Chúng ta

Múa bóng và múa quạt lên ngôi tại Hội diễn Sao chổi Hà Nội

Thứ hai, 30/5/2016 | 10:58 GMT+7

Tiết mục "Đôi bàn tay" của FPT IS và "Em tôi" của Khối Giáo dục FPT tiêu biểu cho trí tuệ, sự sáng tạo không giới hạn của người FPT tại Hội diễn Sao Chổi với chủ đề "Xa và gần", diễn ra tại Nhà hát Âu Cơ, tối ngày 26/5.

IMG-0991-660.jpg

FPT IS truyền nhiệt huyết của cố nhạc sĩ Trần Lập cho người trẻ họ nhà F. Ảnh: Anh Tuấn.

Sau 8 năm chờ đợi (từ năm 2008), FPT IS đã chạm tay không chỉ vào chiếc cup Sao Chổi mà quan trọng hơn là vào cả trái tim của khán giả bằng sự sáng tạo và tinh thần của đồng đội.

Là cuộc thi âm nhạc quy mô lớn nhất FPT trong năm, việc lựa chọn ca khúc chiếm vai trò quan trọng nhất với sự thành bại của tiết mục. Anh Nguyễn Anh Quân (Quân "Nhớt"), FPT IS người đưa ra ý tưởng cho tiết mục của đội, bày tỏ: "Sự ra đi của Trần Lập là vô thường của cuộc sống nhưng anh đã để lại cho mọi người một ngọn lửa. Điều này được thể hiện qua liveshow cuối cùng của anh là 'Đôi bàn tay thắp lửa'. Giá trị tinh thần Trần Lập để lại cho mọi người chính là tính nhân văn sâu sắc".

Kể từ khi Bức tường chưa thành lập, anh Quân là người anh em thân thiết với Trần Lập, đến nay đã hơn 20 năm. Anh Quân cũng là người ở bên cạnh Trần Lập trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy, việc FPT IS bốc thăm ca sĩ Trần Lập tại hội diễn năm nay như một định mệnh. Và người FPT IS đã giao cho anh Quân lên ý tưởng tiết mục bởi "cảm xúc của anh về Trần Lập đong đầy". 

Anh Quân đã chọn "Đôi bàn tay" vì bài hát thể hiện thông điệp nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm khi rời cõi tạm. "Bài hát như định mệnh, Trần Lập viết cho mọi người lại chính là viết cuộc đời Trần Lập - 'phận người que diêm trước gió, biết đâu sớm mai lụi tàn'", anh Quân xúc động.

Vì vậy, khi dàn dựng tiết mục, FPT IS đã khắc họa nên hình ảnh Trần Lập từ khi ở thời khắc huy hoàng trên sân khấu tới khi chiến đấu với bệnh tật trên giường bệnh. Và người tiếp sức cho anh nhiều nhất chính là người vợ giàu nghị lực. Điều đặc biệt anh Quân đã mời vợ và con Trần Lập đến Hội diễn Sao Chổi. Chị đã nhận lời ngay vì "luôn muốn con nhớ đến bố và thấy tự hào về người cha mình dù đã mất nhưng luôn được mọi người nhớ đến và tôn vinh".

Với cảm xúc có sẵn, "hình hài" về tiết mục nhanh chóng được anh Quân vạch ra. Để đúng với tiêu chí của hội diễn là "Xa và gần" anh đã lựa chọn múa bóng để thể hiện ý tưởng ban đầu. Trong mơ hồ, bảng lảng, hình bóng của Trần Lập trở về qua tấm màn trắng gần gũi mọi người. Nhưng khi trở lại thực tế, tấm rèm trắng kéo lên chỉ còn là những tiềm thức xa xôi. Anh Quân cho rằng: "Phần trình diễn tương phản tuy xa mà gần, tuy gần lại xa đã tạo cảm xúc dâng trào nơi người xem".

Các ca sĩ, diễn viên đã hiện thực hóa thành công ý tưởng của anh Quân bằng 5 buổi tập ròng rã trước đêm diễn. Theo "bà bầu" Phùng Thanh Trang, FPT IS chỉ có vỏn vẹn 5 buổi tập kể cả buổi tổng duyệt. Đội múa dùng phòng họp ở công ty, chiếu máy chiếu lên tường làm bóng để luyện tập. 

Thổi hồn cho ca khúc chính là giọng ca vàng FPT IS Lê Nguyệt Thu và nam ca sĩ trẻ Đặng Thanh Bình. Chị Thu đã truyền cho Bình kinh nghiệm, kỹ thuật và cách thể hiện phần hồn của tác phẩm để đưa ca khúc chạm đến trái tim người nghe.

Những giọt mồ hôi đã nhỏ xuống sàn tập nhưng những điều FPT IS thể hiện trên sân khấu đã làm lay động người nghe và xứng đáng giành vị trí Quán quân sau nhiều năm chờ đợi.

IMG-0979-396.jpg

Màn múa quạt nghệ thuật của Khối Giáo dục FPT. Ảnh: Anh Tuấn.

Tiết mục "Em tôi" của Thuận Yến do Khối Giáo dục FPT (FE) trình diễn cũng thể hiện sự sáng tạo trên sân khấu Sao Chổi năm nay. 

Để lựa chọn ca khúc trình diễn tại Sao Chổi, Nguyễn Phương Thúy, "bà bầu" của Khối Giáo dục FPT (FE), mất 3 ngày để nghe hơn 40 ca khúc của Thuận Yến. Ban đầu, chị Thúy chọn ra được hai bài "Chia tay hoàng hôn" và "Em tôi". Sau đó, tiết mục giữ lại bài "Em tôi" do thay đổi về kịch bản dàn dựng.

Theo "bà bầu" FE, mọi năm, đơn vị thường đưa ra cốt truyện với tình tiết rất logic và đi sát vào thực tế đời sống. Kịch bản ban đầu, FE cũng dự định tái hiện cuộc tình sâu sắc của nhạc sĩ dành cho người vợ của mình. Sau khi bàn bạc với biên đạo, FE quyết định thay đổi cách làm an toàn và muốn thử thách để tiệm cận tới một tác phẩm ca múa nhạc chuyên nghiệp. Đơn vị đã tập trung cho một bài hát duy nhất và người nghe được thưởng thức một "Em tôi" hoàn toàn mới mẻ, cá tính, đậm chất sáng tạo của người FPT.

Với giai điệu chậm và nhẹ nhàng bay bổng của "Em tôi", FE quyết định sử dụng lụa cho dàn dựng của mình. "Bởi múa lụa đã không còn mới nên muốn sáng tạo và khác biệt, cần có gió thổi, mây trôi. Và 16 chiếc quạt xuất hiện như thế, rất trần trụi cũng rất... FE", chị Thúy cho biết. 

Đại diện FE cho rằng, việc tập luyện với dải lụa tưởng dễ mà vô cùng khó khăn. Cả đội nháo nhác đi tìm nơi tập luyện có trần nhà cao 5m, không gian đủ rộng cho vòng tròn quạt có đường kính 3m6 và đường điện tải đủ 16 chiếc quạt chạy liên tục. Khi lang thang tìm chỗ tập, chị Thúy may mắn tìm được một khu vực trống của một chung cư mới xây, thuê của ban quản lý rồi trả tiền điện theo số công tơ mét.

Sau khi giải quyết được địa điểm, vấn đề đạo cụ khiến cả đội đau đầu. Việc thuê 16 chiếc quạt sàn rất khó và chi phí mỗi ngày thuê lại vô cùng đắt đỏ. FE đã mạnh tay quyết định mua mới hoàn toàn chỉ để phục vụ việc tập luyện và lên sân khấu. "Chi phí mua quạt chiếm gần 2/3 ngân sách cho tiết mục. Vì vậy, trước khi quyết định mua, tôi đã đăng thông tin thanh lý 16 chiếc quạt này và chỉ sau một buổi chiều đã có đủ khách đăng ký. Tôi đã liều đặt mua", chị Thúy kể.

Diễn viên múa dải lụa được FE thay ba lần. Trước đêm diễn một ngày, Lương Minh Thu, sinh viên FPT Greenwich, đã được lựa chọn để chọn mặt gửi vàng. Vì quyết định nhân sự gấp gáp, trước ngày biểu diễn Hà Nội mưa lụt lịch sử. Nữ diễn viên múa chính đi từ 8h30 đến tận 12h mới tới được chỗ tập do tắc đường và ngập lụt. Người ướt, xe chết máy có lúc cô định từ bỏ ý định tham gia nhưng cuối cùng vẫn nhất quyết vượt lụt lội đến tập. Để điều khiển được dải lụa bay trong vòng tròn quạt rất phức tạp, 10 lần tập thì dải lụa bay 10 kiểu khác nhau. 16 chiếc quạt là dòng công nghiệp nên rất ồn, diễn viên vừa phải tĩnh tâm trước tiếng ồn. Múa lâu trong gió lạnh, diễn viên múa bị cảm lạnh.

Đội hậu cần rất vất vả khi vác đạo cụ vừa nhiều, vừa nặng. Buổi tập nào diễn viên cũng tập thể dục vì bê vác đạo cụ từ chỗ cất đến chỗ tập. Thêm vào đó, không gian tập không có bóng đèn, đội tự mang bóng đèn đi, cắt cử thay phiên nhau cầm cho mọi người đủ ánh sáng tập luyện.

Bên cạnh đó, FE tổ chức casting để lựa chọn ca sĩ trên diện rộng. Có gần 20 người tham gia casting nhưng Phạm Ngọc Anh, sinh viên của ĐH FPT, phù hợp nhất về ngoại hình và giọng hát theo phong cách Thanh Lam đã được lựa chọn. Nhóm bè tập luyện rất bài bản, tuy nhiên âm thanh của 4 mic bè lúc diễn hơi nhỏ dẫn đến bài hát không trọn vẹn được phần nghe.

Khối Giáo dục có nhiều địa điểm và đang mùa tuyển sinh nên cả nhóm cũng chỉ có 5 buổi tập trọn vẹn. Kết thúc chương trình, FE đã thở phào khi thể hiện tác phẩm "Em tôi" của Thuận Yến một cách chỉn chu, đẹp mắt, mang đầy tính nghệ thuật trên sân khấu ca nhạc nghiệp dư của FPT.

Kết quả Hội diễn Sao Chổi Hà Nội 2016:

- Giải Nhất: FPT IS

- Giải Nhì: FPT HO

- Giải Ba: FPT Education

- Giải Lĩnh xướng: Đào Thùy Trinh, FPT HO

- Giải Đồng ca: FPT Telecom

- Giải Dàn dựng vũ đạo: FPT Education

- Giải Hiệu ứng Công nghệ xuất sắc nhất: FPT IS

- Giải Cổ động: FPT Software

- Giải Khuyến khích: FPT Software, FPT Telecom, FPT Trading, FPT Online, FPT Retail.

Lưu Vân

Ý kiến

()