Chúng ta

HĐQT FPT nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt Đại hội đồng cổ đông

Thứ năm, 7/4/2022 | 13:43 GMT+7

ĐHĐCĐ FPT diễn ra chiều nay (ngày 7/4) bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Lần đầu tiên sự kiện được livestream cho toàn người F trên Workplace FPT Chungta News.

  • 13h45

    Năm nay, ĐHĐCĐ áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Từ 12h30h, các cổ đông tham dự trực tiếp tại phòng Hội nghị của FPT Tower đã đến sớm làm thủ tục. Trong khi đó, lúc 13h hệ thống Onemeeting sẽ chính thức mở đón các cổ đông dự online trên toàn cầu.

    FPT-5555-4683-1649313713.jpg

    Cổ đông hoàn tất thủ tục dự đại hội.

    FPT-5637-7310-1649315217.jpg

    TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa trao đổi với các cổ đông trước giờ đại hội.

  • 14h00

    Đúng 14h, Đại hội khai mạc. Trước khi bắt đầu vào các nội dung chính thức của Đại hội, theo thủ tục, anh Nguyễn Việt Thắng - Trưởng ban kiểm soát (BKS) - báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu trước Đại hội.

    Đại hội ghi nhận 1.841 cổ đông tham dự, tỷ lệ chiếm 67% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

    FPT-5685-8157-1649315528.jpg

    Trước khi đi vào phiên làm việc chính thức, các đại biểu cùng làm lễ chào cờ.

    Thành phần tham dự ĐHĐCĐ gồm các thành viên HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát cùng các đại biểu đang tham dự trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến từ khắp nơi trên thế giới. Anh Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT - lên bàn Chủ toạ để chủ trì Đại hội. Anh Bình sau đó mời Đoàn Chủ tịch cùng lên để điều hành Đại hội, gồm: anh Bùi Quang Ngọc - PCT HĐQT; anh Nguyễn Văn Khoa - TGĐ FPT; anh Nguyễn Thế Phương - PTGĐ và anh Hoàng Việt Anh - PTGĐ.

    Chủ tịch đoàn đề cử ban thư ký gồm chị Đỗ Kim Phượng và chị Phạm Ngọc Anh. Ban kiểm phiếu của Đại hội gồm Trưởng ban Hoàng Hữu Chiến cùng 2 ủy viên là anh Nguyễn Việt Thắng và anh Trần Khương.

    Anh Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch FPT - đại diện đoàn chủ tịch trình bày báo cáo của HĐQT năm 2021, đồng thời dự trù Ngân sách hoạt động và thù lao của HĐQT năm 2022.

    FPT-5721-6906-1649316675.jpg

    PCT HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc.

  • 14h20

    CEO FPT Nguyễn Văn Khoa trình bày Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh FPT 2021 và kế hoạch 2022.

    Trải qua năm 2021 đầy khó khăn và thách thức, đội ngũ FPT đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn của cuộc chiến chống COVID-19, nhờ đó sức mạnh chung của tập đoàn được củng cố hơn bao giờ hết. Năm 2021, với dịch bệnh phức tạp nhưng FPT đã làm được rất nhiều về chuyển đổi số với các doanh nghiệp trong nước. "FPT hiện đã sẵn sàng khai phá mọi cơ hội, mở rộng tăng trưởng. Trong đó, hai cơ hội lớn hiện tại tới từ Đầu tư công và Chuyển đổi số (DX)", CEO FPT nhấn mạnh.

    FPT-5778-4717-1649317077.jpg

    TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa.

    Theo người điều hành nhà F, về cơ hội đầu tư công, tập đoàn xác định đầu tư công lần này gắn liền với công nghệ, hạ tầng số, chuyển đổi số. Điển hình tại TP Cần Thơ, riêng ngân sách cho đô thị thông minh lên đến 978 tỷ đồng chỉ cho 1 đề án. Đến nay, 54 tỉnh thành đã có chương trình chuyển đổi số và cơ hội cho FPT là vô cùng phong phú. Tập đoàn đã tiếp cận 40 tỉnh thành, ký kết với 14 tỉnh thành. Nhiều tỉnh giao cho FPT hơn 20% ngân sách.

    Đối với doanh nghiệp Việt, cả doanh nghiệp lớn và nhỏ đều sẵn sàng chi cho CĐS. Điển hình như, FPT đã có thể chiều lòng một khách hàng lớn và khó như khi golive hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP cho tổng thầu Coteccons chỉ trong 100 ngày - tạo nên chuẩn mực mới triển khai ERP cho ngành XD-BĐS. FPT sẽ là đơn vị lớn nhất và tốt nhất ở Việt Nam trong ít nhất 10 năm tới về CĐS.

    FPT đang tiếp cận khách hàng từ khâu tư vấn đến ký hợp đồng lớn và tiếp tục tham gia sâu và dài hạn trong nhiều năm. 1 đồng tiền tư vấn sẽ cần 10 đồng phát triển và 100 đồng vận hành. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với tất cả đối thủ trên toàn thế giới, dù là những tập đoàn lớn. FPT có thể đóng gói mô hình mẫu thành công trong nước kết hợp với nước ngoài, cung cấp trọn bộ giải pháp các ngành sản xuất, tài chính, bán lẻ, năng lượng… Accenture đi theo hướng này, FPT sẽ chủ động đi cùng xu hướng mới nhất, hiệu quả nhất.

    FPT-5964-7633-1649320858.jpg

    Toàn cảnh hội trường.

    Năm 2021, FPT đã triển khai Nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform), phân tích dữ liệu của 50 triệu khách hàng sử dụng các nền tảng dịch vụ của FPT trên toàn cầu. Qua đó, hiểu hơn nhu cầu, hành vi tiêu dùng và đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời trong tương lai. Đây là viễn cảnh đầy hứa hẹn.

    FPT sở hữu nhiều mô hình công nghệ, truyền thông, viễn thông (Technology, Media and Telecom Sector - TMT): mua các nội dung bản quyền tốt nhất (AFF, AFC, World Cup…, nội dung phim, giải trí)...

    "2022 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng bứt phá. Trong đó, kế hoạch kinh doanh 2022 sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua mục tiêu tăng 19% doanh thu và 20,2% LNTT. Tôi tin rằng, FPT đang đứng trước các cơ hội rộng mở và có năng lực sẵn sàng khai phá cơ hội, mở rộng tăng trưởng", anh Khoa nhấn mạnh.

  • 14h30

    Phó Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương trình bày Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và Phương án sử dụng lợi nhuận năm 2021. Đồng thời, thông báo chính sách chi sách cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 và đề xuất thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh. 

    FPT-5805-2942-1649317767.jpg

    Phó Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương.

    Theo đó, doanh thu năm 2021 đạt 35.657 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.349 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ FPT 4.337 tỷ đồng, trích quỹ 397 tỷ đồng, lợi nhuận cổ đông 3.940 tỷ đồng. FPT dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1). 

    Về kế hoạch kinh doanh năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu 42.420 tỷ đồng doanh thu, 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ khối công nghệ đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 21,1%; doanh thu khối viễn thông đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 14,8% và doanh thu khối giáo dục, đầu tư và khác đạt 2.960 tỷ đồng, tăng 32,5%.

    FPT cho biết, các hoạt động đầu tư năm 2022 sẽ có chi phí khoảng 4.000 tỷ đồng, bao gồm 1.200 tỷ đồng cho Khối công nghệ, 2.000 tỷ đồng cho khối viễn thông và 800 tỷ đồng cho khối giáo dục và các hoạt động khác.

    FPT trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2021, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tỷ lệ 20%. Chỉ tiêu cổ tức năm 2022 là 20%.

    Sau đó, anh Nguyễn Việt Thắng trình bày báo cáo của Ban Kiểm soát năm 2021. Đồng thời thông báo ngân sách hoạt động và thù lao của Ban kiểm soát năm 2022 và đề xuất danh sách công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.

  • 14h40

    Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu định hướng chiến lược FPT 2022-2024.

    Theo anh, chuyển đổi số là từ khóa nóng nhất năm qua. Người người, nhà nhà đều nhắc đến. Đó là cơ hội vô cùng lớn của FPT. Chúng ta sẽ làm gì để chớp lấy cơ hội về nền tảng của các doanh nghiệp. 

    "Là tập đoàn lớn, FPT hướng đến những nền tảng phục vụ hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Về AI, FPT.AI đang phục vụ 200 triệu người. Năm 2021, với phát minh FPT eCOVAX, chúng tôi đã mang đến giải pháp phục vụ hàng nghìn doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển để đảm bảo hậu COVID, các doanh nghiệp vẫn sử dụng những nền tảng này. Chúng tôi rất tự hào khi làm công việc này", anh Bình khẳng định.

    FPT-5832-2643-1649318340.jpg

    Với việc hợp tác FPT, một doanh nghiệp trong nước như Đất Xanh Group đang hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành, cán mốc 10 tỷ USD trong thập kỷ tới. Họ tin rằng chỉ có hợp tác cùng FPT mới góp phần hiện thực hóa mục tiêu này. Và FPT đang tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho 90 công ty thành viên của Đất Xanh trong thời gian 28 tháng.

    "Bước vào năm 2022, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện quyết liệt tất cả những gì dự định. Với tầm nhìn công nghệ, tôi khẳng định cơ hội của FPT đã, đang và sẽ đến. Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa", Chủ tịch FPT hào hứng.

  • 15h00

    Ban tổ chức thông báo danh sách đề cử HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027.

    Từ 2022, Hội đồng quản trị FPT bước vào nhiệm kỳ mới 2022-2027. FPT sẽ trình đại hội cổ đông về việc bầu 7 nhân sự điều hành nhiệm kỳ mới. Trong đó, 3 khai quốc công thần là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo sẽ tiếp tục góp mặt. Bên cạnh đó, ông Jean Charles Belliol cũng tiếp tục gắn bó với FPT.

    3 người rời Hội đồng quản trị gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. 3 cái tên thay thế là các ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.

    Ban kiểm soát FPT cũng có sự thay đổi khi bà Dương Thùy Dương thế chỗ bà Nguyễn Thị Kim Anh. Bà Dương hiện là chuyên viên đầu tư của SCIC.

    crawl-2022040711255936-1845-1649319590.p
  • 15h15

    Phần thảo luận và bầu cử.

    Sau khi các đại biểu cùng lắng nghe, theo dõi và tìm hiểu hầu hết các tờ trình, báo cáo của Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT 2022, Đại hội chuyển sang phần Thảo luận và đặt câu hỏi cho Chủ toạ.

    FPT-5909-8804-1649320352.jpg

    Cổ đông nhà F chia sẻ.

    Một cổ đông đặt câu hỏi: "Chúng tôi dù đã gắn bó với FPT rất lâu nhưng chưa từng trải nghiệm công nghệ và hệ thống của FPT. Với “hành trình 100 ngày của HoSE”, chúng tôi càng tin tưởng hơn vào công nghệ Việt. FPT trong 5 năm tới có định hướng gì về Metaverse (vũ trụ ảo) hay AI (trí tuệ nhân tạo) để vươn tầm thế giới?"

    Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT đã vượt qua nhiều tên tuổi lớn để có những dự án lớn. Vì vậy, FPT có cơ sở để mơ những ước mơ lớn. Metaverse do FPT đang làm có thể nói tương đương với những tập đoàn lớn. Metaverse mà FPT hướng đến là thực tại ảo, chứ không thuần digital. "Bây giờ vẫn hơi sớm nhưng hy vọng thời gian tới những Metaverse của FPT sẽ đi vào thực tiễn".

    Trong khi đó, FPT là tập đoàn đã làm blockchain sớm nhất Việt Nam với khách hàng đầu tiên ở Singapore. Anh Bình cho hay, trước đây FPT làm cho khách hàng doanh nghiệp nhưng sắp tới sẽ làm cho đại chúng. FPT hướng đến những giao thức blockchain phục vụ toàn cầu do chính chúng tôi thực hiện. 

    fpt-2-6602-1649320303.jpg

    Cổ đông dự trực tuyến đặt câu hỏi.

    Giải đáp câu hỏi về bất động sản, lãnh đạo Tập đoàn khẳng định FPT sẽ không đầu tư kinh doanh thương mại bất động sản, hoạt động kinh doanh chính của FPT là khối phần mềm, giáo dục, nếu địa phương có điều kiện FPT sẽ xin phép sẽ xây nhà ở cho cán bộ nhân viên.

    Câu hỏi: Những năm gần đây cạnh tranh đội ngũ nhân lực rất quyết liệt. FPT sẽ làm gì để không còn phụ thuộc vào nhân lực công nghệ cao?

    CEO FPT Nguyễn Văn Khoa: Đây là câu chuyện toàn thế giới. Chúng tôi giải quyết bằng việc xây dựng môi trường làm việc tiên phong, giúp nhân viên phát triển năng lực làm việc đội nhóm, năng lực cạnh tranh. Chúng tôi cũng đưa ra những công thức, chính sách nội bộ đặc trưng để giữ chân nhân lực.

    FPT cũng xây dựng những chính sách nhân sự đặc trưng. Đồng thời, tập đoàn đang vươn mình ra để tuyển nhân lực đến từ Ấn Độ và nhiều nước khác trên thế giới.

    PCT HĐQT Bùi Quang Ngọc: Chúng tôi cũng lưu tâm trong việc chuyển đổi công việc để nhân viên không còn nhàm chán, tăng sự hấp dẫn. Văn hóa doanh nghiệp cũng rất quan trọng, bên cạnh thu nhập, FPT cũng rất chú trọng xây dựng nét văn hóa này để hút và giữ cán bộ công nghệ cao.

  • 16h15

    Anh Hoàng Hữu Chiến công bố kết quả kiểm phiếu và bầu cử. Kết quả: Đại hội đã thông qua toàn bộ tờ trình.

    Ngay sau đó, HĐQT và Ban kiểm soát mới nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt đại hội.

    fpt-3-4983-1649323711.jpg

    HĐQT FPT nhiệm kỳ 2022-2027.

    Theo đó, Hội đồng quản trị FPT có ba thành viên mới: ông Hampapur Rangadore Binod, nguyên phó tổng giám đốc Infosys - công ty CNTT Ấn Độ xếp thứ 4 thế giới, theo Brand Finance; ông Hiroshi Yokotsuka, cựu Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản và bà Trần Thị Hồng Lĩnh, đại diện SCIC.

    4 ủy viên HĐQT FPT tái cử gồm: anh Trương Gia Bình, anh Bùi Quang Ngọc, anh Đỗ Cao Bảo và ông Jean Charles Belliol.

    Đại diện Chủ tọa, Phó Chủ tịch FPT Bùi Quang Ngọc thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

    fpt-4-7812-1649323990.jpg

    Các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát khóa mới ra mắt đại hội. 

    Từ Ấn Độ, ông Hampapur Rangadore Binod, thành viên HĐQT, chia sẻ: Tôi sẽ cố gắng quản trị doanh nghiệp ở mức cao nhất và cống hiến những kinh nghiệm mà mình đã có được. Tôi hy vọng đây là cơ hội của bản thân để giúp FPT phát triển.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, FPT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu tăng trưởng 19% so với năm 2021, đạt 42.420 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. Trong đó, khối công nghệ doanh thu tăng 21,1%, khối viễn thông tăng 14,8%, khối giáo dục và còn lại tăng 32,5%. Lợi nhuận năm nay dự kiến đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2021.

Ngoài một số thay đổi về thành viên HĐQT, kỳ họp này cũng dự kiến đánh dấu những thay đổi mang tính chiến lược. Theo tài liệu được gửi tới các cổ đông, trong giai đoạn 2022 - 2024 và tầm nhìn 2030, FPT chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. 

Ý kiến

()