mà đến khi bước ra khỏi gian hàng, dù trong lòng các thượng đế còn chút lăn tăn không biết mình có bị mua hớ hay không thì cũng dễ dàng tặc lưỡi cho qua. Một cái đĩa sứ trang trí xinh xắn, một cái áo da mềm mượt và nhẹ bẫng hay vài món đồ mỹ nghệ tinh xảo bằng đồng là những thứ bạn khó có thể chối từ khi đến khu chợ này. Và kể cả khi bạn là người mua hàng thận trọng và quyết định bước ra tay không thì cái cảm giác đi trong khu chợ được tái hiện trong Skyfall của James Bond cũng thật tuyệt vời.
 
Bốn ngày ở Istanbul dường như quá ngắn và mới chỉ đủ để gợi lên biết bao điều tò mò muốn khám phá thêm về đất nước và con người Thổ Nhĩ Kỳ, một nơi mà chắc chắn sẽ để lại cho bất cứ ai khi đến đây lần đầu nhiều lưu luyến khi ra về và mong ước sẽ có ngày được quay lại.

Lan Hương

Ảnh: Quốc Cường
 

Ý kiến

()