Chúng ta

‘Hoài cổ’ với máy ảnh phim

Thứ năm, 7/6/2012 | 14:52 GMT+7

Tiếng lạch xạch khi lên phim, tiếng tách khi bấm máy, tiếng của kim loại va chạm vào nhau… tất cả âm thanh đó khiến anh Lê Huy Hoàng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu FPT IS, mê mẩn.
> Mê máy ảnh cổ / Thú chơi 'đắt đỏ'

Anh Hoàng có thú sưu tập dòng máy ảnh phim cổ. “Nếu có nhiều thời gian, mình cũng thích đi chụp ảnh, không làm được việc này thì làm việc kia”, anh chia sẻ về thú sưu tập máy phim của mình. Anh tự nhận mình là người “hoài cổ” khi thích chơi dòng máy ảnh này.

a

Anh Hoàng tự nhận mình là người hoài cổ khi thích sưu tầm máy phim cổ. Ảnh: NVCC.

Từ lúc 5 tuổi, khi được người cậu chụp cho bức hình đen trắng, anh đã rất thích máy ảnh phim. Anh chỉ ước sao sau này lớn lên được sở hữu một cái. Anh cho rằng, mỗi bộ phận trong máy phim là kết quả của những đôi tay tài hoa, là tinh hoa của cơ khí chính xác.

Cách đây khoảng 7-8 năm, tình cờ anh vào diễn đàn vnphoto.net để tham khảo, tìm hiểu và tự học cách chụp ảnh, lấy sáng, lấy nét… Lang thang ở đây một lúc, anh thấy trào lưu mua bán máy phim khá rầm rộ. Anh liên hệ và mua ngay chiếc máy chụp phim đầu tiên là Canon T60. Với chiếc máy này, anh chụp được khoảng ba cuộn phim với chất lượng ảnh khá tốt.

Bẵng đi hai năm, anh “nổi hứng” mua thêm máy. Lúc đó, anh đặt mục tiêu là mỗi hãng và mỗi đời đều phải tìm mua bằng được một máy.

a

Sưu tập máy ảnh phim ròng rã hơn 8 năm, anh Lê Huy Hoàng sở hữu 15 thân máy và gần chục ống kính các loại. Ảnh: NVCC.

Liên tục trong khoảng một năm, anh lùng sục mua máy, ống kính ở trên mạng. Nếu gặp người bán ở trong TP HCM, anh thường nhờ đồng nghiệp là Lữ Thế Long (FPT IS HCM) mua hộ rồi gửi ra. Có người bán ở bên Đông Anh, anh cũng nhờ người quen sang tận nhà mua rồi cầm về hộ. Thậm chí, gặp người bán đã được tin cậy trên diễn đàn, anh chỉ nhìn ảnh rồi mua, không cần thử máy.

Chính vì quá ham mê như vậy, có lần anh bị trúng mánh lừa kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Đến khi nhận hàng, anh mới tá hỏa vì “không như mình tưởng tượng”.
Sưu tập máy ảnh phim ròng rã hơn 8 năm, anh đã có trong tay 15 thân máy và gần chục ống kính các loại. Trong đó, đắt nhất là chiếc Canon AE1 giá 1,2 triệu đồng và rẻ nhất là chiếc Zenit, anh chỉ phải bỏ ra 650.000 đồng. Tuy nhiên, anh thích nhất chiếc Nikkormat FT2 vì nó có tuổi đời bằng đúng tuổi của anh (anh Hoàng sinh năm 1975).

Gần đây, do có ít thời gian “chăm sóc” máy nên anh có ý định tìm người cùng sở thích để có thể trao đổi và chia sẻ bộ sưu tập của mình.

Không có đam mê sưu tập máy, Phạm Đức Liêm, Ban Nhân sự FPT Telecom, lại thích cảm giác hồi hộp chờ đợi những tấm ảnh do chính tay mình chụp từ chiếc máy phim yêu thích.

a

Liêm (hàng trên, ngoài cùng bên phải) thường chụp ảnh bằng máy phim trong chuyến đi “phượt” cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.

Có lần, cầm trong tay bộ ảnh mới, anh vỡ òa sung sướng “vì nó rất đẹp”. Nhưng, cũng không ít lần, anh hí hửng đem phim đi tráng về rồi lại thất vọng tràn trề do ảnh bị hỏng. Đến nay, anh đã có 5 bộ ảnh bằng máy phim, trong đó chủ yếu là chụp ảnh các chuyến du lịch, hoa lá, con người, cảnh sinh hoạt…

“Cơ duyên” đưa anh đến với chụp máy phim xuất phát từ hơn một năm trước khi anh đi “phượt” cùng với đoàn leo núi. Được tận mắt chứng kiến một nhiếp ảnh gia chụp ảnh bằng máy phim và cái cách người nghệ sĩ này “tác nghiệp”, anh mê tít từ đó. Về nhà, anh bắt đầu lang thang ở các diễn đàn về nhiếp ảnh để thỏa mãn sự tò mò.

Cuối năm 2011, do “dòng đời xô đẩy”, anh vừa bị mất chiếc máy ảnh số thì được người bạn thân tặng chiếc máy phim cũ Nikon Fm10.

a

Đến nay, Phạm Đức Liêm đã có 5 bộ ảnh bằng máy phim. Ảnh: NVCC.

Khi chụp bằng máy phim, anh thấy “tác phẩm nghệ thuật” của mình “chất” hơn hẳn so bức ảnh kỹ thuật số. Từ đó, anh “gắn” luôn với dòng máy tốn kém và kỳ công này.

Từ khi còn chụp máy kỹ thuật số, anh đã tham gia khóa đào tạo về chụp ảnh ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Vì đã có kiến thức nền tảng cơ bản nên anh không mất quá nhiều thời gian làm quen khi chuyển sang chơi máy phim.

Theo Liêm, đa số các máy phim bây giờ đều có thiết bị đo sáng trong máy. Người chụp chỉ cần điều chỉnh tốc độ chụp, khẩu độ của ống kính và lấy nét sao cho đúng với ý đồ chụp là khâu chuẩn bị đã xong.

Đối với những máy không đo sáng hoặc thiết bị đo sáng bị hỏng, khi chụp sẽ cầu kỳ hơn nhiều. Người chụp phải sử dụng thiết bị đo sáng rời hoặc phải tính toán được khẩu độ và tốc độ cho những điều kiện sáng khác nhau mà vẫn được bức ảnh như ý.

Anh còn chú ý việc bảo trì máy. Phần lớn, máy phim có tuổi đời khá cao nên anh thường chỉ lau bụi và tra dầu định kỳ để máy có thể hoạt động trơn tru. Ngoài ra, anh cũng sắm tủ chống ẩm để bảo quản máy và phim , tránh tối đa hiện tượng mốc hoặc hoen gỉ. Đặc biệt đối với ống kính, nếu bị mốc, chất lượng ảnh sẽ bị giảm.
Anh nghiệm ra rằng, chơi máy phim đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì từ khâu chụp đến bảo quản. Ngoài ra, đây cũng là một thú chơi khá tốn kém, vì mỗi cú bấm máy đã “ngốn” của anh khoảng 2.500 đồng.

Sau 4 năm gắn bó với thú chơi máy phim, anh Đặng Quang Định, lập trình viên Phòng TDG thuộc FPT Software, là tác giả của khoảng 1.000 tấm ảnh phim ở các chủ đề như đường phố, đời thường, phong cảnh…

Sau khi “bén duyên”, anh mới nhận ra, tuy tiền đầu tư ban đầu rẻ hơn máy ảnh số nhưng để sở hữu mỗi bức ảnh chụp và rửa ra thì đắt hơn khá nhiều. Thường anh phải đầu tư khoảng 2.000 đồng một tấm ảnh nên anh mỗi lần chụp, anh đều nắn nót hơn.

Nguồn phim ngày càng hiếm, đắt giá hơn và ít nơi có dịch vụ phóng ảnh analog cũng là những thử thách không nhỏ mà người chơi máy phim như anh phải đối mặt.
Nhưng đã chơi đâm ra thành nghiền. Không những không từ bỏ được, anh còn “nghiện” cả máy phim.

Hiện nay, anh có khoảng gần 10 chiếc máy với giá dao động từ 1 đến 3 triệu đồng. Mỗi khi muốn mua thêm máy, anh thường tìm trên trang ebay.vn hoặc xomnhiepanh.com. Có lần, để có được chiếc Hasselblad, anh đã phải mua 4 phần riêng lẻ rồi về mới lắp lại được thành cái máy hoàn chỉnh. “Muốn mua giá rẻ thì phải chịu khó thức khuya để ‘săn’ hàng độc trên các trang mua bán”, anh chia sẻ.

Mỗi khi có một máy ảnh mới, anh chỉ việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng là đã có thể “tác nghiệp” được. “Thỉnh thoảng, chụp được tấm ảnh đẹp là mình thích lắm, ngắm đi ngắm lại rồi vẫn không thấy chán”, anh Định thích thú.

Thạch Anh

Ý kiến

()