Chúng ta

Mong người FPT đến với âm nhạc truyền thống

Thứ sáu, 7/10/2011 | 09:21 GMT+7

Sức hút từ khách mời của chương trình đã khiến đông đảo người FPT không quản ngại mưa gió có mặt tại khán phòng tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy vào tối qua, 6/10 để nghe Giáo sư Trần Văn Khê chia sẻ.

Trong sự chờ đợi, mong mỏi của nhiều người, cuối cùng Giáo sư cũng xuất hiện trên xe lăn, trong bộ đồ màu đen giản dị.

dsc0079-520410-1412966301.jpg

GS Trần Văn Khê xuất hiện trong chương trình với bộ đồ màu đen giản dị. Ảnh: B.N.

Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc trong vai trò MC đã giới thiệu tóm lược về Giáo sư Trần Văn Khê và dẫn dắt khán giả bước vào chủ đề âm nhạc truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Theo anh Ngọc, âm nhạc truyền thống là vốn quý của dân tộc Việt Nam. “Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều triều đại và các biến động chính trị song đến nay âm nhạc dân tộc vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền âm nhạc đương đại cũng như văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, vẫn không thể không nhắc đến” anh nói.

Anh cũng xin phép giáo sư “đặc cách” cho anh được xưng hô với Giáo sư bằng “bác và con” cho thân mật.

Mở đầu chương trình, là những chia sẻ của Giáo sư Khê về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Giáo sư cho rằng, nếu nói về âm nhạc truyền thống có lẽ nói mấy ngày vẫn chưa hết chuyện vì thế trong khuôn khổ thời gian buổi nói chuyện có hạn nên Giáo sư sẽ tóm lược nhất những gì có thể về âm nhạc truyền thống Việt Nam để mọi người có được cái nhìn cụ thể hơn về thể loại âm nhạc này.

Giáo sư nhìn nhận, người Việt Nam từ xưa đến nay còn mang nặng tư tưởng mặc cảm, tự ti nghĩ rằng cái gì của người phương tây cũng đẹp, hào nhoáng và chúng ta cái gì cũng thua người phương tây. Nhưng thực ra không phải vậy, giáo sư đã đưa ra nhiều dẫn chứng để khẳng định cho sự giàu có, phong phú của âm nhạc Việt Nam.

Theo đó, âm nhạc truyền thống Việt Nam có truyền thống dân gian và truyền thống bác học. Truyền thống dân gian là những gì gắn liền với đời sống con người, lúc sơ sinh, khi xế chiều, mỗi giai đoạn đều có một điệu hát và mỗi sinh hoạt cũng có điệu hát.

Truyền thống bác học là phải nghiên cứu, phải tập luyện chứ không phải tự nhiên mà biết. Giáo sư liệt kê: miền Bắc có ca Trù, miền Trung có ca Huế, miền Nam có đờn ca tài tử. Trên sân khấu, miền Bắc có hát Chèo, miền Trung có hát Bội, miền Nam có hát Cải lương… Trong âm nhạc tôn giáo, tín ngưỡng còn rất nhiều điều nữa cần tìm hiểu bởi mỗi loại lại có một hình thức thể hiện khác nhau.

Hay như dân ca, tưởng bình thường nhưng thực ra lại có rất nhiều nét đẹp và ý nghĩa. Khi đứa trẻ mới ra đời, còn trong vòng tay bế ẵm của mẹ, câu hát ru của mẹ gieo vào lòng trẻ con những thi ca, âm nhạc. Câu hát ru đơn giản vậy mà mỗi vùng miền lại có những cách thể hiện khác nhau. Và để minh họa cho phần trình bày của mình, Giáo sư đã biểu diễn cách hát ru ở các vùng miền. Qua chất giọng của ông, mỗi câu hát ru đều hiện lên rất khác lạ và mang đúng bản sắc văn hóa của từng vùng miền.

Rất nhiều khán giả ngạc nhiên với phần “minh họa” lời ru của ông, ít người nghĩ rằng, vị Giáo sư đang ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” lại có thể thể hiện điệu ru theo đúng chất giọng và ngữ điệu của 3 miền Bắc- Trung- Nam tài tình đến thế.

Giáo sư cũng phân tích sự khoa học của ông cha ngày xưa khi sáng tác ra các làn điệu dân ca đều rơi vào các quãng 4, quãng 5 trong âm nhạc, đây là những quãng nhạc đem lại sự bình yên cho con người.

“Người ta cũng chứng minh được lợi ích của những điệu hò, không chỉ giúp thoải mái tinh thần, quên mệt nhọc mà còn tăng gia sản xuất, làm cho dân tộc tồn tại...” Giáo sư Khê chia sẻ.

Nói về xuất xứ cũng như cội nguồn sâu lắng của âm nhạc truyền thống, Giáo sư cho rằng âm nhạc truyền thống được truyền từ đời này sang đời kia. Mỗi lại có những sáng tác mới dựa trên nền tảng cái cũ, nếu không phù hợp sẽ đào thải, còn phù hợp sẽ được tiếp thu và chọn lọc.

Chia sẻ về sự khác biệt của âm nhạc nhạc truyền thống của Việt Nam với âm nhạc truyền thống của các nước khác, giáo sư cho rằng âm nhạc của Việt Nam có những nét rất riêng biệt, không hề giống với âm nhạc của Trung Quốc hay Ấn Độ như nhiều người thường nghĩ.

Khác nhau đầu tiên phải kể đến đó là thanh giọng. Nếu như khi hát, kép trẻ của Trung Quốc hát phải pha giọng nửa “trống” nửa “mái” thì ở Việt Nam ngược lại, đã “mái” là mái hẳn, “trống” là “trống” hẳn. Việt Nam cũng chia thành các loại giọng như giọng óc, giọng hàu , giọng đục, giọng vang, giọng mé,…

Dù đang bị khàn tiếng nhưng Giáo sư đã thể hiện cho khán giả thấy được sự khác biệt giữa chất giọng “mé”, giọng “hàu” so với các chất giọng bình thường khác và nhận được nhiều tràng vỗ tay thích thú của khán giả.

Sau phần chia sẻ của Giáo sư Khê về những nét độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam là phần biểu diễn của nghệ sỹ Khánh Vân đến từ nhóm “Tiếng hát quê hương” của TP HCM biểu diễn một điệu đàn ca tài tử.

Ngay sau đó, người FPT cũng “đáp lễ” bằng hai tiết mục đã từng giành được giải thưởng cao trong dịp Hội diễn tiền Sao Chổi của Công ty FPT IS đầu tháng 5 vừa qua đó là tiết mục “Mục hạ vô nhân” và “Cô hai thượng ngàn”.

a

Tiết mục biểu diễn "đáp lễ" của đội Chầu văn FPT IS đã rất thành công. Ảnh: B.N. 

Trong trang phục “hầu đồng”, anh Đào Xuân Bắc ( FPT IS Service) cùng hai cộng sự của mình đã có phần biểu diễn rất thành công, những ca từ lúc nhanh, lúc chậm đúng chất “hầu đồng” đã khiến cả hội trường lắc lư theo tiếng nhạc, giáo sư Khê cũng gõ phách nhịp tay tỏ ý rất hài lòng.

Vì công việc quá bận nên đến tận sát giờ biểu diễn giọng ca vàng FPT 2011 Thu Nga cùng dàn hát Xẩm của mình mới đến được nên không có thời gian chuẩn bị trang phục vì thế chị và hai đồng nghiệp cùng công ty phải diện nguyên thường phục đi làm ngồi biểu diễn. Với chất giọng truyền cảm và đặc biệt hợp với Xẩm, chị Nga đã thể hiện thành công tiết mục “Mục hạ vô nhân”. Nhiều khán giả nhận xét, hôm nay nghe Nga hát không “đã” bằng hôm trước, một phần do lỗi trục trặc âm thanh, và cũng có thể một phần do trang phục tạo nên cảm giác “một món ăn ngon nhưng không được bày biện đẹp mắt”.

Nhận xét về hai tiết mục “thể nghiệm” âm nhạc truyền thống của người FPT, Giáo sư cho rằng, trong xã hội hiện nay, khi phần lớn giới trẻ quan tâm tới những thể loại hiện đại như Ráp, Hiphop,… thì vẫn có những người say mê, chịu khó nghe những giai điệu, tiết tấu Việt Nam, đó là một bước đi đúng và mong các CBNV FPT sẽ phát huy điều này hơn nữa.

Giáo sư cũng đưa ra một vài nhận xét góp ý về trang phục cho tiết mục chầu văn “Cô đôi thượng ngàn”, theo giáo sư, biểu diễn bài “Cô đôi thượng ngàn” nên mặc áo màu xanh lá cây, tay cầm nhành cây và nhảy múa.  

Giáo sư cũng cho rằng, truyền thống phải là những cái bất di bất dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp giới trẻ tự biết sáng tạo và cải biên, rồi tạo cho mình một sân chơi bổ ích như vậy là điều đáng mừng. Bởi nếu muốn làm theo đúng như cách cổ truyền không phải một sớm một chiều đã làm ngay được mà phải là cả quá trình tích lũy, tìm tòi không mệt mỏi.

Chia sẻ về vấn đề âm nhạc truyền thống Việt Nam được đón nhận trên thế giới như thế nào, Giáo sư cho rằng mỗi thể loại lại được bạn bè quốc tế đón nhận, đánh giá khác nhau. Có rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc và thể loại dân ca được người quốc tế yêu thích và đánh giá cao, đàn đáy là một ví dụ điển hình.

Trước câu hỏi của MC Bùi Quang Ngọc việc gìn giữ và truyền bá âm nhạc truyền thống tới thế hệ trẻ hiện nay gặp phải những khó khăn gì, Giáo sư khẳng định, nếu nói về vấn đề này thì rất dài và phải mất rất nhiều thời gian nên ông chỉ tóm lược những ý cơ bản, ngoài ra, mọi người có thể tìm đọc bài viết có tên “Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam”, trong đó Giáo sư đã chỉ rõ tại sao thanh niên lại “cách ly” với âm nhạc truyền thống và phải làm gì để trị được căn bệnh mãn tính.

dsc0209-842236-1412966301.jpg

Giọng ca vàng FPT 2011 Thu Nga cùng dàn hát Xẩm thể hiện tiết mục "Mục hạ vô nhân". Ảnh: B.N.

Giáo sư cũng có phần thể nghiệm đọc Rap dựa trên những câu ca dao Việt Nam, sự trẻ trung, hài hước và tình yêu âm nhạc của ông dường như đã lan tỏa cả khán phòng.

Trong phần cuối của chương trình, Giáo sư cũng đưa ra những lý do vì sao trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, chúng ta vẫn phải trân trọng và giữ gìn âm nhạc truyền thống. Ngoài ra, Giáo sư cũng dành thời gian giao lưu và trả lời câu hỏi, và ký tặng đĩa cho khán giả FPT.

a

Đông đảo người FPT đã đến tham dự chương trình dù trời mưa. Ảnh: B.N.

Nhận xét về chương trình, anh Nguyễn Ích Cường (FPT Software) cho rằng chương trình rất hay và ý nghĩa, nhất là trong thời điểm âm nhạc hiện đại đang khá phổ biến như hiện nay thì chương trình giống như một khoảng lặng, một điểm dừng giúp mình có thể ôn lại âm nhạc truyền thống.

Thông qua buổi này, anh đã hiểu vì sao Ca trù, hát Xẩm lại được tôn vinh và công nhận là văn hóa phi vật thể. Anh cũng hiểu được những điểm khác biệt của âm nhạc Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. Thông qua đó giúp cho không chỉ anh mà người trẻ Việt Nam được tôn lên tính tự hào dân tộc và thấy văn hóa Việt Nam có rất nhiều điểm đặc sắc và bác học.

Anh Nguyễn Đức Hòa đến từ FPT IS INF lại đặc biệt ấn tượng với phần nói chuyện của Giáo sư về những câu hò, điệu lý bởi theo anh, đó là những cái thân thuộc và gắn liền với cuộc đời của mỗi người Việt Nam nên khi Giáo sư nói bản thân anh cũng thấy dễ tiếp thu. Thêm vào đó kiến thức tuyệt vời về âm nhạc của Giáo sư cũng khiến anh có thêm những hiểu biết và cách nhìn mới về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng những chia sẻ thú vị của giáo sư đã níu chân và để lại nhiều dư vị đẹp cho người FPT trong suốt gần 2 tiếng chương trình diễn ra.

Bình Nguyên

Ý kiến

()