Chúng ta

Sự thật về lượng calo của bánh chưng

Thứ tư, 6/2/2019 | 15:54 GMT+7

Muốn "tiêu hết" năng lượng từ một cái bánh chưng cần phải đi bộ... 9 giờ đồng hồ.

Theo Healthplus, một chiếc bánh chưng trung bình bằng 8 bát cơm, chứa khoảng 2.500 calo.

Cụ thể, theo số liệu về calo của các loại thực phẩm được dùng làm bánh chưng trong Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam được công bố bởi Bộ Y tế, cùng trọng lượng 100 gam thì gạo nếp cái chứa: 344 kcal, 74,5 gam carb 8,6 gam protein 1,5 gam chất béo; đỗ xanh chứa: 328 kcal, 53,1 gam carb, 23,4 gam protein 2,4 gam chất béo; thịt lợn nửa nạc nửa mỡ chứa: 260 kcal, 0 gam carb 16,5 gam protein, 21,5 gam chất béo; hạt tiêu chứa 231 kcal và muối thì không chứa năng lượng.

Để làm một chiếc bánh chưng, chúng ta cần khoảng 500 gram gạo nếp cái; 150 gram đỗ xanh; 100 gram kg thịt lợn (hạt tiêu không đáng kể nên tạm không tính đến).

Như vậy, trong một chiếc bánh chưng sẽ chứa: 344x5+328x1,5+260x1= 2.472 kcal. Tính ra, mỗi chiếc bánh chưng 750 gam (chưa tính lá dong và lạt) chứa khoảng 2.500 kcal. Con số này còn cao hơn số calo cần nạp trong suốt một ngày. Nếu tính theo công thức BRM, nam giới cao 1m70, nặng 67kg mới cần hấp thụ chừng đó calo mỗi ngày.

banh-chung-xanh-nep-nuong-dien-9296-9615

Một chiếc bánh chưng trung bình bằng 8 bát cơm, chứa khoảng 2.500 calo.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) phân tích, bánh chưng là tổ hợp thức ăn rất phong phú, dễ tiêu hóa, khác với xôi. Tuy nhiên, để làm nóng lại bánh, nhiều người có thói quen rán bánh. Lúc này, bánh chưng có thêm chất béo và biến tính tinh bột dẫn đến khó tiêu.

Khi các hoạt động chân tay không tiêu thụ hết lượng calo hấp thụ, chúng chuyển sang tích tụ thành mỡ và nằm lì trong cơ thể chúng ta.

Đặc biệt, những người thừa cân hoặc có tiền sử các bệnh về tim mạch, nóng trong, khó tiêu,… nên không nên ăn quá 100gr (khoảng 2 miếng bánh) để đảm bảo vẫn được thưởng thức hương vị tết mà vẫn giữ được phần năng lượng lành mạnh cho cơ thể.

Theo bảng tính năng lượng được tiêu hao của các chuyên gia tư vấn sức khỏe, có thể thấy lượng calo trong một chiếc bánh chưng khiến chúng ta vã mồ hôi tập thể dục trong nhiều giờ. Ví dụ, nếu đi bộ với vận tốc 3km/h thì phải mất tới 9 tiếng hoặc lăn lộn dưới để bơi hơn 6,5 giờ để đưa cơ thể về trạng thái lúc chưa ăn bánh.

Theo lời khuyên của ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng), chúng ta không ăn bánh chưng rán. Việc rán bánh còn đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận hay người có tiền sử dạ dày.

Ngoài ra, chúng ta nên gói bánh chưng bằng thịt lợn nạc, gói bánh với kích cỡ nhỏ để lượng ăn giảm đi mỗi lần. Nên ăn bánh chưng vào buổi sáng và buổi trưa, không ăn vào buổi tối để tránh đầy bụng, khó ngủ. Do bánh chưng nhiều năng lượng ăn vào buổi tối dễ tích lũy, chuyển hóa thành mỡ thừa.

Bác sĩ có lời khuyên, nên ăn bánh chưng kèm dưa hành giúp tiêu hóa bánh chưng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch thì không nên ăn bánh chưng kèm dưa hành muối vì không tốt cho sức khỏe do dưa hành muối có nhiều muối.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, đối tượng cần hạn chế tối đa ăn bánh chưng bao gồm người ăn kiêng, trẻ nhỏ béo phì, người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn đường huyết, mỡ máu cao cũng cần hạn chế ăn bánh chưng. Phụ nữ đang mang thai cũng không nên ăn nhiều vì sẽ gây khó tiêu và táo bón cho thai phụ.

Ngoài ra, tham khảo bí kíp ăn uống không lo tăng cân tại đây.

>> Bí kíp ăn Tết không lo tăng cân

Hà An (tổng hợp)

Ý kiến

()