Theo thông tin các nhà cung cấp Internet (ISP) trong nước, 23h50 ngày 23/4, tuyến cáp quang biển quốc tế APG gặp sự cố, gây mất 930G dung lượng. Nguyên nhân xác định ban đầu do sự cố cáp vào trạm cập bờ Chongming/APG/China.
APG được nhà thầu NEC (Nhật Bản) hoàn tất việc xây dựng. Bằng việc tham gia đầu tư APG, các ISP Việt Nam gia tăng hướng và dung lượng kết nối quốc tế, cả trên đất liền và biển. Ảnh minh họa: TechRadar. |
Ngay sau khi sự cố xảy ra, các nhà cung cấp Internet tại Việt Nam lập tức thực hiện phương án chủ động định tuyến lưu lượng kênh quốc tế sang các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định, phối hợp với đối tác quốc tế bố trí lưu lượng ứng cứu các kênh quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Hiện các ISP đang theo dõi/phối hợp với các đối tác quốc tế xử lý (thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 2 đến 3 tuần tùy thuộc vào điều kiện thời tiết).
Sự cố xảy ra tối 23/4 là lần thứ 3 từ đầu năm nay tuyến cáp APG gặp lỗi. Cụ thể, tuyến cáp biển APG bị gián đoạn liên lạc lần đầu vào ngày 6/1, khi đối tác quốc tế phải thực hiện di dời cáp phục vụ việc mở rộng sân bay Changi-Singapore. Lần thứ hai trong năm nay là vào sáng 27/2 tại vị trí cách Hong Kong 125 km. Sự cố hồi tháng 2 mới hoàn thành việc khắc phục trong đầu tháng 4.
Trước đó, trong năm 2017, tuyến cáp biển APG cũng đã có 2 lần gặp sự cố lần lượt vào các ngày 20/6 và 23/12.
APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển có lưu lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á, băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Hiện các nhà mạng đang khai thác ở mức 4 Tbps. Tuyến cáp này có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, đi qua 9 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
>> Tham vọng Internet vệ tinh giá rẻ sắp thành hiện thực
Chi Vy
Ý kiến
()